Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Triển vọng Trung Quốc vượt Mỹ để thành siêu cường kinh tế số 1 bị hoài nghi

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đà tăng trưởng giảm tốc mạnh trong năm qua của Trung Quốc bắt đầu khiến nhiều chuyên gia xem xét lại các dự báo cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối thập niên này. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ làm được như vậy.

Khủng hoảng bất động sản là một trong những nguyên nhân ghìm tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay. Trong khi đó, xu hướng dân số ngày càng già hóa sẽ tác động bất lợi cho triển vọng tăng trưởng của nước này. Ảnh: Getty

Lùi lại thời điểm dự báo Trung Quốc vượt Mỹ về quy mô kinh tế

Cho đến gần đây, nhiều nhà kinh tế cho rằng GDP của Trung Quốc tính bằng đô la Mỹ sẽ vượt qua Mỹ vào cuối thập niên này, đánh dấu một sự trỗi dậy kinh tế ngoạn mục nhất từ trước đến nay.

Nhưng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở nên u ám trong năm nay, khi các chính sách mà Bắc Kinh theo đuổi bao gồm cả chính sách “zero Covid” và nỗ lực kiềm chế đầu cơ bất động sản, đã làm giảm tốc độ tăng trưởng. Khi các nhà kinh tế xem xét lại các dự báo của họ cho năm 2022, họ càng lo lắng hơn về triển vọng dài hạn của Trung Quốc, với nhân khẩu học không thuận lợi và mức nợ cao có khả năng kìm hãm bất kỳ sự phục hồi nào.

Trong một điều chỉnh dự báo gần đây nhất, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh, một tổ chức tư vấn ở Anh, cho rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030, chậm hơn hai năm so với dự báo của tổ chức này hồi năm 2020.

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER), có trụ sở ở Tokyo, nhận định thời điểm Trung Quốc vượt qua Mỹ về quy mô nền kinh tế sẽ chưa xảy ra cho đến đến năm 2033, muộn hơn 4 năm so với dự báo trước đó của JCER.

Các nhà kinh tế khác đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có bao giờ giành được vị trí đầu bảng hay không? Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Lawrence Summers cho biết dân số ngày càng già hóa của Trung Quốc và xu hướng Bắc Kinh can thiệp ngày càng tăng vào các công việc của công ty, cùng với những thách thức khác, khiến ông giảm đáng kể kỳ vọng đối với tăng trưởng của Trung Quốc.

Ông nhận thấy sự tương đồng giữa dự báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tiên lượng trước đó cho rằng Nhật Bản hoặc Nga sẽ vượt qua Mỹ về kinh tế, những dự đoán mà hiện nay nghe có vẻ lố bịch

Summers, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard, nói: “Tôi nghĩ có khả năng thực sự điều tương tự sẽ xảy ra đối với Trung Quốc”.

Có thể lên số 1 nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn kém

Các nhà nghiên cứu cũng tranh luận về việc xếp hạng GDP có ý nghĩa như thế nào và đặt câu hỏi liệu có nhiều thay đổi nếu Trung Quốc vượt qua Mỹ để thành siêu cường kinh tế số 1 thế giới. Dù thế nào, đồng đô la Mỹ dự kiến sẽ vẫn là tiền tệ dự trữ của thế giới trong nhiều năm tới.

Leland Miller, Giám đốc điều hành China Beige Book, một công ty nghiên cứu, cho biết quy mô nền kinh tế đơn thuần không phản ánh chất lượng tăng trưởng. Mức sống ở Mỹ, được đo bằng GDP bình quân đầu người, cao hơn 5 lần so với Trung Quốc và khoảng cách này khó có thể sớm thu hẹp. Tuy nhiên, sự thay đổi trong bảng xếp hạng GDP sẽ là một chiến thắng về mặt tuyên truyền cho Trung Quốc khi giới lãnh đạo nước này muốn cho thế giới và người dân trong nước thấy rằng mô hình kinh tế do nhà nước do Trung Quốc dẫn dắt vượt trội hơn so với nền dân chủ tự do của phương Tây và rằng Mỹ đang suy giảm ảnh hưởng về chính trị lẫn kinh tế. Theo thời gian, cảm nhận đó có thể dẫn đến những thay đổi thực chất hơn khi nhiều nước định hướng lại nền kinh tế của họ để phục vụ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Summers cảnh báo: “Nếu Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể, thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng khuếch trương quyền lực của Bắc Kinh”.

Cách hai nước so kè thứ hạng GDP có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc. Sau khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong quí cuối cùng của năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đã yêu cầu các quan chức đảm bảo tốc độ tăng trưởng của đất nước phải cao hơn Mỹ trong năm nay.

Song các vận may kinh tế có thể đảo ngược nhanh chóng. Vào năm 2020, khi Trung Quốc phục hồi nhanh hơn so với Mỹ từ đợt bùng phát Covid-19 ban đầu, có vẻ như nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ sớm hơn dự kiến. Một số nhà kinh tế dường như ít dao động hơn bởi các mối đe dọa ngắn hạn đối với tăng trưởng của Trung Quốc. Justin Yifu Lin, cựu nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới (WB), người từ giữ quan điểm lạc quan về tiềm năng của Trung Quốc, lập luận rằng dân số Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Mỹ và điều này có nghĩa là rốt cục, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp đôi so với Mỹ. Tại một diễn đàn ở Bắc Kinh vào tháng 5, ông dự đoán sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tiếp tục bất chấp đà tăng trưởng chậm lại gần đây của đất nước đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, các vấn đề kinh tế liên tiếp xuất hiện ở Trung Quốc, một phần là do các lựa chọn chính sách mà Bắc Kinh đã thực hiện để kiểm soát Covid-19 và kiềm chế nợ trong lĩnh vực bất động sản.

Cơn suy thoái bất động sản ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Một chỉ số theo dõi niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên vào mùa xuân năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị đang ở mức cao kỷ lục.

Khoảng cách GDP tính theo đô la Mỹ giữa Trung Quốc (đường màu đỏ) và Mỹ (đường màu xanh dương) đang thu hẹp. Ảnh: WSJ

Sẽ không bắt kịp Mỹ nếu không cải cách mạnh mẽ

Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Úc, lưu ý trong một báo cáo hồi tháng 3 rằng tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến chỉ đạt trung bình khoảng 2-3% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2050, thấp hơn nhiều so với nhận định của một số nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc có thể duy trì mức tăng trưởng 4-5%/năm cho đến giữa thế kỷ. Viện Lowy viện dẫn ra nhiều yếu tố khiến tăng trưởng của Trung Quốc suy yếu trong dài hạn bao gồm nhân khẩu học không thuận lợi, tác động tích cực từ đầu tư cơ sở hạ tầng giảm dần và những thách thức khác. Viện Lowy lưu ý với mức tăng trưởng từ 2-3% mỗi năm, Trung Quốc vẫn có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ thiết lập một vị trí dẫn đầu có ý nghĩa đối với Mỹ và sẽ vẫn kém thịnh vượng cũng như năng suất trên mỗi người lao động kém hơn nhiều so với Mỹ, thậm chí vào giữa thế kỷ này”, Viện Lowy nhận định. Điều này có nghĩa là vị trí siêu cường kinh tế số 1 thế giới không đủ để mang lại cho Trung Quốc bất kỳ lợi thế cạnh tranh đáng kể nào.

Tuy nhiên, Viện Lowy cho biết tốc độ tăng trưởng chậm lại hơn nữa của Trung Quốc kể từ khi báo cáo được công bố đã “ít nhất đã đẩy lùi thời điểm có khả năng Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ, và có nhiều khả năng trên thực tế Trung Quốc không bao giờ có thể làm được như vậy”

Nếu đo lường theo sức mua, có tính đến chi phí hàng hóa và dịch vụ khác nhau giữa các nước, Trung Quốc đã vượt qua nền kinh tế Mỹ vào năm 2016, theo số liệu của WB.

Tuy nhiên, nếu đo bằng đồng đô la Mỹ, GDP của Trung Quốc tương đương 77% quy mô kinh tế của Mỹ, tăng từ 13% vào năm 2001, theo dữ liệu từ WB vào năm 2021.

Các nhà nghiên cứu của Công ty tư vấn Capital Economics viết trong một báo cáo vào đầu năm ngoái rằng kịch bản khả dĩ nhất của họ là nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt khoảng 87% quy mô  của Mỹ vào năm 2030, trước khi giảm trở lại 81% vào năm 2050. Capital Economics nhận định điều này là do nhiều nguyên nhân bao gồm lực lượng dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc đang thu hẹp và tăng trưởng năng suất yếu.

Mark Williams, nhà kinh tế trưởng châu Á của Capital Economics, cho biết: “Nhiều người trong một thời gian dài đã đánh giá quá cao năng lực của giới lãnh đạo Trung Quốc và bị sốc trước những bước đi sai lầm của họ với Covid-19 và lĩnh vực bất động sản. Điểm yếu mà những cuộc khủng hoảng này bộc lộ đã xuất hiện và phát triển trong một thời gian dài”.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng khả năng Trung Quốc vượt qua Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc liệu nước này có theo đuổi các cải cách chính sách kinh tế hay không.

Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và là cựu nhà kinh tế tại WB, cho biết ông tin rằng Trung Quốc có thể vượt Mỹ về quy mô GDP vào năm 2035, nếu nước này tăng tuổi nghỉ hưu, cho phép nhiều lao động nông thôn hơn chuyển đến các thành phố và thực hiện các bước đi để nâng cao năng suất như chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và chăm sóc y tế.

Nhưng theo Hofman, Trung Quốc sẽ không thể bắt kịp Mỹ nếu các nhà hoạch định chính sách chỉ theo đuổi “những cải cách hạn chế”, hoặc nếu nước này rơi vào khủng hoảng nợ. Việc Mỹ tách rời kinh tế với Trung Quốc có thể khiến Trung Quốc khó tiến xa hơn, vì dòng chảy kiến thức chuyên môn từ nước ngoài bị gián đoạn, Hofman nhận định.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới