Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Triết lý “phần mềm” của PCI

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Triết lý “phần mềm” của PCI

Ông Nguyễn Đình Cung.

(TBKTSG) – Hôm nay, 11-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2008. Nhân dịp này, TBKTSG trao đổi với ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – một trong các chuyên gia đã tham gia góp ý trong việc chọn chỉ tiêu PCI vài năm gần đây, về triết lý “phần mềm” của PCI.

TBKTSG: Báo cáo PCI năm nay có một điểm mới: chỉ số cơ sở hạ tầng. Mặc dù đây là nỗ lực đáng ghi nhận của nhóm nghiên cứu, nhưng liệu có cần bổ sung chỉ số này không, vì thực chất cơ sở hạ tầng là điều kiện tự nhiên ban đầu có tính đặc thù của mỗi vùng, miền và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Ông có cho rằng sự bổ sung này làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn – miền núi, từ đó phản ánh không chính xác xếp hạng PCI cuối cùng?

Ông Nguyễn Đình Cung: Điều đó rất đúng. Bản thân quan điểm xếp hạng PCI là không tính đến “phần cứng”, tức loại bỏ sự ảnh hưởng của những yếu tố tự nhiên có sẵn của các tỉnh, như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô GDP… Động lực chính thúc đẩy các tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh của mình là “phần mềm”, nghĩa là tính năng động, sáng tạo trong điều hành của tỉnh đó.

Do đó, nếu đưa chỉ số cơ sở hạ tầng vào xếp hạng thì sẽ có sự chênh lệch rất rõ giữa các địa phương, và đương nhiên Hà Nội, TPHCM và các tỉnh lớn có hạ tầng thuận tiện hơn sẽ có lợi thế hơn các tỉnh miền núi.

Bình thường có thể phê phán TPHCM về hạ tầng yếu kém nhưng nếu bổ sung chỉ số này thì không thể phê phán được vì thành phố này còn tốt hơn nhiều tỉnh nông thôn khác, và như thế, các tỉnh lớn vốn đã có lợi thế lại càng được lợi thế toàn diện hơn.

Cần lưu ý, một tỉnh không phát triển bằng tỉnh khác là do nhiều yếu tố, trong đó có cả sự kém thuận lợi về hạ tầng, chứ không hẳn do năng lực điều hành của tỉnh đó, nên xếp hạng về hạ tầng có thể làm tăng tính không đồng đều về các điều kiện tự nhiên ban đầu của các tỉnh.

Có thể nhiều người nhìn sự phiến diện này (không xếp hạng cơ sở hạ tầng) mà phê phán nó, nhưng bản thân sự phiến diện này cũng có triết lý riêng đằng sau nó.

– Ý ông là triết lý quan tâm đến “phần mềm” mà PCI đưa ra để thúc đẩy các tỉnh cải thiện năng lực cạnh tranh?

– Đúng vậy. Chính triết lý này mới làm cho PCI phát huy tác dụng một cách khách quan và công bằng. Tôi cho rằng, PCI nên giữ triết lý động viên khích lệ các địa phương yếu thế hơn phát huy tính năng động, sáng tạo và cạnh tranh bằng các yếu tố này để bù đắp các mặt yếu.

Thời gian qua, PCI đã làm được việc này, nhiều vị lãnh đạo cấp tỉnh mới nhậm chức đã có suy nghĩ về hành động của họ căn cứ vào PCI trong điều hành. PCI cũng được coi như là một căn cứ để cán bộ trong bộ máy chính quyền địa phương dựa vào đó mà hành xử, định vị vị thế của địa phương mình trong bản đồ cạnh tranh năng lực quốc gia, từ đó tạo động lực cho tỉnh đi lên bằng yếu tố “phần mềm” này.

– Nhưng nhiều tỉnh rất năng động sáng tạo, dám nghĩ khác và làm khác lại bị coi là không chờ “ý kiến chỉ đạo” từ Trung ương?

– Tôi thấy nhiều chính quyền địa phương cũng năng động, muốn làm khác nhưng khi họ ra quyết sách vẫn lúng túng và trên thực tế lại tạo ra rào cản. Cái này là do mục tiêu không rõ ràng. Muốn có mục tiêu rõ ràng từ cấp chính quyền Trung ương tới địa phương thì Nhà nước phải xác định lại vai trò của mình và trả lời câu hỏi: Nhà nước muốn làm gì và làm như thế nào?

Chính quyền Trung ương, vì thế, cũng cần cải cách để mở rộng dư địa cho sự sáng tạo của chính quyền địa phương mạnh mẽ hơn, khuyến khích địa phương nghĩ khác, làm khác chứ không chỉ chăm chăm chờ “ý kiến chỉ đạo” ở trên.

– Muốn thế đòi hỏi một sự đổi mới rất lớn, đặc biệt là hệ thống pháp lý… 

– Để cho sự sáng tạo được an toàn thì hệ thống luật pháp phải có chất lượng hơn, giúp địa phương hiểu biết về chính sách một cách thống nhất để hành động thống nhất. Ở điểm này, theo tôi, giới nghiên cứu cần tìm hiểu thêm và đây cũng là điểm để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Lâu nay ta thường nhấn mạnh đến yếu tố “vĩ mô” nhưng bây giờ phải chú ý đến “vi mô”, mà để làm được điều này thì khó hơn nhiều vì nó đòi hỏi phải có một nhạc trưởng giỏi và hình thành một chuỗi liên kết.

– Tức là phải tư duy từ dưới lên chứ không áp đặt từ trên xuống bằng các mệnh lệnh hành chính? 

– Đúng là cần thiết phải tư duy từ dưới lên, bằng cách mỗi tỉnh tự định vị các điều kiện có sẵn của mình như thế nào, có lợi thế gì và sẽ phát triển theo hướng nào. Tính sáng tạo phải xuất phát từ cấp địa phương, và triết lý PCI có tác động rất tốt ở mặt này. Theo tôi, nên bỏ từ “quy hoạch” vì nó là thứ tư duy lối mòn, hiểu theo nghĩa áp đặt duy ý chí, ví dụ chỗ này làm khu công nghiệp, chỗ kia làm sân golf… Áp đặt từ trên xuống gây nhiều xáo trộn xã hội mà lại không có kết quả. 

– Thế còn tình trạng nhiều tỉnh chạy đua thu hút các dự án đầu tư lớn nhưng không phải lợi thế của mình, rồi cạnh tranh không lành mạnh?

– Tính năng động sáng tạo phải được thể hiện trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi địa phương xuất phát từ lợi thế cạnh tranh của họ, chứ không phải sao chép từ nơi khác. Tôi rất phân vân vì chuyện bắt chước nhau ở nước ta khá phổ biến, ví dụ, thấy tỉnh bên cạnh thu hút một dự án xây khu đô thị 1 tỉ đô la Mỹ thì mình cũng phải kiếm một dự án như thế. Nếu các tỉnh cạnh tranh không có định hướng và chỉ biết chạy đua sẽ dẫn tới hệ quả xấu mà thực tế đã chỉ ra quá nhiều bài học đắt giá.

Thực tế cho thấy, khuyến khích cạnh tranh ở các địa phương là rất tốt nhưng nhiều khi chỉ cạnh tranh trên một sản phẩm hoặc một khía cạnh chứ không phải cạnh tranh trên sự khác biệt, đó là sự cạnh tranh tồi tệ nhất như GS. Michael Porter nói về các tỉnh của Việt Nam.

– Vấn đề này cũng liên quan đến chuyện phân cấp mà không giám sát. Theo ông, cần giải quyết tình hình này ra sao?

– Phân cấp là đúng vì có phân cấp mới có cạnh tranh và nó tạo ra quyền hành nhất định cho các tỉnh trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, phân cấp bao giờ cũng phải gắn liền với giám sát thì mới phát huy hiệu quả. Trong thời gian qua, phân cấp ở ta thiếu giám sát từ trên nên một số tỉnh vượt quá quyền hạn của mình, dẫn đến cạnh tranh trên một sản phẩm như tôi đề cập ở trên, và hệ quả là cái mà người ta gọi là cạnh tranh cùng đi về điểm đáy.

Vì vậy, song song với việc nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên sự khác biệt của mỗi tỉnh, rất cần tăng cường năng lực giám sát của cơ quan điều hành vĩ mô.

THÀNH TRUNG thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới