Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trò chơi trực tuyến xếp hàng chờ ra thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trò chơi trực tuyến xếp hàng chờ ra thị trường

Hà Vân

Trò chơi trực tuyến xếp hàng chờ ra thị trường
Chơi game Võ lâm truyền kỳ, phiên bản 3D mới. Ảnh: Hà Vân

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến đang đón cơ hội được cấp phép trò chơi mới ngay sau khi Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 1-9.

>>>Trò chơi trực tuyến được cấp phép trở lại

Nghị định này được cho là cởi trói cho các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến sau ba năm bị ngừng cấp phép trò chơi mới kể từ năm 2010.

Theo đó, các trò chơi trực tuyến có sự tương tác với nhau giữa nhiều người chơi thông qua máy chủ của doanh nghiệp cung cấp trò chơi sẽ được cấp phép trở lại.

Nghị định này quy định rõ chỉ cấp phép các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trên mạng, đã đăng ký tên miền để cung cấp dịch vụ trò chơi và đã có giấy phép cung cấp trò chơi trực tuyến có thời hạn không quá 10 năm.

Để hạn chế các yếu tố bạo lực trong trò chơi trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra giấy phép con cho các doanh nghiệp muốn cung cấp dịch này.

Cụ thể, doanh nghiệp phải được cấp giấy phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến khi đáp ứng các yêu cầu cụ thể như không có âm thanh và hình ảnh gây ghệ sợ, rùng rợn, kích động, bạo lực, thú tính… trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam. Đồng thời, không có hình ảnh âm thanh miêu tả hành vi tự tử, sử dụng ma túy, hút thuốc, khủng bố, xâm hại trẻ em và các hành vi có hại và bị cấm khác.

Như vậy, so với Thông tư 60 được ban hành từ năm 2006, Nghị định 72 này đã có sự quy định chặt chẽ, cụ thể và đưa ra nhiều giấy phép con hơn cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Công Hoàng, Phó tổng giám đốc kiêm nhiệm Giám đốc Khối điều hành game của Công ty FPT Online, nói rằng sau một thời gian dài, bây giờ các công ty kinh doanh game online đã có một hành lang pháp lý rõ ràng để tiếp tục duy trì và phát triển công việc kinh doanh của mình.

Theo ông Hoàng, ngay sau khi Nghị định 72 có hiệu lực, FPT Online đã chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho việc xin phép đưa trò chơi mới ra thị trường.

Hiện tại, FPT Online đang tiến hành làm việc với đối tác để Việt hóa hoàn toàn các sản phẩm theo đúng như yêu cầu của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị hồ sơ và hoàn thiện kỹ thuật  cũng đang được thực hiện.

“Dự kiến, trong quí 3 và quí 4, FPT Online sẽ hoàn thành hồ sơ hoàn chỉnh xin giấy phép theo đúng quy định. Chúng tôi sẽ xin cấp phép từ 4 đến 6 trò chơi mới trong thời gian tới,” ông Hoàng nói.

Tương tự, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG, cho hay VNG đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để xin cấp phép cho một số trò chơi mới khi Nghị định 72 đã có hiệu lực. Tuy nhiên, VNG sẽ xin phép bao nhiêu trò chơi, nội dung ra sao thì tùy thuộc vào chuyển động của thị trường cũng như chiến lược kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp này.

Cũng ngay sau khi Nghị định 72 đi vào hiện thực, VNG đã tung ra phiên bản 3D mới của trò chơi Võ lâm truyền kỳ. Khác với các phiên bản trước, phiên bàn 3D này được phát hành với hình thức thuê bao tháng và không kinh doanh các vật phẩm như trước.

Trả lời câu hỏi vì sao không kinh doanh vật phẩm ảo, mảng đem lại nguồn doanh thu lớn nhất cho kinh doanh game online, ông Minh cho rằng xu hướng của ngành công nghiệp trò chơi thì ngày càng hướng đến tính giải trí nhiều hơn. Do đó, với phiên bản mới này VNG chỉ hướng người chơi đến mục tiêu giải trí và doanh thu sẽ đến từ thuê bao và tính theo thời gian chơi thực tế của người chơi.

Hiện phiên bản 3D này đã thu hút hơn 600.000 tài khoản tham gia. Số lượng người chơi đăng nhập cùng lúc đạt gần 30.000 người.

Không chỉ có VNG, FPT Online mà một số doanh nghiệp khác như SSGroup, Net2E (thuộc VDC)… cũng đang chuẩn bị cho việc xin cấp phép trở lại. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết họ đã nhận được hồ sơ của các doanh nghiệp chờ cấp phép cho khoảng 60 trò chơi mới.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 7 năm nay, đã có 117 game online được cấp phép, nhưng trong đó có tới 44 đã ngưng hoạt động. Như vậy, số game được cấp phép đang lưu hành trên thị trường là 73.

Nếu như năm 2005, chỉ có VNG được phép phát hành Võ lâm truyền kỳ tại Việt Nam, thì đến năm 2009, số lượng nhà phát hành đã tăng lên 10 với 46 tựa game. Tính đến nay, thị trường game có đến 40 nhà phát hành, 20 studio và 300 trò chơi mọi thể loại. Trong năm 2012, tổng doanh thu trực tiếp của ngành game trong nước đạt 6.000 tỉ đồng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới