Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trợ cấp thôi việc cho người nước ngoài tại Việt Nam: Đôi khi vẫn phải đòi

LS. Hồ Thị Trâm (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nhận trợ cấp thôi việc theo những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp là đương nhiên, song nếu người lao động không biết để “đòi” thì cũng có thể bị một số công ty “phớt lờ”, không trả.

Chuyện thứ nhất: Một người nước ngoài, làm việc cho công ty A tại Việt Nam, xin nghỉ việc và được chấp thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Hợp đồng lao động của người này có quy định rõ về vấn đề trợ cấp thôi việc: được chi trả một khoản tiền trả trước hàng tháng (Employee Advance) đều đặn trong suốt thời gian người này làm việc cho công ty; nghĩa là người này đã nhận được khoản trợ cấp thôi việc hàng tháng. Tuy nhiên, theo tính toán, tổng số tiền trợ cấp thôi việc mà người này được quyền nhận theo quy định của pháp luật lớn hơn tổng số tiền trả trước hàng tháng đã nhận.

Chuyện thứ hai: Một người nước ngoài khác được tuyển dụng vào vị trí quản lý cấp cao cho công ty B tại Việt Nam. Sau khi hết hạn hợp đồng, công ty B ký kết với người này hợp đồng lao động mới có thời hạn hai tháng và khi hợp đồng gần hết hạn thì công ty B thông báo sẽ không tái ký hợp đồng nữa. Sau đó B thông báo khoản thanh toán cuối cùng mà người lao động (NLĐ) được nhận là lương tháng cuối cùng sau khi trừ tiền thuế và số ngày nghỉ phép vượt quá quy định và không nói gì đến khoản trợ cấp thôi việc.

Đó là hai trong số nhiều trường hợp có liên quan đến vấn đề tiền trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nhiều trường hợp như nói trên tỏ ra bất ngờ khi biết họ có thể được nhận thêm một khoản trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Từ góc độ pháp luật Việt Nam

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng được điều chỉnh và bảo vệ bởi Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài không thuộc trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp(1) theo Luật Việc làm 2013 nên người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp thôi việc(2) cho họ trong một số trường hợp pháp luật lao động quy định như: (i) hết hạn hợp đồng lao động; (ii) đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; (iii) hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; và một số trường hợp khác… Những trường hợp người nước ngoài không được hưởng trợ cấp thôi việc như (i) đủ điều kiện hưởng lương hưu, (ii) tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc trở lên.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của sáu tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi NLĐ thôi việc. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian họ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của NLĐ được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 6 tháng được tính bằng một phần hai/năm, trên 6 tháng được tính bằng một năm làm việc.

Pháp luật lao động của Việt Nam cũng đã có quy định về chế tài xử phạt tiền và biện pháp khắc phục khi người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho NLĐ.

Trong hai câu chuyện nêu trên, cả hai người đều chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp, và vì lao động nước ngoài có mức lương khá cao nên khoản tiền trợ cấp thôi việc của họ tính ra cũng đáng kể, song có thể không được nhận do họ không hiểu rõ quy định hoặc không được thông báo về tiền trợ cấp thôi việc.

Ở câu chuyện thứ nhất, công ty A vẫn phải chi trả cho NLĐ khoản tiền chênh lệch giữa tổng số tiền trợ cấp thôi được hưởng theo quy định của pháp luật và tổng khoản tiền trả trước mà NLĐ đã nhận hàng tháng.

Còn trong chuyện thứ hai, tình tiết trong câu chuyện cho thấy công ty chỉ ban hành thông báo không tái ký hợp đồng và một e-mail phàn nàn về công việc chứ không có quyết định sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. E-mail phàn nàn này không làm thay đổi bản chất của việc chấm dứt hợp đồng lao động là do hết hạn hợp đồng, nên việc công ty chỉ trả lương tháng cuối mà không nói gì đến khoản tiền trợ cấp thôi việc là chưa đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Thực tế, sau hơn một tháng nghỉ việc, công ty B mới chịu chi trả tiền trợ cấp thôi việc khi người nước ngoài này quay lại công ty để yêu cầu chi trả.

(*) Công ty Luật TNHH ADK Vietnam Lawyers

(1) Khoản 1 điều 3 và khoản 1 điều 43 của Luật Việc làm 2013

(2) Điều 46 của Bộ luật Lao động 2019 và điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới