Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trình Quốc hội một số cơ chế đặc thù cho Hà Nội như TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trình Quốc hội một số cơ chế đặc thù cho Hà Nội như TPHCM

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Chính phủ cho rằng trước tình hình phát triển hiện tại (tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số nhanh, ô nhiễm, ùn tắc giao thông…) đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù cho Hà Nội nên đã đề xuất với Quốc hội vào phiên họp sáng ngày 9-6. Trong đó có một số cơ chế đã được áp dụng cho TPHCM.

Trình Quốc hội một số cơ chế đặc thù cho Hà Nội như TPHCM
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Ông Dũng cho hay dự thảo nghị quyết này được thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết này.

Nói về cơ sở, sự cần thiết xây dựng Nghị quyết ông Dũng cho biết xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Thủ đô Hà Nội. Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội và tài chính – ngân sách của cả nước.

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, gây tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội. Trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Nói về quản lý thu ngân sách nhà nước, ông Dũng cho hay theo quy định tại Điều 17 Luật phí, lệ phí năm 2015, việc ban hành danh mục, phí thuộc thẩm quyền Quốc hội. Giữa hai kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các loại phí, lệ phí, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đồng thời, các điều 17, 18, 19, 20 và 21 của Luật phí, lệ phí quy định thẩm quyền quyết định mức thu một số khoản phí theo phân cấp.

Nay căn cứ yêu cầu, năng lực, trình độ quản lý kinh tế – xã hội của Thành phố, Chính phủ trình Quốc hội thí điểm giao Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định việc thu phí.

Theo đó quy định, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng như sau: thu một số khoản phí chưa được quy định trong Danh mục Luật Phí, lệ phí; tăng mức hoặc tỉ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100% ). Các khoản thu tăng thêm này, ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố.

Thêm nữa ông Dũng cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, ngân sách Trung ương được hưởng 100% khoản thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý.

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, các cơ quan, đơn vị được sử dụng không quá 70% số tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất nộp ngân sách (riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là không quá 100%) để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, chi phí di dời, làm nhà ở tại các cơ sở đất khác của cơ quan, đơn vị.

“Để tạo điều kiện cho Hà Nội có thêm nguồn lực, Chính phủ trình Quốc hội quy định Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh),” ông Dũng nói.

Để tạo Hà Nội có thêm nguồn lực cho đầu tư, Chính phủ trình Quốc hội quy định thành phố này được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Uỷ ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Các quy định về quản lý thu ngân sách trên đã được Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng đối với Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017.

Về quản lý chi ngân sách nhà nước, dự thảo đề xuất căn cứ khả năng của Hà Nội trong việc thu hút nguồn lực xã hội hóa ngoài ngân sách đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ; trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc ưu tiên trong phân bổ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế – xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. Quy định này đã được Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng đối với Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Thời gian qua, Hà Nội là địa phương không những luôn tự bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định, mà còn dư nguồn khá lớn (Năm 2018 dự kiến dư khoảng 21.400 tỉ đồng; năm 2019 dư khoảng 28.300 tỉ đồng; năm 2020 dư khoảng 39.720 tỉ đồng). Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội quy định Hà Nội được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

Về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu. Theo báo cáo của Hà Nội, hiện nay một số trụ sở của các cơ quan, đơn vị của Thành phố đang thiếu một số hạng mục công trình thiết yếu hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng cần đầu tư mới. Nếu sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo các quy định, thủ tục của Luật Đầu tư công hiện nay sẽ không đảm bảo tính kịp thời. Hà Nội dự kiến nhu cầu kinh phí để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường… giai đoạn 2020 – 2022 dự kiến khoảng 2.100 tỉ đồng.

“Căn cứ tình hình nhu cầu thực tế, khả năng của Hà Nội, Chính phủ trình Quốc hội quy định Thành phố được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu”, ông Dũng nói.

Về mức dư nợ vay và sử dụng quỹ dự trữ tài chính, để phù hợp với nhu cầu cần huy động vốn đầu tư các công trình trọng điểm lớn của Hà Nội. Đồng thời phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây, Chính phủ trình Quốc hội nâng mức trần dư nợ vay của Hà Nội từ 70% lên 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Đồng thời, để quản lý bội chi ngân sách và nợ công, dự thảo Nghị quyết quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Quốc hội cũng đã cho phép nâng mức trần dư nợ vay của Thành phố Hồ Chí Minh lên 90% theo Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Quốc hội tán thành việc cần phải ban hành nghị quyết

Sau phần trình bày của ông Dũng, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Theo đó ông Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban này tán thành với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về các nội dung của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết tập trung điều chỉnh một số chính sách chủ yếu về quản lý thu ngân sách, quản lý chi ngân sách, mức dư nợ vay và sử dụng quỹ dự trữ tài chính.

Đây là các nội dung cơ bản phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 và có tính tương đồng với nhiều cơ chế tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Hải cho hay trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đề nghị nguyên tắc xây dựng Nghị quyết cần thể chế hóa để phù hợp với tình hình và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhu cầu thực tiễn phát triển của Thành phố Hà Nội và bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về một số vấn đề cụ thể như sau: phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội và mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Thành phố Hà Nội; không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối vĩ mô, thực hiện vai trò chủ đạo của NSTW theo quy định của Hiến pháp 

Thứ hai, chỉ thí điểm thực hiện một số cơ chế chính sách tài chính – ngân sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Việc đẩy mạnh phân cấp nguồn thu phải phù hợp với năng lực, khả năng giải ngân các nguồn vốn, gắn với yêu cầu quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả cao hơn và thu hút được nhiều hơn các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng của Thành phố Hà Nội. Thứ ba, việc thí điểm ban hành chính sách mới phải có tính vượt trội và được sự đồng thuận của người dân Thủ đô.

Ông Hải cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận góp ý hoàn thiện dự thảo để Quốc hội có thể tiến hành thông qua trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới