Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trở thành tỷ phú ở tuổi 23

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trở thành tỷ phú ở tuổi 23

Mark Zuckerberg muốn Facebook kết nối xã hội một cách tối đa – Ảnh: AFP

(TBKTSG Online) – Mark Zuckerberg, sinh viên Đại học Harvard, người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành của trang web Facebook đã trở thành tỉ phú ở tuổi 23.

Ra đời được 4 năm, đến nay Facebook có khoảng 60 triệu khách hàng và đến cuối năm 2008 con số này có thể lên đến 200 triệu người.

Hiện Facebook làm đối tác với hơn 65 công ty phần mềm hàng đầu thế giới, bao gồm khá nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon.com, Photobucket, Slide.com, iLike, Twitter.com hay dịch vụ VoIP Jajah. Sự thành công của Facebook bắt đầu từ một nhu cầu cá nhân của người sáng lập: muốn tạo một kênh liên lạc điện tử mới cho giới trẻ và thông qua đó thể hiện hình ảnh muôn màu của đời sống sinh viên, học sinh.

Kênh liên lạc thay cho email

Khi tham gia vào Facebook, bạn có thể đưa vào trang cá nhân phần đánh giá sách của Amazon.com, thưởng thức những bản nhạc từ iLike hay chia sẻ ảnh với Photobucket… Người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành trẻ tuổi Mark Zuckerberg đã tạo ra Facebook như là một phương tiện liên lạc giữa bạn bè, những người quen biết với nhau.

Trong vòng vài tuần sau khi ra đời, Facebook đã thu hút gần 4.300 học sinh, sinh viên. Từ đại học Harvard, website này được phổ biến rộng khắp Stanford, Columbia và Yal, lôi cuốn hầu hết học sinh trung học. Đúng như tên gọi, Facebook thể hiện các mặt xã hội học đường. Sinh viên có thể liên lạc với nhau bằng Facebook thay cho email.

Trang chủ chỉ sử dụng một ngôn ngữ là tiếng Anh nhưng đã thu được một số thắng lợi khiến cho Zuckerberg cảm thấy tự tin và hứa rằng các phiên bản mới bằng các ngoại ngữ khác sẽ nhanh chóng ra đời.

Trao đổi với Newsweek, Mark Zuckerberg đã hào hứng nói về Facebook. Anh không coi đây là một mạng xã hội nhưng là một công cụ kết nối thiết thực, một công cụ để truyền tải thông tin dễ dàng, thuận lợi giữa người sử dụng với đồng nghiệp, thành viên gia đình, bạn bè và cộng đồng. Do đó, Facebook không chỉ dành riêng cho học sinh trung học mà dành cho tất cả mọi người. Hướng đến mục tiêu này, Facebook cố gắng len lỏi vào cuộc sống của những người trưởng thành và những người lớn tuổi như nó từng ảnh hưởng đến các thanh thiếu niên.

Điều này tại sao lại không? Mark Zuckerberg tự trả lời rằng: “Những người lớn vẫn có nhu cầu liên lạc với những người quen biết”. Với mục đích là phương tiện liên lạc với bạn bè, người thân nên Facebook đã đưa ra nhiều quy định “khắt khe” hơn so với các mạng xã hội khác. Cụ thể, người dùng Facebook không thể tùy tiện biến đổi trang cá nhân, không thể chèn mã phần mềm của các công ty chưa ký thỏa thuận với Facebook. Điều này phần nào tạo nên nét đặc trưng riêng của Facebook là bố cục đồng nhất, người đọc dễ tiếp cận và rất ít thư rác (spam).

Tham vọng kết nối xã hội toàn cầu

Với tham vọng thống trị Internet toàn cầu, Zuckerberg mong muốn Facebook với tiềm năng lớn có thể làm biến đổi cả thế giới. Anh quyết định tích hợp công nghệ web ở cấp độ cao hơn cho phép Facebook kết nối xã hội một cách tối đa. Zuckerberg nói: “Có nhiều cách để con người chia sẻ thông tin và chúng tôi muốn mọi người có được thật nhiều hình thức kết nối đó.”

Khi tham gia vào Facebook, mọi người có thể xây dựng một mục quảng cáo hay chào bán một loại hàng hóa nào đó và không phải trả phí cho nhà điều hành dù là một xu. Để làm được điều này, Facebook nhanh chóng bắt tay với các công ty kinh doanh trên Internet khác. Zuckerberg làm ăn khá ăn ý với ông Ali Partovi – Giám đốc điều hành của iLike. Và dù Facebook không có tính năng nghe nhạc nhưng iLike sẽ cung cấp tính năng này tương thích với nền tảng của Facebook. Nếu người dùng thích chọn iLike cho trang Facebook của họ, phần mềm sẽ tự động xác định nơi họ sống, ban nhạc hay bài hát họ thích nghe… Sau đó, iLike sẽ đưa ra lời chỉ dẫn về những bài hát mới của ban nhạc đó, các buổi hoà nhạc ở địa phương họ sống. Bù lại, iLike sẽ có tiền hoa hồng nếu người dùng tiếp tục sử dụng bất kỳ mục nào trong những chỉ dẫn đó, và iLike cũng được phép đăng quảng cáo lên Facebook.

Từ sự khởi đầu trên, nhiều người sử dụng thấy rằng nhiều dịch vụ trên Internet có thể thực hiện được tại Facebook. Thay vì dùng eBay, bạn có thể sở hữu một thị phần trong Facebook. Thay vì dùng iTunes, bạn sẽ dùng iLike để nghe nhạc. Nói cách khác, Zuckerberg muốn giữ chân bạn với Facebook, và bạn có thể làm hầu như mọi thứ qua đồ thị xã hội khi bạn là sinh viên, đã tốt nghiệp hay trở thành một ông già!

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều thách thức mà nhà tỷ phú trẻ sở hữu Facebook phải đương đầu. Sự hợp tác với các nhà cung cấp khác khiến cho tính năng của Facebook gia tăng nhanh chóng. Chính điều này đã ảnh hưởng đến tính đồng nhất, vốn là đặc trưng và là niềm tự hào của Facebook. Zuckerberg phải thú nhận là “việc duy trì giao diện đồng nhất cho Facebook quả thật khó khăn”. Facebook đã trở thành một mạng liên kết quá rộng lớn và đa dạng. Nhiều người sử dụng Facebook tỏ ra lo ngại bí mật cá nhân của họ bị công khai. Họ mong muốn Facebook phải xây dựng “bức tường sắt” để bảo vệ bí mật riêng tư của họ.

Một thách thức không nhỏ nữa mà Zuckeerberg phải đối mặt là việc nhiều đối tác nhờ việc quảng bá trên Facebook mà trở nên lớn mạnh, lấn át cả “chủ nhà”. Zuckerberg lo ngại liệu kịch bản “YouTube qua mặt MySpace” sẽ  lập lại ở Facebook. Năm 2006, Yahoo! đã đề nghị mua Facebook với giá 1 tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng vị giám đốc điều hành của Facebook một mực khẳng định “Facebook không phải để bán và Facebook sẽ tồn tại độc lập”.

Nhiều blogger trẻ nghĩ Zuckerberg đã hối hận khi từ chối lời đề nghị đó. Để bác bỏ những đánh giá không đúng đó, vào tháng 5-2007, anh chàng này đã lèo lái Facebook rẽ theo hướng mới: đưa trang web đến tay hàng ngàn người mới, những người chưa biết đến lợi ích của Facebook trong việc liên kết con người. Một kết quả đáng kinh ngạc, đạt tỷ lệ tăng trưởng là 3% chỉ trong một tuần và gây ra chứng nghiện Facebook tại Valley. Theo đà này, từ 60 triệu khách hàng hiện nay, nhiều người dự đoán đến cuối năm 2008 Facebook có thể thu hút đến 200 triệu người.

Zuckerberg và những người cộng sự cảm thấy chắc chắn rằng ý tưởng cho ra đời Facebook sẽ giúp họ vượt qua thách thức. Anh ta đã xây dựng cho mình môt đội ngũ với những bộ óc có chỉ số IQ siêu cao. Sau vài năm “sống nhờ” vào Facebook, nhiều sinh viên tốt nghiệp với điểm số cao vẫn quay về làm việc ở đây.

MỸ HẠNH (Tổng hợp từ AFP, Newsweek)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới