Chủ Nhật, 8/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trong cơn bão giá!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trong cơn bão giá!

Giá xăng dầu tăng, nông dân làm vườn càng lo khi mùa hạn đang đến, phải bơm tưới mỗi ngày. Ảnh: Hồ Hùng.

(TBKTSG Online) - Mới khoảng chín giờ sáng, nhưng chợ Trường Long đã vắng hẳn người qua lại. Nắng len lỏi qua kẽ lá, xuyên rọi yếu ớt trên những con đường nông thôn vắng người qua lại. Giá lúa tăng, nhưng mọi thứ cũng tăng, nông dân thiết gì chuyện mua sắm.  

1. Bất cẩn để bụi lọt vào mắt, ông Lê Văn Ba ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ phải đến bệnh viện để điều trị. Tiền khám chỉ vài chục ngàn đồng, ông Ba thở phào. Nhưng đến lúc cầm toa mà bác sĩ cho đi mua thuốc, ông mới “tá hỏa”. Dù đã giảm liều uống so với chỉ định của bác sĩ, nhưng số tiền mà ông “nộp” vô nhà thuốc sơ sơ cũng trên 300.000 đồng!

Theo Cục Thống kê Cần Thơ, trong tháng 3 vừa qua, nhóm thuốc - dịch vụ y tế đã tăng 17,69% so với tháng rồi và là nhóm hàng có chỉ số tiêu dùng tăng cao nhất! Giá thuốc tăng - theo Công ty cổ phần Dược Hậu Giang - là do các nguyên liệu chính dùng để sản xuất dược phẩm đều tăng giá đáng kể. Do đó, giá thuốc phải tăng là bất khả kháng để doanh nghiệp tồn tại và tạo ra sản phẩm phục vụ cho sức khỏe của cộng đồng.

Nhưng giá thuốc chỉ là một trong hàng trăm mặt hàng mà người dân đã buộc phải làm quen với hai chữ “tăng giá” trong mấy tháng qua. Ông Nguyễn Công Quy, ở khu vực 5, phường An Bình (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) kể rằng, bây giờ mỗi ngày ông phải mất gần 50.000 đồng tiền chợ cho ba miệng ăn! "Một chai dầu ăn từ 13.000 đồng nay lên hơn 20.000 đồng, một gói mì tôm từ 2.500 nay lên gần 4.000 đồng, còn thịt heo phải mua 15.000 đồng/ ngày thay vì chỉ 10.000 đồng như trước đây”, ông Quy nói.

Thứ gì cũng tăng nhưng thu nhập hàng tháng của gia đình ông Quy vẫn chỉ nhỉnh hơn 2,5 triệu đồng. Ông đang là nhân viên hợp đồng, đảm trách khâu thu tiền điện, nước hàng tháng cho một khu dân cư, nên khó hy vọng thu nhập tăng theo giá. Thế nên, giải pháp hữu hiệu nhất để chống tăng giá, theo ông Quy là “Cái gì cũng phải nhịn từ từ hết. Hổm rày cũng chẳng biết tới phần ăn sáng, cứ nốc hết ly cà phê đen là nhịn, chờ bữa cơm trưa”.

2. Hổm rày, giá lúa tăng vọt, đồng nhà lại trúng lớn - tính ra hơn 5 tấn/ hecta, nhưng chị Võ Thị Nhiều ở ấp Trường Phú B, xã Trường Long (huyện Phong Điền, Cần Thơ) mặt mày cứ méo xệch.

“Nói thiệt, giá lúa cao cũng mừng, nhưng tính ra lời lãi chẳng tăng bao nhiêu”, chị Nhiều than thở. Rồi chị tính luôn, mỗi công lúa giá công cắt đã vọt lên 100.000 đồng, giá suốt lúa cũng đã 70.000 đồng, giá gom lúa “bèo” lắm cũng 40.000 đồng - tăng bình quân ít nhất khoảng 30% so vụ trước.

“Cứ giá lúa lên là mọi thứ cũng lên theo. Mà cũng chẳng dễ thuê người. Như hôm trước, tôi thu hoạch lúa, phải “đặt” thợ gặt trước một tháng. Có người còn phải “đặt” từ khi lúa vừa mới… sạ”, chị kể. Tính luôn cả giá lúa giống, phân, thuốc trừ sâu đã tăng vọt, rồi tiền lãi phải trả vì mua phân, thuốc thiếu - cứ một triệu đồng là trả lãi 100.000 đồng sau hai tháng, tính ra ba công lúa của chị thu lãi chưa đầy ba triệu đồng.

Nhưng chị lo nhất là vụ lúa tới. Bởi như ông Trần Thạch Tuấn, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở chợ Phong Điền, cho biết mấy ngày nay giá phân đã chựng lại ở mức kỷ lục: Urê 410.000đ, DAP 1,05 triệu đồng/ bao 50 kilôgam.

“Hồi trước Tết Nguyên đán, phân Urê chỉ hơn 300.000 đồng, còn DAP chỉ hơn 450.000 đồng/ bao”, ông so sánh. Đúng là tăng kinh khủng, nông dân nào chịu nổi! Người trồng lúa, làm vườn thì không dám nhìn giá phân, thuốc sâu, đành hạn chế dần liều lượng. Dân nuôi cá còn khổ hơn! Giá thức ăn tăng, nhưng bớt phần thì cá ốm, mất giá thì tiêu luôn. Hiện nay, tính ra giá thành nuôi cá đã ở mức 15.000 đồng/ kilôgam, nhưng giá cá bán ra chỉ được chưa tới 14.000 đồng/ kilôgam!  

3. Ở nông thôn, người dân vừa phải đối phó với giá, vừa đối phó với chuyện được mời... dự đám! Chị Lý Thị Thu Thủy, ở xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ, nói rằng có tháng gia đình chị tốn cả hai triệu đồng cho chuyện đi đám. Hết đám cưới, đám giỗ lại đến đám tang. “Bà con chòm xóm với nhau không à, “trốn” coi sao được”, chị phân bua. Chị nói, nếu tình hình này không cải thiện, năm tới xóm này không biết còn được bao nhiêu đứa đi học. Tiền ăn không đủ, sức đâu chạy đến tiền trường, tiền sách.

Ông Phạm Văn Phí ở ấp Trường Khương, xã Trường Long (huyện Phong Điền) nói rằng, giá một ổ bánh mì không thịt mà mấy ghe chèo tới bán đã 2.000 đồng, còn bánh bao “dạo” cũng 3.000 đồng/cái, tăng gấp đôi so hồi trước Tết. “Nhịn thôi”, ông nói. Mấy tháng nay, mảnh vườn không có huê lợi gì nên ông đành chạy vạy vay mượn xài tạm, chừng hai đứa con đi làm ở TPHCM về thì tính. Gần đó, có mấy nhà kêu bán đất vườn nhưng cả tháng trời chẳng ai hỏi mua. “Cây trái bây giờ có cho thu nhập bao nhiêu so với vật giá bây giờ. Người ở chợ thì đâu chịu mua đất miệt này, còn dân lân cận thì cũng ai thiết tha làm vườn nữa đâu mà mua”, ông Phí nói thêm, "cả xóm này giờ chỉ toàn người già và mấy đứa con nít, còn lại đi Sóc Trăng, ra Cần Thơ, TPHCM tìm việc làm ráo trọi, hy vọng dư dả chút ít gửi về gia đình".

Mới khoảng chín giờ sáng, nhưng chợ Trường Long đã vắng hẳn người qua lại. Nắng len lỏi qua kẽ lá, xuyên rọi yếu ớt trên những con đường nông thôn vắng người qua lại. Giá lúa tăng, nhưng mọi thứ cũng tăng, nông dân thiết gì chuyện mua sắm. Trên mấy con rạch nhỏ, thiệt lâu mới thấy một chiếc ghe hàng (tựa như một tiệm tạp hóa trên sông) “trôi” lưng lửng. Chủ ghe, ngồi “lừ đừ” ngó dáo dác hai bên bờ tìm khách. Nông dân đã và đang làm quen với chữ “nhịn” để đối phó “bão” giá, còn lỡ bệnh hoạn, ốm đau thì “bó tay” vì làm sao “nhịn” thuốc!  

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới