Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trở lại Libya

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trở lại Libya

Thái Bình

Trở lại Libya
Người dân thủ đô Tripoli chào đón lực lượng nổi dậy tiến vào thành phố tối Chủ nhật vừa qua. Ảnh: Alarabiya.net

(TBKTSG) – Giao tranh chưa hoàn toàn chấm dứt ở thủ đô Tripoli của Libya nhưng các tập đoàn dầu mỏ quốc tế đã bắt đầu tính chuyện trở lại nơi này do sức hút của dầu.

Giá dầu giảm vì tâm lý

Từ tối Chủ nhật 21-8, ngay khi những toán quân đầu tiên của lực lượng nổi dậy Libya từ ba hướng tiến vào thủ đô Tripoli nhằm lật đổ chế độ độc tài kéo dài 42 năm của ông Muammar Gadhafi, thị trường dầu mỏ thế giới đã có phản ứng tức thời và mạnh mẽ. Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai 22-8, giá dầu thô Brent đã giảm hơn 3 đô la Mỹ/thùng, trong khi giá dầu thô WTI (West Texas Intermediate) của Mỹ cũng giảm hơn 1 đô la Mỹ/thùng trước triển vọng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Libya sẽ sớm được khôi phục. Đến chiều thứ Hai, tại sàn giao dịch Singapore, giá dầu Brent giảm xuống dưới 105,15 đô la Mỹ/thùng, giá dầu WTI xuống mức 81,13 đô la Mỹ/thùng.

Trước khi nội chiến bùng phát vào tháng 2-2011, Libya – một thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC và là nước có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi – cung cấp ra thị trường mỗi ngày 1,3 triệu thùng dầu và nửa triệu thùng xăng, đáp ứng 2% nhu cầu dầu thô toàn cầu. Sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Libya do chiến tranh đã đẩy giá dầu thô Brent lên 127 đô la Mỹ/thùng, giá dầu thô WTI lên 114 đô la Mỹ/thùng hôm tháng 4-2011, mức giá cao nhất trong hai năm qua.

Lực lượng nổi dậy, đại diện bởi Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (National Transitional Council-NTC) – khẳng định sẽ nhanh chóng khôi phục hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu – nguồn thu nhập chính của Libya. Nhưng các nhà phân tích nói rằng, trước mắt Libya chỉ có khả năng phục hồi một phần nhỏ sản lượng và phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để khôi phục hoàn toàn ngành dầu mỏ Libya như trước chiến tranh.

Phát ngôn viên của Công ty dầu Vịnh Ả-rập (Agoco) – trước đây thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Gadhafi nhưng sau đó thuộc về lực lượng nổi dậy – nói rằng công ty có thể tái khởi động việc khai thác 180.000 thùng dầu/ngày trong vòng hai tuần nếu an ninh được bảo đảm và có thể nâng lên mức 500.000 thùng/ngày sau hai tháng. Tuy nhiên, sản lượng này chỉ có khả năng đáp ứng 20% nhu cầu tiêu thụ nội địa của Libya và để khôi phục hoạt động khai thác dầu, Libya cần huy động khả năng của các tập đoàn dầu mỏ quốc tế.

Cuộc chạy đua của các tập đoàn dầu mỏ

Chính vì thế, cùng với đợt tiến quân của lực lượng nổi dậy vào Tripoli đã diễn ra cuộc đua của các tập đoàn dầu mỏ phương Tây nhằm chiếm lợi thế ở đất nước Libya thời hậu-Gadhafi. Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Ý Franco Frattini nói rằng công ty dầu mỏ Eni SpA của Ý “sẽ đóng vai trò số 1” ở Libya. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thì mời người đứng đầu Hội đồng NTC sang Paris để thảo luận. Phát ngôn viên của tập đoàn BP Plc (Anh) cũng cho biết công ty đã cam kết sẽ trở lại Libya “ngay khi tình hình cho phép” dù không đưa ra thời điểm cụ thể.

Eni SpA (Ý) cùng với BP (Anh) Total (Pháp), Repsol YPF (Tây Ban Nha) và OMV (Áo) là những tập đoàn dầu mỏ hoạt động mạnh nhất ở Libya trước cuộc nội chiến và kỳ vọng sẽ đạt được nhiều lợi ích khi tình hình ổn định. Theo báo New York Times, các tập đoàn này có lợi thế là được sự hỗ trợ của NTC vì thắng lợi của lực lượng nổi dậy phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia NATO. Ngay cả trước khi chiếm được thủ đô Tripoli, Hội đồng NTC đã cho biết, họ sẽ không quên bạn và thù trong việc thương lượng các hợp đồng khai thác dầu mỏ. “Chúng tôi không gặp vấn đề gì với các nước phương Tây như Ý, Pháp và các công ty của Anh; nhưng chúng tôi có vấn đề chính trị với Nga, Trung Quốc và Brazil”, Abdeljalil Mayouf, phát ngôn viên của tập đoàn Agoco, nói với hãng tin Reuters. Ba nước Nga, Trung Quốc và Brazil cũng có những công ty dầu mỏ lớn làm ăn ở châu Phi nhưng đã không ủng hộ Liên hiệp quốc đưa ra các biện pháp cấm vận chính phủ của ông Gadhafi. Trung Quốc đã có những hợp đồng hàng chục tỉ đô la đầu tư vào ngành dầu mỏ và cơ
sở hạ tầng của Libya dưới thời ông Gadhafi và hôm thứ Ba 23-8, Trung Quốc có vẻ muốn thay đổi lập trường khi bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng ủng hộ lực lượng nổi dậy và “tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân Libya”.

Cho đến lúc này, chưa rõ chính phủ chuyển tiếp ở Libya có tôn trọng hay không những thỏa thuận ký kết giữa các tập đoàn dầu mỏ quốc tế với chính phủ đã bị lật đổ của ông Gadhafi. Trước đây, các tập đoàn này vẫn thường than phiền ông Gadhafi gây khó khăn cho hoạt động của họ bằng các đợt tăng thuế, phí và nhiều đòi hỏi khác. Họ cho rằng, nếu được hoạt động tự do hơn, không có những hạn chế mà Chính phủ Gadhafi đặt ra, các tập đoàn có khả năng thăm dò và phát hiện thêm nhiều mỏ dầu dưới lòng đất Libya, mang lại nguồn lợi lớn cho nước này.

Những trở ngại còn lại

Tuy nhiên, việc phục hồi hoạt động xuất khẩu dầu của Libya phụ thuộc rất ít vào nỗ lực của các tập đoàn dầu mỏ mà trước hết là vào tình hình an ninh ở Libya. Lực lượng nổi dậy đang say sưa trong chiến thắng vẫn chưa thể hiện được khả năng đoàn kết các thành phần trong xã hội nhằm tái lập trật tự và an ninh trên toàn quốc. Chính tình trạng bất ổn đó khiến các doanh nghiệp chưa thể đưa chuyên viên và công nhân quay trở lại Libya để tái khởi động các hoạt động sản xuất.

Tình trạng các cơ sở khai thác và chế biến dầu mỏ bị hư hỏng nặng trong chiến tranh, do không có sự bảo trì bảo quản suốt nửa năm qua cũng là một trở ngại cần có thời gian để khắc phục. Một số chuyên gia dẫn trường hợp của Iran và Iraq trước đây để chứng minh rằng, Libya phải mất nhiều năm và nhiều nỗ lực lớn mới có thể tái xuất hiện trên thị trường dầu mỏ quốc tế như một nhà xuất khẩu dầu mỏ quan trọng. Những bất ổn chính trị ở Iran đã làm giảm sản lượng dầu của nước này suốt một thập kỷ và Iraq phải mất tám năm mới đưa sản lượng dầu trở lại bình thường sau khi Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003.

Có lẽ vì thế, sau cơn hồ hởi giảm giá trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô lại tăng lên trong phiên giao dịch ngày thứ Ba 23-8-2011: giá dầu thô Brent lên mức 108,42 đô la Mỹ/thùng, và giá dầu WTI tăng thêm 2,01 đô la Mỹ, lên mức 84,42 đô la Mỹ/thùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới