Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trợ cấp nhiên liệu đi ngược xu hướng phát triển bền vững

Song Hảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đức đã quyết định tăng thêm 40 tỉ euro (40 tỉ đô la) cho trợ cấp năng lượng để giúp người dân đỡ gánh nặng chi tiêu trong mùa đông khắc nghiệt sắp tới. Trong khi đó, Indonesia lại quyết định tăng giá nhiên liệu thêm 30% sau khi lo ngại ngân khố không kham nổi.

Hai chính sách có vẻ trái chiều của hai nền kinh tế lớn nhất EU và ASEAN buộc các nhà quan sát nhìn lại mặt trái của chính sách trợ cấp nhiên liệu. Liệu người nghèo có được bảo vệ tốt hơn trong các chính sách này và liệu các gói trợ cấp như vậy có đang song hành với trào lưu năng lượng sạch trên toàn cầu.

Vòng xoáy nghịch lý

Trợ cấp năng lượng trên thế giới đang diễn ra trong bối cảnh nghịch lý ngổn ngang. Nước giàu càng đổ nhiều tiền trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch dù rằng vẫn luôn hô hào năng lượng sạch, nước nghèo sau một thời gian thực hiện buộc phải tạm dừng vì cạn kiệt ngân khố.

Thành phố Frankfurt về đêm. Chính quyền các thành phố châu Âu đang thực thi nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng và các kế hoạch dự phòng cho mùa đông sắp tới. Ảnh: Bloomberg

Bloomberg dẫn nguồn tin một quan chức cao cấp Chính phủ Đức rằng khoản trợ giá cho người tiêu dùng Đức của chính phủ liên bang sẽ gồm các khoản tài chính còn lại trong năm 2022 và 2023. Tổng trị giá của gói này sẽ có thể lớn hơn 40 tỉ euro với các khoản đóng góp từ chính quyền các tiểu bang và được công bố trong tối 4-9-2022. Đây là gói tài trợ thứ ba kể từ khi Thủ tướng Scholz nhậm chức cách đây chưa đầy 10 tháng. Hai gói trước đó trị giá hơn 30 tỉ euro.

Đức đang bị lôi vào vòng xoáy khủng hoảng năng lượng do Nga quyết định đóng cửa tất cả đường ống khí đốt trừ hệ thống chạy qua lãnh thổ Ukraine. Chính phủ Đức đã kích hoạt giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm ba cấp độ và đang xem xét nới lỏng một số chính sách năng lượng và môi trường cốt lõi của mình để giảm thiểu bụi phóng xạ, bao gồm cả việc kéo dài vòng đời của các nhà máy điện hạt nhân và điện than.

Giá năng lượng tăng vọt và các thay đổi chính sách trong vấn đề Ukraine đã trở thành những vấn đề đau đầu của ông Olaf Scholz trong những tháng đầu làm thủ tướng. Các cuộc thăm dò xã hội cho thấy uy tín của ông Scholz đang trên đà trượt dốc. Đảng của ông đã thất bại trong cuộc bầu cử liên bang kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ cuối tháng 2. Thất bại này cho thấy lạm phát đã nhanh chóng trở thành thách thức lớn nhất đối với các chính phủ EU.

Gói trợ cấp mới sẽ là một nỗ lực để giảm bớt gánh nặng cho người dân Đức khỏi cơ chế “leo thang”, trong đó người dân sẽ chịu các mức thuế cao hơn do họ được tăng lương để bù đắp lạm phát gia tăng nhanh chóng.

Tại Đông Nam Á, hôm 3-9-2022 Chính phủ Indonesia thông báo sẽ tăng giá nhiên liệu lên khoảng 30%, bất chấp nguy cơ nổ ra các cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối quyết định này. Reuters trích lời Bộ trưởng Năng lượng Arifin Tasrif rằng giá xăng, vốn đã được trợ cấp, sẽ từ 7.650 rupiah/lít lên 10.000 rupiah (0,67 đô la Mỹ), trong khi giá dầu diesel tăng lên 6.800 rupiah/lít từ mốc 5.150 rupiah. Trợ cấp năng lượng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã chạm ngưỡng 34 tỉ đô la trong năm nay, gấp ba lần ngân sách ban đầu. Chính phủ “trong thế chẳng đặng đừng” – như lời ông Widodo – buộc phải đưa ra phương án tăng giá nhiên liệu, bởi giá năng lượng toàn cầu tăng và đồng rupiah mất giá. Nếu không tăng giá, ngân sách sẽ chi đến 47 tỉ đô la, theo Bộ trưởng Tài chính nước này.

Giá nhiên liệu hay giá dầu ăn là vấn đề nhạy cảm trên chính trường Indonesia. Những thay đổi nhỏ sẽ có tác động lớn tới các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Lần tăng giá nhiên liệu gần đây nhất là vào năm 2014, vài tháng sau khi ông Jokowi nhậm chức. Các cuộc biểu tình đã bùng nổ khắp xứ vạn đảo. Tuy vậy, các khoản trợ cấp năng lượng từ trước đến nay của Indonesia được giữ ở mức thấp, nhằm kiềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát tháng 8 tại nước này là 4,69%.

Các trạm xăng ở thủ đô Jakarta chứng kiến dòng xe đỗ kéo dài sau quyết định tăng giá. Đảng Lao động kêu gọi người dân biểu tình đòi hủy bỏ chính sách tăng giá. Chủ tịch Đảng Said Iqbal nói rằng sức mua sẽ bị ảnh hưởng bởi tiền lương đã không tăng trong ba năm qua.

Người nghèo là trọng tâm của trợ cấp bền vững

Viện Nghiên cứu chính sách công SMERU của Indonesia nói rằng chính sách trợ cấp này khó có thể duy trì, do không có gì đảm bảo rằng Indonesia sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc giá cả hàng hóa – như than, khoáng sản hay dầu cọ – ngày càng tăng.

Hơn nữa, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố vào tháng 6 chỉ ra rằng trợ cấp năng lượng của Indonesia chủ yếu mang lại lợi ích cho các hộ gia đình trung lưu và thượng lưu. Bởi họ chiếm ưu thế trong tiêu thụ nhiên liệu, “ngốn” khoảng 42-73% trợ cấp nhiên liệu của xứ vạn đảo. WB khuyến khích chuyển các khoản trợ cấp này thành các chương trình hỗ trợ xã hội dành cho người nghèo, tầng lớp dễ bị tổn thương và cũng có tiềm năng trở thành các nhóm trung lưu. Sự tái phân bổ này có thể giúp các chính sách tài khóa của quốc gia trở nên hiệu quả hơn. Cũng cần lưu ý chính sách trợ cấp năng lượng mâu thuẫn với nỗ lực cắt giảm chi tiêu của các chính phủ, đặc biệt đối với nhiên liệu.

Một nghiên cứu trước đây của SMERU đề xuất các giải pháp dài hạn – chẳng hạn như chương trình an sinh xã hội – để hỗ trợ người nghèo và những người không thể làm việc hiệu quả, chẳng hạn người khuyết tật. SMERU chỉ ra rằng các chương trình tạm thời có thể gây ra các xung đột hoặc tổn thương xã hội.

Chính sách trợ cấp nhiên liệu của Indonesia cũng nên ưu tiên hơn cho các gia đình do phụ nữ đảm nhận vai trò trụ cột và chuyển dần sang chăm sóc và giữ trẻ, giúp các bậc phụ huynh nghèo yên tâm trong công việc khi biết rằng con cái được an toàn, chăm sóc kỹ lưỡng vào ban ngày. SMERU cũng nhấn mạnh: “Việc giải ngân viện trợ kịp thời cũng rất quan trọng, nhằm hỗ trợ người dân đúng lúc trước bất kỳ cú sốc nào do sự thay đổi về chính sách trợ giá nhiên liệu tạo ra”.

Quay lại câu chuyện của nước Đức và cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu đang đương đầu. Giá khí đốt, xăng dầu và điện đang ở mức cao kỷ lục sẽ là thời điểm để năng lượng tái tạo tỏa sáng.

Tuy nhiên, các khoản trợ cấp của chính phủ đối với nhiên liệu hóa thạch đã tạo ra màn sương, phủ mờ các chi phí thực của loại nhiên liệu này. Năm 2021, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu tăng gần gấp đôi so với năm 2020 – theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 29-8.

“Khi điều chỉnh giảm giá nhiên liệu hóa thạch thông qua các gói trợ cấp, người ta vô tình triệt tiêu các động lực chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Đây là mối ưu tư chính”, nhà phân tích chính sách thương mại Greg Garsous của OECD nhận định.

Tuy vậy, Garsous nói rằng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vẫn được thực hiện đối với một số hộ gia đình có thu nhập thấp. Ông chỉ ra rằng, chẳng hạn, Pháp đã chi 580 triệu euro trong năm ngoái để giúp các hộ nghèo chi trả hóa đơn năng lượng.

Nhưng vấn đề hiện nay là các khoản trợ cấp năng lượng mang tính toàn cầu. Garsous nói chính phủ các nước trong năm nay có thể chi gấp đôi cho các gói tài trợ nhiên liệu.

Nguồn: Bloomberg, Reuters, The Conversation, SMERU Research Institute

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới