Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trong ma trận dịch vụ tài chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trong ma trận dịch vụ tài chính

TS. Võ Đình Trí (*)

(TBKTSG) – Nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính cá nhân ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong những năm sắp tới cùng với sự hỗ trợ của Internet và công nghệ. Nhưng các dịch vụ tài chính ngân hàng là không đơn giản với rất nhiều người…

Sự phát triển của một nền kinh tế kéo theo sự phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng đã được minh chứng qua cả lý thuyết lẫn thực tiễn. Việc người dân có những kiến thức cơ bản về tài chính không chỉ giúp họ biết tự bảo vệ và cải thiện tình hình tài chính của mình, mà còn giúp cho thị trường tài chính phát triển lành mạnh.

Ma trận dịch vụ tài chính

Khi đề cập đến tài chính cá nhân, đó là những chủ đề liên quan đến lập kế hoạch tài chính, chi tiêu, tiết kiệm, và đầu tư. Nhiều dịch vụ tài chính mà người tiêu dùng sử dụng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tài chính của họ như: dịch vụ ngân hàng, thẻ tín dụng, đòn bẩy tài chính, các loại hình bảo hiểm, quản lý tài sản, hay chọn nhà môi giới chứng khoán.

Nhưng để sử dụng những dịch vụ này hiệu quả, theo tiêu chí giá so với chất lượng, thì đòi hỏi phải có những hiểu biết nhất định. Thực tế cho thấy ngay ở nhiều nước phát triển, những khái niệm về giá trị của đồng tiền theo thời gian (TVM), lãi suất kép, rủi ro tài chính vẫn còn xa lạ với một bộ phận lớn dân số. Chính vì vậy những năm gần đây, nhiều nước đã quan tâm đến trình độ hiểu biết về tài chính (financial literacy) của người dân.

Nhiều người vẫn biết hàm ý của “lãi mẹ đẻ lãi con” nhưng có lẽ không ít trong số đó sẽ bị sốc khi biết kết quả tính toán. Lấy ví dụ như việc cho vay tiền góp, theo thông tin trên trang web của một tổ chức tài chính khá lớn thì vay 10 triệu đồng, góp trong ba tháng mỗi tháng sẽ là 3,67 triệu đồng.

Theo cách hiểu đơn giản thì lãi suất vào khoảng 10%/ba tháng cho khoản vay hay 3,3%/tháng, nhưng nếu quy đổi theo công thức tài chính, lãi suất sẽ lên đến 60%/năm. Từ đó cho thấy, nếu là lãi suất trên thị trường tín dụng đen thì sẽ còn cao như thế nào.

Theo cách hiểu đơn giản thì lãi suất vào khoảng 10%/ba tháng cho khoản vay hay 3,3%/tháng, nhưng nếu quy đổi theo công thức tài chính, lãi suất sẽ lên đến 60%/năm.

Gần đây, để giảm tác động xấu của tín dụng đen, đại diện của Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh đến việc phát triển tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tài chính trong nước cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh thẻ tín dụng trong nước. Nhưng e rằng, phần lớn người tiêu dùng chưa đủ nhận thức và có sự đồng hành cần thiết.

Lẽ thường, lợi nhuận là mục tiêu chính đáng của doanh nghiệp nên các tổ chức tài chính chỉ minh bạch nhất có thể các điều khoản của sản phẩm theo yêu cầu của cơ quan quản lý giám sát.

Chính vì vậy, trong trường hợp thông tin về sản phẩm dịch vụ không được công bố rõ ràng thì người tiêu dùng phải có hiểu biết và tìm hiểu kỹ. Ở nhiều thị trường, các nội dung giới thiệu sản phẩm dịch vụ nếu có chú thích thì các chú thích này phải rõ ràng, họ quy định kích cỡ chữ tối thiểu ở mục chú thích để người tiêu dùng không bị lạc hướng.

Một bộ phận người giàu hay có thu nhập cao ở Việt Nam đã bắt đầu sử dụng các dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân hóa. Bên cạnh dịch vụ VIP của các bên cung cấp dịch vụ, những người này còn dùng đến dịch vụ của các nhà tư vấn độc lập, những văn phòng quản lý tài sản chuyên biệt (dạng family office).

Nhưng đối với phần lớn người lao động có mức thu nhập cố định, ở mức trung bình hay trung bình khá thì các dịch vụ tài chính được chọn dựa trên sự tư vấn giới thiệu của bên cung cấp, hiểu biết của bản thân, những chia sẻ của cộng đồng hay một bên thứ ba cung cấp dịch vụ.

Đối với thẻ tín dụng hay tín dụng tiêu dùng, rủi ro của người tiêu dùng là để nợ quá hạn cho phép, và khi đó lãi suất phải trả sẽ cao hơn nhiều mức lãi suất thông thường, càng chi trả chậm, lãi phải trả càng tăng nhanh theo cách tính lãi kép. Có nhiều lý do để phải rơi vào tình trạng nợ quá hạn như quên lịch thanh toán, có những chi tiêu đột xuất trong tháng và do đó không đủ khả năng thanh toán mà lại không có quỹ dự phòng. Ngoài ra các loại chi phí khác kèm theo cũng cần được cân nhắc như phí hồ sơ, phí duy trì thẻ, phí bảo hiểm, các mức lãi suất quá hạn khác nhau.

Cải thiện hiểu biết tài chính cá nhân

Sự hiểu biết của người dân về các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng càng cao thì sẽ làm tăng sự hiệu quả và ổn định của thị trường tài chính. Có hiểu biết, thị trường sẽ sàng lọc các doanh nghiệp không minh bạch, không đàng hoàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tử tế phát triển.

Niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính tăng thì vốn nhàn rỗi sẽ không chỉ tập trung vào vàng, đất đai hay ngoại tệ mạnh mà được đưa vào nền kinh tế. Từ đó, cũng có thể tránh được các đợt bong bóng tài sản, giảm rủi ro hệ thống.

Để cải thiện và nâng cao hiểu biết của công chúng về tài chính cá nhân, mỗi bên đều có vai trò nhất định của mình.

Ở góc độ nhà nước, việc đưa một số kiến thức cơ bản về kinh tế, tài chính vào chương trình phổ thông là cần thiết. Ở một số nước, học sinh đã được tiếp cận những khái niệm như lãi suất, lạm phát, sự lưu thông của tiền, hệ thống ngân hàng.

Vai trò quản lý giám sát của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính cũng cần được cụ thể hóa và có tính thực thi cao. Các cơ quan quản lý có thể vừa bắt buộc, vừa khuyến khích các định chế tài chính có trách nhiệm nhiều hơn với khách hàng, với cộng đồng.

Vai trò của các tổ chức, các nhóm trong xã hội cũng là một phần quan trọng trong việc nâng cao kiến thức tài chính cho người dân. Nhiều hội nhóm, diễn đàn, hay cá nhân đã miệt mài chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc cùng giúp nhau nâng cao hiểu biết tài chính cá nhân. Một số cá nhân hay tổ chức có uy tín cũng đã hỗ trợ hay cung cấp các dịch vụ liên quan đến tài chính cá nhân như huấn luyện, tham vấn.

Vai trò cuối cùng là ở bản thân mỗi cá nhân, trong việc tự trau dồi kiến thức, tự đúc kết kinh nghiệm, thiết lập và thực thi kế hoạch một cách kỷ luật, bền bỉ.

Các dịch vụ tài chính là rất cần thiết và hữu ích, nhưng việc sử dụng đòi hỏi phải có những hiểu biết nhất định, nếu không người tiêu dùng có thể dễ rơi vào những cái bẫy ngọt ngào. Trong giai đoạn sắp tới, vai trò của cộng đồng, của các bên thứ ba cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân sẽ là then chốt. Tuy vậy, cũng cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý có liên quan, của các định chế tài chính, và nỗ lực bản thân của từng cá nhân.

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới