Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trở lại làm việc an toàn tại văn phòng trong thời Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trở lại làm việc an toàn tại văn phòng trong thời Covid-19

Minh Phương

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khắp thế giới tìm kiếm cách thức đưa nhân viên trở lại văn phòng an toàn sau thời gian làm việc ở nhà do tác động của dịch Covid-19, một số công ty công nghệ đang hy vọng những thiết bị, phần mềm của mình có thể giúp đẩy nhanh tiến trình này.

Các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại thời Covid-19 khiến nhiều văn phòng trở nên trống vắng. Ngay cả khi những lợi ích của xu hướng làm việc linh hoạt được nói đến nhiều, vẫn có không ít nhân viên muốn tiếp tục có trải nghiệm làm việc tại văn phòng.
Để làm được điều này, các công ty cần thực hiện các biện pháp bảo đảm sức khỏe và an toàn của nhân viên tại nơi làm việc. Đó là cơ hội để các công ty công nghệ, cả lớn lẫn nhỏ, phát triển đủ loại thiết bị, công nghệ cho không gian văn phòng trong tương lai.

Giữ khoảng cách an toàn

Trở lại làm việc an toàn tại văn phòng trong thời Covid-19
Thiết bị đeo cổ của công ty Tharsus. Ảnh: Tharsus.

Để đối phó với tác động của dịch Covid-19, công ty Tharsus (chuyên về robot và hệ thống tự động tại Anh) đã phát triển thiết bị đeo cổ có tên Bump, giúp người sử dụng giữ khoảng cách an toàn với đồng nghiệp tại nơi làm việc. Thiết bị có tính năng gửi cảnh báo đến người đeo khi họ đến quá gần người khác.

Giải pháp của Tharsus dựa vào tần số radio để gửi tín hiệu đến người dùng. Công ty bảo đảm dữ liệu thu thập được sẽ không bị chia sẻ với bên thứ 3.

Ứng dụng di động của PwC giúp khách hàng doanh nghiệp giám sát nhân viên mình để xem liệu họ có tiếp xúc quá gần nhau. Ảnh: PwC

Tharsus đang xem xét triển khai công nghệ tại một số môi trường làm việc. như văn phòng, nhà kho, căng tin… Trước mắt, Bump đang được thử nghiệm tại một viện nghiên cứu ở thành phố Coventry (Anh).

Thiết bị nói trên khiến người ta nghĩ đến loại ứng dụng truy vết cũng được một số công ty đưa vào kế hoạch mở cửa trở lại. Loại ứng dụng này hoạt động dựa trên công nghệ Bluetooth hoặc dữ liệu vị trí để thông báo cho người sử dụng nếu họ có thể đã phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2. Chẳng hạn như

Tập đoàn tư vấn PwC (Anh) đã phát triển một ứng dụng di động giúp khách hàng doanh nghiệp giám sát nhân viên mình để xem liệu họ có tiếp xúc quá gần nhau và cảnh báo bộ phận nhân sự nếu nhân viên có nguy cơ  nhiễm virus. Ứng dụng đã được thử nghiệm tại văn phòng ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) của tập đoàn.

Theo dõi thân nhiệt

Camera ảnh nhiệt cũng được đề xuất sử dụng trong nỗ lực giúp nhân viên quay lại tòa nhà văn phòng. Thiết bị này sử dụng công nghệ hồng ngoại để phát hiện bức xạ nhiệt ở người, sau đó ước tính thân nhiệt họ. Tập đoàn viễn thông Vodafone (Anh) đang triển khai hệ thống camera kiểm tra thân nhiệt tại văn phòng mình.

Camera ảnh nhiệt của Vodafone tại lối vào một tòa nhà văn phòng. Ảnh: Vodafone.

Thiết bị do công ty Digital Barriers (Anh) chế tạo này  sử dụng cả camera ảnh nhiệt lẫn camera phân giải cao để kiểm tra thân nhiệt theo thời gian thực và có thể thực hiện với 100 người/phút. Trong nỗ lực trấn an nỗi lo về sự riêng tư, đại diện Vodafone cho biết camera trên chỉ là giải pháp theo dõi thân nhiệt. Thiết bị không tích hợp công nghệ nhận biết khuôn mặt và không có tính năng theo dõi.

Đi xa hơn, một số công ty công nghệ còn nỗ lực tìm kiếm phương thức khử virus SARS-CoV-2. Chẳng hạn như công ty sản xuất thiết bị chiếu sáng Signify (Hà Lan) đang hy vọng dùng tia UV (cực tím) để làm điều nói trên.

Camera ảnh nhiệt của Vodafone tại lối vào một tòa nhà văn phòng. Ảnh: Vodafone.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đây cảnh báo mọi người không chiếu trực tiếp đèn UV lên da do mức độ phóng xạ nguy hiểm mà chúng phát ra. Tuy nhiên, Signify hướng đến việc sử dụng đèn UV để khử trùng bề mặt trong văn phòng và các môi trường khác, như trường học và phòng vệ sinh.

Công ty này đã thử nghiệm đèn UV của mình tại Trường ĐH Boston (Mỹ), nơi các nhà nghiên cứu phát hiện tia UV có thể giúp tiêu diệt virus. Công ty Signify đang tăng cường sản xuất loại đèn này.

Đèn UV của công ty Signify tại một văn phòng. Ảnh: Signify.

Giao tiếp

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng sử dụng phần mềm để giao tiếp và cộng tác từ xa. Các nền tảng như Zoom, Slack, Microsoft Teams ghi nhận nhu cầu gia tăng mạnh mẽ khi nhiều công ty buộc phải lựa chọn phương thức làm việc từ xa. Câu hỏi đặt ra là liệu các nền tảng này có thể duy trì đà tăng trưởng một khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng và doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại.

Các giám đốc điều hành cho biết nhu cầu vẫn còn đối với các dịch vụ như vậy bởi doanh nghiệp sử dụng hướng tiếp cận “lai”, tức kết hợp giữ nhân viên ở nhà và cho một số người trở lại văn phòng. Ông Chintan Patel, chuyên gia công nghệ của hãng Cisco, cho rằng công nghệ không chạm như trợ lý thông minh kích hoạt bằng giọng nói có thể giúp tổ chức các cuộc họp ảo từ văn phòng.

Nhu cầu sử dụng nền tảng Microsoft Teams gia tăng trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành. Ảnh: Microsoft.

Dù vậy, sẽ phải mất thêm thời gian trước khi phần lớn nhân viên trở lại văn phòng. Nhiều công ty công nghệ lớn hiện cho phép nhân viên làm việc linh hoạt do tình hình dịch bệnh. Theo công ty phần mềm quản lý danh tính Okta, chỉ 29% người lao động châu Âu được khảo sát trong hai tháng 4 và 5 muốn quay lại văn phòng làm việc toàn thời gian.

Đi lại

Xe scooter điện của công ty Voi. Ảnh: Voi.

Vấn đề cuối cùng là làm thế nào để người đi làm đến văn phòng an toàn thời dịch Covid-19? Một số công ty khởi nghiệp đang thuyết phục chính quyền và người tiêu dùng rằng xe hai bánh điện có thể giải quyết nỗi lo về nguy cơ lây virus, đồng thời mang đến cho người đi làm một lựa chọn thay thế an toàn và thân thiện với môi trường hơn. Ông Richard Corbett, quan chức công ty xe scooter điện Voi (Thụy Điển), nhấn mạnh điều quan trọng lúc này là làm sao giúp công chúng quay trở lại nơi làm việc an toàn.

Theo CNBC

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới