Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Triển vọng kinh doanh 2020, doanh nghiệp tài chính lạc quan, phi tài chính bi quan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Triển vọng kinh doanh 2020, doanh nghiệp tài chính lạc quan, phi tài chính bi quan

Đăng Linh

(TBKTSG) – Trong khi nhóm doanh nghiệp phi tài chính có cái nhìn khá bi quan về triển vọng kinh doanh thì nhóm ngân hàng cho thấy sự lạc quan hơn.

 

Nhóm ngân hàng cho thấy sự lạc quan hơn khi đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 4,9% so với năm 2019. Ảnh: Thành Hoa

Theo số liệu tổng hợp của FiinPro, tính đến ngày 13-7-2020, đã có 1.368/1.644 doanh nghiệp khối phi tài chính, chiếm 96,7% vốn hóa trên thị trường chứng khoán, công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2020. Theo đó, tăng trưởng doanh thu năm 2020 của nhóm này dự kiến giảm 0,5% trong khi lợi nhuận sau thuế, theo kế hoạch được xây dựng bởi ban lãnh đạo của chính những doanh nghiệp này, sẽ giảm mạnh (-23,6%) so với năm 2019.

Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng năm năm đối với doanh thu và suy giảm lần đầu tiên trong chín năm đối với lợi nhuận. Những con số này cho thấy cái nhìn khá bi quan của nhóm doanh nghiệp phi tài chính về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh.

Cụ thể hơn, 9/15 ngành phi tài chính dự kiến có doanh thu vẫn duy trì tăng trưởng, tuy nhiên sự suy giảm mạnh từ sáu ngành còn lại khiến triển vọng doanh thu của khối này giảm nhẹ (-0,5%). Thực phẩm và đồ uống thay thế bất động sản để dẫn đầu về triển vọng tăng trưởng doanh thu trong năm 2020 (+17,2%).

Trong đó, doanh thu của đơn vị đầu ngành là MSN dự kiến tăng trưởng hơn 119% nhờ hợp nhất với VinCommerce. Bất động sản đứng thứ hai với mức tăng trưởng doanh thu dự kiến là 16,7%. Ngành hóa chất dự kiến có doanh thu năm 2020 tăng trưởng 5,4% so với năm 2019, chủ yếu đến từ một số doanh nghiệp đầu ngành phân bón như DCM, DPM, PSE, PSW.

Một số ngành khác vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức khá, bao gồm: công nghệ thông tin (+11%), viễn thông (+7,6%), bán lẻ (+3,8%). Ở chiều ngược lại, những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 là du lịch và giải trí với doanh thu dự kiến giảm sâu (-31%), tiếp theo là dầu khí (-29,5%), hàng cá nhân và gia dụng (-15,8%).

Về lợi nhuận sau thuế, các ngành tài nguyên cơ bản, công nghệ thông tin, viễn thông dự kiến vẫn sẽ duy trì triển vọng tăng trưởng ở mức hai con số trong năm 2020. Sự bứt phá của HPG với lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến tăng 24% là nhân tố chính tác động đến triển vọng tăng trưởng của ngành tài nguyên cơ bản nói chung và nhóm thép nói riêng.

Ngành hóa chất dự kiến tăng trưởng lợi nhuận khá (+12,5%) trong năm 2020, đứng đầu là các cổ phiếu DGC, DPM, LTG. Các ngành đặt mục tiêu duy trì được lợi nhuận ở cùng mặt bằng so với năm 2019 bao gồm dược phẩm, bất động sản, thực phẩm và đồ uống.

Ở chiều ngược lại, lợi nhuận sau thuế ngành du lịch và giải trí dự kiến ở mức khá bi quan sau khi VJC đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 98% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngành bán lẻ (bao gồm MWG) cũng đặt chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến giảm 9,3% trong năm 2020.

Trong khi nhóm doanh nghiệp phi tài chính có cái nhìn khá bi quan về triển vọng kinh doanh thì nhóm ngân hàng cho thấy sự lạc quan hơn khi đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 4,9% so với năm 2019, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thống kê trên của FiinPro bao gồm 18/19 ngân hàng niêm yết, chiếm 63,2% dư nợ toàn hệ thống và 98% vốn hóa của khối ngân hàng đang niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UpCom.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh ngân hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, thậm chí đây còn là cơ hội bứt phá với các ngân hàng áp dụng các công nghệ số tạo tiện ích cho khách hàng thay vì mô hình giao dịch truyền thống.

Tuy vậy, tác động bởi dịch bệnh đến ngân hàng lại chủ yếu nằm ở việc ảnh hưởng của dịch bệnh đến khách hàng của ngân hàng, bao gồm hai đối tượng chính là: đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng. Sức khỏe tài chính và khả năng chi trả lãi vay của doanh nghiệp đi xuống và thu nhập người tiêu dùng trong một số ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh như du lịch, đi lại, xuất khẩu sẽ tác động không nhỏ tới chất lượng tín dụng của các ngân hàng trong thời gian tới.

Điểm đáng lưu ý là cơ sở cho sự lạc quan bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi các ngân hàng xây dựng kế hoạch kinh doanh cho cả năm nay một phần đến từ những chính sách về quy định hạch toán đối với dư nợ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cụ thể, theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì dư nợ được cơ cấu sẽ vẫn được hạch toán là nợ đủ tiêu chuẩn và do đó không phải trích lập dự phòng. Bên cạnh việc duy trì lợi nhuận tín dụng từ danh mục dư nợ cũ (thay vì dư nợ tín dụng mới tăng trưởng rất chậm), các ngân hàng cũng tiếp tục được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư chứng khoán, nhất là đầu tư và kinh doanh trái phiếu.

Điều này đạt được nhờ vào mặt bằng lãi suất/lợi tức trái phiếu chính phủ tiếp tục duy trì ở mức thấp và qua đó giúp các ngân hàng có nguồn lợi nhuận chưa thực hiện từ danh mục trái phiếu đó.

Mặc dù chưa chịu ảnh hưởng tiêu cực ngay nhờ các quy định trong chính sách tái cơ cấu nợ, nhưng tác động của dịch Covid-19 đối với chất lượng tín dụng (và đồng nghĩa là tác động đến lợi nhuận) của ngành ngân hàng vẫn là rủi ro tiềm ẩn và thường có độ trễ nhất định.

Trong cuộc khủng hoảng năm 2008 thì chi phí dự phòng của các ngân hàng có độ trễ khoảng bốn quí. Bên cạnh đó, cơ chế trái phiếu đặc biệt VAMC (của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) mà hiện phần lớn các ngân hàng đã giải quyết xong cũng được áp dụng để xử lý dần nợ xấu.

Do vậy, nhiều khả năng chi phí dự phòng cho chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ sớm được phân bổ vào các quí trong tương lai cũng như tùy theo sự thay đổi hướng dẫn hạch toán nợ xấu từ NHNN.

Hiểu một cách đơn giản thì các giải pháp vừa qua của NHNN chủ yếu giúp kéo dài thời gian, tránh cú sốc quá lớn cho hệ thống ngân hàng, đồng thời kỳ vọng nợ xấu sẽ không còn “xấu” nữa một khi kinh tế phục hồi trở lại. Đây là giải pháp đúng đắn xét trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với một cú sốc lớn như dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nếu tốc độ phục hồi kinh tế không được như mong đợi, nhất là khi các nước trên thế giới vẫn đang đối mặt với rủi ro về làn sóng lây nhiễm thứ hai thì các ngân hàng cũng cần tính đến các kịch bản xấu bằng việc dần gia tăng trích lập dự phòng, củng cố năng lực về vốn để đối phó với khả năng nợ xấu tăng mạnh trở lại. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới