Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trò chơi điện tử giúp cải thiện kỹ năng lãnh đạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trò chơi điện tử giúp cải thiện kỹ năng lãnh đạo

(TBVTSG) – Trò chơi điện tử kích thích người ta làm việc có hiệu quả hơn. Những người chơi trò chơi điện tử trở nên dễ gần gũi và được trang bị nhiều kỹ năng tốt hơn để đưa ra quyết định so với những người không chơi.

Tác giả Steven Johnson vài năm trước từng bị chỉ trích khi đưa ra những lời khẳng định nói trên trong quyển sách “Everything Bad is Good for You: How Today’s Popular Culture is Actually Making Us Smarter”. Tuy nhiên, những giả thuyết của ông nhận được sự đồng tình từ không ít người say mê trò giải trí nói trên nhưng vẫn làm việc có hiệu quả và thăng tiến trong lĩnh vực công nghệ cao.  

Vào những ngày này, các giám đốc doanh nghiệp có khuynh hướng dành thời gian để “luyện” trò chơi Call of Duty cũng nhiều như trên sân golf, nhất là những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ.  

Viện Giá trị kinh doanh của IBM cho biết một cuộc phỏng vấn 214 thành viên trong cộng đồng IBM có chơi trò chơi trực tuyến cho thấy gần phân nửa tin rằng thú vui giải trí này có thể giúp cải thiện những kỹ năng lãnh đạo của họ trong thế giới thực; 3/4 cho rằng những công cụ cộng tác hiện có trong các trò chơi có thể được ứng dụng trong doanh nghiệp ảo.  

Để tìm hiểu thêm về tác động của trò chơi trực tuyến đối với văn phòng làm việc trong thế giới thực, tạp chí Computerworld đã hỏi tám nhà quản lý tại một số hãng công nghệ hàng đầu về những vấn đề như họ bắt đầu chơi như thế nào, đang chơi trò chơi gì, học được những kỹ năng và bài học gì…  

Lee Congdon

Lee Congdon,  Giám đốc CNTT của Red Hat Inc.  

“Trò chơi đầu tiên mà tôi chơi là Spacewar trên máy tính mini Modcomp. Những trò chơi ưa thích khác của tôi là Qix và Missile Command trên máy arcade (máy chơi bằng đồng xu), Zork, Lemmings, SimCity và Myst trên máy tính cá nhân. Hiện nay thỉnh thoảng tôi mới chơi, và chọn ngẫu nhiên những trò dành cho hệ điều hành Fedora Linux.  

Theo tôi, trò chơi trực tuyến rất lý thú vì sự kết hợp đúng giữa kỹ thuật, việc đưa ra quyết định và dám mạo hiểm sẽ mang lại thành công. Thú giải trí này có ba đặc tính rất có giá trị trong thế giới kinh doanh. Trước hết, nó cung cấp một môi trường cho phép có những thử nghiệm và sai lầm, hoặc khả năng thay đổi cách thức tiếp cận với chi phí tương đối thấp.  

Việc cho người ta cơ hội để khám phá và đổi mới có thể cải thiện đáng kể tính linh hoạt và tài xoay sở của họ. Thứ hai, những trò chơi hiện đại yêu cầu người chơi suy nghĩ cùng một lúc về mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài về mặt chiến lược. Sau cùng, nó khuyến khích người chơi làm quen với việc đề ra mục tiêu và đạt được nó. Hầu hết các doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ những nhân viên có những kỹ năng này”.  

Gareth Davis

Gareth Davis, Quản lý chương trình nền tảng tại Facebook  

“Tôi chơi Space Invaders lần đầu tiên trên máy arcade, sau đó là Asteroids trên máy Atari 2600. Hiện tôi đang chơi những trò chơi xã hội trên Facebook, như Geo Challenge, Texas HoldEm Poker và MouseHunt và các trò chơi khác trên máy PlayStation 3.  

Tôi đã học được kỹ năng cộng tác từ việc chơi Gauntlet, trong đó mỗi người chơi có một nhân vật với những kỹ năng độc nhất. Ngoài ra, tôi cũng trở nên kiên trì hơn kể từ khi chơi MouseHunt – một trò chơi đòi hỏi người chơi mất thời gian để thấy thành quả của mình và họ phải liên tục thay đổi cách thức chơi cho đến khi thành công. Cuối cùng, khả năng phối hợp giữa mắt và tay mà tôi học được từ việc chơi Geo Challenge giúp tôi có thể an toàn đi qua các cánh cửa khi cùng một lúc mang máy tính xách tay, thẻ an ninh, điện thoại BlackBerry và iPhone.”  

Mark Randall

Mark Randall, Chiến lược gia trưởng của Tổ chức Dynamic Media thuộc Adobe Systems Inc.  

“Tôi chơi trò chơi Pong lần đầu tiên vào năm 1975. Hiện tôi đang chơi LittleBigPlanet trên máy PlayStation 3 và World of Goo trên máy tính cá nhân. Tuy nhiên, tôi dành thời gian chơi nhiều nhất trên một hệ thống do tôi thiết kế – gọi tắt là MAME.  

Tôi học được đôi điều về thiết kế công nghệ từ thú giải trí này. Trước hết, chúng ta phải cưỡng lại được sự quyến rũ của những công nghệ mới và trông bắt mắt. Đôi khi những thiết kế đơn giản và thanh lịch lại có hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, những giới hạn công nghệ khắc nghiệt có thể thúc đẩy những khả năng sáng tạo và phát minh mà bạn có thể không bao giờ đạt được nếu được cung cấp nguồn tài nguyên và công nghệ vô tận”.  

Rahul Sood

Rahul Sood, Giám đốc công nghệ của bộ phận kinh doanh thương hiệu Voodoo thuộc Hewlett-Packard  

“Trò chơi đầu tiên tôi chơi là Mattel Football trên máy cầm tay Mattel. Tôi hiện đang chơi Call of Duty 4, Grand Theft Auto IV và Mirror’s Edge. Vào những năm đầu tại Voodoo, hầu như đêm nào chúng tôi cũng đóng cửa văn phòng và chơi Command and Conquer (C&C) – một trò chơi chiến lược theo thời gian thực.

Đối với trò chơi này, loại căn cứ bạn xây, kiểu lãnh đạo mà bạn trở thành và cách thức bạn chỉ huy quân đội của mình đóng vai trò quan trọng trong việc bạn sẽ chiến thắng hay bị đánh bại. Tôi hoàn toàn nghiêm túc khi nói điều này: việc chơi C&C giúp chúng tôi đưa ra những quyết định kinh doanh quan trọng trong những năm qua.”  

Alan Cohen

Alan Cohen, Phó chủ tịch phụ trách các giải pháp doanh nghiệp của Cisco Systems Inc.  

“Pong và Space Invaders là những trò chơi tôi chơi đầu tiên khi còn học đại học. Tôi hiện đang chơi trò chơi quần vợt và bowling trên máy Wii, và Rock Band 2 trên máy Xbox 360.  

Đối với tôi, tất cả những gì về trò chơi trực tuyến là việc chúng ta phối hợp tốt như thế nào với người khác mọi lúc, mọi nơi. Rock Band 2, World of Warcraft và cả Guitar Hero giúp ta hiểu được bài học của sự đoàn kết. Nếu làm việc cùng nhau, chúng ta có thể làm nhiều hơn, và tốt hơn so với làm một mình. Điều này rất phù hợp với cách thức môi trường phát triển hiện nay: Bạn có thể chơi (hay làm việc) bất kỳ lúc nào bạn muốn, và bạn phải cạnh tranh, cộng tác trên phạm vi toàn cầu để có được thành công.  

Ngoài việc cải thiện sự phản xạ về mặt tình thần và sức khỏe cũng như hoạt động của ngón tay cái, chơi trò chơi trực tuyến giúp tôi tập trung tốt hơn vào việc hoạch định công tác, giải quyết khó khăn và điều hành.    

Arthur Lewis

Arthur Lewis, Giám đốc điều hành bộ phận game của hãng Dell  

“Bóng đá trên máy Atari 2600 là trò chơi tôi chơi đầu tiên. Tôi rất thích chơi Lord of the Rings MMO. Ngoài ra, tôi cũng thường chuyển sang chơi những trò khác, và gần đây đã chơi Call of Duty 5 và Fallout 3.  

Những loại trò chơi khác nhau dạy cho bạn những thứ khác nhau. Trò chơi chiến lược theo thời gian thực dĩ nhiên sẽ dạy bạn về chiến lược. Bạn phải vừa chú ý đến những gì đang làm vừa đánh giá hành động hiện thời của mình tác động thế nào đến những bước đi tiếp theo. Trong khi đó, những trò bắn súng nhiều người chơi, như Counter-Strike và Unreal Tournament, dạy bạn cách chơi đồng đội.

Bạn không thể chiến thắng nếu không có một chiến lược vững chắc được mọi người hiểu và có khả năng thực hiện nó. Bạn cũng cần có một người lãnh đạo để có thể hướng dẫn nhóm về mặt chiến lược và hoạt động khi cần.  

Những trò chơi nhập vai dạy bạn cách suy nghĩ và dùng sự logic để chiến thắng. Đây là trò chơi ưa thích nhất của tôi, chúng dạy tôi về logic, chiến lược và làm việc theo nhóm. Bạn phải có chiến lược hay, hợp lý và rất nhiều sự điều phối nếu muốn thành công. Những nguyên tắc này đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ doanh nghiệp thành công nào.   

Rob Lacroix

Rob Lacroix, Phó chủ tịch kỹ thuật phát triển của Immersion Corp.  

“Donkey Kong trên máy ColecoVision là trò chơi đầu tiên tôi chơi vào năm 1983. Hiện tôi đang chơi là Mass Effect.  Những gì tôi học được từ thú giải trí này là phải không ngừng luyện tập. Bạn phải hoàn thiện những gì bạn có thể làm tốt một cách tự nhiên, đồng thời phải học làm những gì không dễ dàng.”  

 

 

Chris Melissinos

Chris Melissinos, Giám đốc bộ phận game của Sun Microsystems Inc.  

“Pong là trò chơi đầu tiên tôi chơi vào cuối những năm 1970. Những trò tôi chơi nhiều hiện nay là LittleBigPlanet và Rock Band trên PlayStation3, Pokémon và Puzzle Quest trên máy Nintendo DS, Mario Kart, Super Mario Galaxy và Wii Sports trên Wii.  

Trò chơi điện tử đã dạy tôi hiểu được giá trị của việc đánh giá nhanh nhiều tình huống khác nhau, những cách thức chuyển tải thông tin đến nhiều người tham gia, làm việc theo nhóm và cách thức tương tác mới với thông tin. Trong một thế giới không ngừng được kết nối và tương tác toàn cầu, trong đó trò chơi trực tuyến là một điểm  kết nối chính, tôi có thể hiểu tốt hơn về những xu hướng sắp tới của dịch vụ dữ liệu, lộ trình ứng dụng… Thú giải trí này không chỉ mang lại niềm vui (cho người chơi) mà còn giúp kích thích sự sáng tạo, giúp khám phá những cách thức mới để giáo dục, giao tiếp và khơi nguồn cảm hứng qua nhiều thế hệ”.  

TH. PHƯƠNG (Computerworld)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới