Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Triển vọng phục hồi mờ mịt của các hãng hàng không quốc gia ở ASEAN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Triển vọng phục hồi mờ mịt của các hãng hàng không quốc gia ở ASEAN

Khánh Lan

(KTSG Online) – Bất chấp đã tiến hành nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí như sa thải nhân sự, bán bớt máy bay, tái cấu trúc… con đường hồi sinh của một số hãng hàng không quốc gia ở khu vực ASEAN vẫn mờ mịt khi dịch Covid-19 bùng lên trở lại trong khu vực, khiến kế hoạch tái mở cửa biên giới hoàn toàn không thể thực hiện sớm.

Triển vọng phục hồi mờ mịt của các hãng hàng không quốc gia ở ASEAN
Máy bay của Thai Airways đỗ trên đường băng của sân bay Suvarnabhumi Airport ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Nhân viên hàng không làm thêm để kiếm sống

Đã hơn một năm kể từ khi Dejphon Poolpun, cơ trưởng của hãng hàng không quốc gia Thái Lan, Thai Airways, rời xa bầu trời. Trong thời gian đó, anh không nhận được khoản phụ cấp bay nào và lương cơ bản của anh cũng bị giảm mạnh vì Thai Airways thua lỗ hàng tỉ đô la Mỹ do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Những ngày này, anh dành phần lớn thời gian trong căn bếp của ngôi nhà anh ở Bangkok, nơi anh nướng các khay bánh brownie chocolate để bán trên một gian hàng trực tuyến. Anh khoe trong năm qua anh kiếm được hơn 3.000 đô la mỗi tháng nhờ công việc tạm thời này.

Tình cảnh của Dejphon không phải là hiếm đối với những người làm việc trong ngành hàng không. Khắp khu vực Đông Nam Á, nhiều phi công và tiếp viên hàng không bị sa thải, trong khi đó, những người khác bị giảm lương đáng kể. Nhiều người buộc phải bán thực phẩm và các hàng hóa khác để kiếm thêm thu nhập. Cơ trưởng Dejphon may mắn thích nghi được với cơn suy thoái đột ngột của ngành hàng không nhưng nhiều đồng nghiệp của anh phải bán xe, bán nhà để trả nợ.

Vì đà thua lỗ chưa dừng lại, các công ty hàng không ở Đông Nam Á phải thanh lý bớt máy bay, cắt giảm nhân sự và tiến hàng các thay đổi quyết liệt khác trong chiến lược kinh doanh. Chẳng hạn, Thai Airways đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản để tái cấu trúc kinh doanh. Trong khi đó, hai hãng hàng không quốc gia khác, Malaysia Airlines và Garuda Indonesia phải thương lượng với các hãng cho thuê máy bay và các chủ nợ để tái cấu trúc các khoản nợ của họ.

Đại dịch Covid-19 đã khiến lượng khách hàng không trên thế giới giảm mạnh và các hãng bay trong khu vực cũng không tránh khỏi tình cảnh ế khách này.

Nỗ lực duy trì sự sống còn

Để chống chọi đại dịch Covid-19, Garuda Indonesia quyết định sa thải 700 nhân viên, giảm 50% mức lương của 15.000 nhân viên khác và bán 6 công ty con để cải thiện tình hình tài chính. Giám đốc điều hành Garuda Indonesia, Irfan Setiaputra nói: “Đại dịch Covid-19 đã buộc công ty chúng tôi tiến hành nhiều sự điều chỉnh. Chúng tôi phải thực hiện các biện pháp này để tồn tại vượt qua thời kỳ bất ổn này”.

Hồi tháng 11 năm ngoái, chính phủ Indonesia đã đồng ý chi 600 triệu đô la để mua trái phiếu mới của Garuda Indonesia để giải cứu hãng hàng không này. Vào thời điểm đó, Garuda Indonesia bị âm vốn lưu động và có các khoản nợ phải trả vượt quá 80% trị giá tài sản.

Các khó khăn tài chính do tác động của Covid-19 buộc Thai Airways phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 5 năm ngoái. Tính đến cuối tháng 3-2020, Thai Airways có các khoản nợ hơn 13 tỉ đô la, vượt cả trị giá tài sản của công ty này.

Kể từ sau khi nộp đơn bảo hộ phá sản, Thai Airways đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm chi phí và tăng doanh thu, bao gồm giảm quy mô bộ máy nhân sự từ 29.000 người xuống còn 14-15.000 người, bán bớt máy bay và yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương. Tính đến cuối năm 2020, Thai Airways chỉ còn 278 triệu đô la tiền mặt và các khoản tương đương tiền, giảm mạnh so với con số 695 triệu đô la của năm trước đó

Nhà phân tích Suwat Wattanapornprom ở Công ty Asia Plus Securities nhận định lượng tiền mặt có sẵn chỉ giúp Thai Airways duy trì hoạt động đến đầu năm 2022.

Đại dịch Covid-18 khiến Malaysia Airlines phải giảm mạnh lương toàn bộ ban lãnh đạo và nhân viên. Izham Ismail, Giám đốc điều hành Malaysia Airlines, cho biết lượng hành khách của công ty nay giảm 90% kể từ tháng 10-2020. Tin vui xuất hiện vào đầu năm 2021 khi Tập đoàn hàng không Malaysia (MAG), công ty mẹ của Malaysia Airlines, được Tòa án tối cao Anh và xứ Wales cho phép triển khai kế hoạch tái cấu trúc.  Theo kế hoạch này, Khazanah Nasional, cổ đông duy nhất của MAG sẽ bơm 3,6 tỉ ringgit (870 triệu đô la) cho MAG trong 5 năm tới.

Nỗ lực tái cấu trúc giúp Malaysia Airlines xóa bỏ được các khoản nợ trị giá 10 tỉ ringgit và cắt giảm chi phí 5,7 tỉ ringgit. Malaysia Airlines kỳ vọng phục hồi dần dần các hoạt động, Trong khi đó, tòa án phá sản trung ương ở Bangkok dự kiến sẽ ra phán quyết về kế hoạch tái cấu trúc của Thái Airways vào ngày 15-6 tới. Thai Airways tự tin rằng kế hoạch này sẽ giúp công ty có lợi nhuận trở lại vào năm 2023.

Tính đến tháng 9-2020, Garuda Indonesia có 210 máy bay nhưng con số này đã giảm về 142 khi công ty này trả lại một số máy bay thuê. Garuda Indonesia được cho là có kế hoạch giảm đội máy bay về con số 70. Với các biện pháp cắt giảm chi phí này, Garuda Indonesia dự báo sẽ có lợi nhuận vào cuối năm 2020. Garuda Indonesia kỳ vọng vận chuyển 7,5 lượt triệu hành khách trong năm nay, tương đương 50% so với con số hành khách vận chuyển mỗi năm trước đại dịch Covid-19 khi chính phủ Indonesia dần nới lỏng các hạn chế đi lại.

Cảnh vắng vẻ ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: EPA

Triển vọng vẫn ảm đạm

Trong một thông cáo báo chí vào tháng 4, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cho dự báo ngành hàng không toan cầu sẽ tiếp tục tổn thất 47,7 tỉ đô la trong năm 2021, cải thiện so với mức thiệt hại khoảng 126,4 tỉ đô la vào năm 2020. IATA nhận định ngành hàng không sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn hoài nghi triển vọng phục hồi này. Yeah Kim Leng, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Sunway (Malaysia), lưu ý rằng các bất ổn liên quan đến đại dịch Covid-19 đối với ngành hàng không đã giảm bớt,khi lượng người dân tiêm vaccine Covid-19 tăng lên và hạn chế đi lại đã được nới lỏng ở các mức độ khác nhau.

“Dù những đám mây đen vẫn tồn tại do sự bùng phát trở lại của virus SAR-CoV-2 và sự thiếu hụt nguồn cung vaccine Covid-19, nhưng ngành hàng không đang nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm” Giáo sư Yeah Kim Leng nói. Ông cho rằng trong ngắn hạn, triển vọng đi lại bằng đường hàng không trong khu vực ASEAN còn thách thức do các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát biên hoặc thậm chí đóng cửa biên giới. Ông cảnh báo: “Do sự phục hồi của du lịch hàng không gắn liền với việc nới lỏng các hạn chế đi lại, các hãng hàng không trong khu vực sẽ phải chuẩn bị về mặt tài chính để ứng phó với một hoặc hai năm thua lỗ nữa”.

Nhà phân tích hàng không Alvin Lie ở Jakarta (Indonesia) cho biết các hãng hàng không trên thế giới đã làm những gì có thể tiếp tục tồn tại. Ông nói: "Các hãng hàng không đã cắt giảm nguồn lực và dịch vụ của họ, chỉ chọn các tuyến bay có ý nghĩa kinh tế trong khi rẻ nhánh sang các lĩnh vực khác như vận chuyển hàng hóa. Họ đã đàm phán lại các khoản vay, cố gắng trả lại máy bay thuê, trả nợ chậm cho các nhà đầu tư và một số hãng đã nộp đơn xin cứu trợ của chính phủ. Hiện họ đang ở chế độ sinh tồn”. 

Nhưng ông cho rằng đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, khiến các điều kiện kinh doanh không ổn định vì giới chức trách có thể đưa ra nhiều hạn chế đi lại hơn trong tương lai. Ông cho biết các chính phủ phải có trách nhiệm kiểm soát đại dịch và trong trong điều kiện hiện nay, cho dù một hãng hàng không có khuyến mãi đến đâu thì cũng không có du khách nước ngoài nào đến đến cả. Covid-19 đã thay đổi cách mọi người đi du lịch, giao lưu và tương tác và Alvin Lie tin rằng một số thay đổi này vẫn tồn tại ngay cả sau khi đại dịch kết thúc.

Trong năm 2019, Garuda Indonesia vận chuyển hơn 15 triệu lượt hành khách nhưng con số này giảm về 2,8 triệu vào năm ngoái. Kết quả là hãng hàng không này chịu mức lỗ ròng kỷ lục 1,07 tỉ đô la Mỹ.  Thai Airways thậm chí chịu mức lỗ nặng hơn. Hãng hàng không quốc gia Thái Lan chỉ vận chuyển được 5,87 triệu lượt hành khách vào năm ngoái, giảm 76% so với năm 2019. Đó là một trong những lý do khiến Thai Airways ghi nhận mức lỗ ròng lên tới 4,5 tỉ đô la trong năm 2020.

Tình cảnh của Malaysia Airlines, hãng hàng không quốc gia Malaysia còn bi đát hơn. Sau khi liên tục thua lỗ trong một thập kỷ và chứng kiến 2 thảm kịch gồm vụ máy bay MH370 mất tích và vụ máy bay MH17 bị bắn rơi vào năm 2014, Malaysia Airlines bị Quỹ đầu tư quốc gia Malaysia, Khazanah Nasional, rút niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong quí 2-2020, hãng hàng không này chứng kiến lượng hành khách giảm về gần zero. Malaysia Airlines chưa công bố báo cáo tài chính năm 2020 nhưng trong năm trước đó, công ty nay lỗ ròng 923,79 triệu ringgit (223 triệu đô la).

Theo Channel News Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới