Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trong sương mù B’lao

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Có những thị tứ cao nguyên quyến rũ ta không phải bởi sự rộn ràng bừng sáng của tiện ích, mà đơn giản từ trong thầm lặng chân phương, nơi chốn đã gieo vào trong ta những khoảnh khắc bình yên và hài hòa. B’lao (nay thuộc thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) là một nơi như vậy.

B’lao trong tôi là tưởng tượng về những ngày sương buồn man mác trong nhạc Trịnh Công Sơn đầu thập niên 1960, khi chàng trai Huế tuổi đôi mươi náu mình nơi đây trong vai một anh giáo nghèo đơn độc. Và sau đó là trên những chuyến xe khách Sài Gòn – Đà Lạt, mỗi khi ngang qua đây, tôi đều nghe trong gió xao xuyến hương trà.

Mùa mưa bao giờ cũng tầm tã và mùa đông thì ven đường rực vàng sắc dã quỳ. B’lao nhiều cây xanh, cũng quanh co dốc đồi, và trên mỗi đỉnh cao là một chóp nhà thờ, để khi chân chùn bước mỏi, khách bộ hành vẫn có thể neo hồn mình vào cõi yên bình thanh thoát. Con người B’lao thì chẳng vội vàng bao giờ, họ đi đứng nhẹ nhàng từ tốn. Tưởng rất khó có điều gì nhấc họ ra khỏi khung cảnh êm đềm ấy.

Hình như đất đai phong nhiêu đã cho họ một sự an tâm nhất định về cuộc sống, chẳng phải bộn bề bon chen nhiều. Đây là một thị tứ mà con người có đủ sự an tâm với những gì đang có. Và họ truyền cả sự an tâm ấy cho khách từ xa đến.

Nhìn lại lịch sử một vùng đất, có thể thấy số phận “ngoại vi” của địa danh này được xác lập từ thời Pháp thuộc, khi tỉnh lỵ Đồng Nai Thượng đặt ở Djiring (Di Linh) còn B’lao chỉ là một vùng đồn điền chè. Nơi đây từng có những đồn điền chè, cà phê lớn của những ông chủ cũng là quan chức trong chính quyền thuộc địa ở địa phương.

Cho đến đầu thập niên 1950, B’lao vẫn như một cô sơn nữ ngơ ngác trước những chuyến xe văn minh đô thị đi qua. Nhưng tính chất đồn điền hay điểm dừng chân bên đường của tuyến Sài Gòn – Đà Lạt đã thay đổi sau những đợt nhập cư từ năm 1955 đến năm 1958. Những cộng đồng mới, đa phần là tín hữu Công giáo từ các miền quê thuần hậu Bắc bộ, đã vun đắp cho đời sống thị tứ này mang nét đẹp cần lao và hiền lành.

B’lao như cô gái biết vẻ đẹp của mình, không so đo với người chị sang cả Đà Lạt hay nhòm ngó tính toán với Di Linh – người em sinh đôi chịu thương chịu khó. Trong vẻ khiêm nhường hết mình của một vùng đất, khi ta đặt chân đến vào những ngày mù sương tháng mười hai hay ngày mưa tháng tám, tâm hồn vọng động được gột rửa, để chỉ nuôi một ước muốn duy nhất: hòa làm một trong sự hiền lành như đất đai, cây cỏ cao nguyên.

Một góc B’lao.

Tôi vẫn đi về Sài Gòn – B’lao trong những ngày cuối tuần, để tái tạo năng lượng và để tận hưởng đời sống bình yên nơi đây. Những chuyến xe khuya đổ lại B’lao khi thành phố nhỏ còn vùi trong giấc ngủ sương khuya cho tôi một cảm giác lạ lùng xa vắng không nơi đâu có được. Nhưng bạn nói, cảm giác xa vắng đó chỉ còn trong vài năm nữa thôi. Đô thị hóa diễn ra nhanh quá. Hãy nhìn vào “hàn thử biểu” bất động sản thì biết.

Lần trở lại B’lao gần đây nhất của tôi là hồi cuối năm ngoái, tôi không còn cảm nhận sự bình yên của một xứ trà. Khắp nơi trong thành phố, đâu đâu người ta cũng nói chuyện mua bán, sang nhượng đất đai. Một quán cà phê lâu năm, nơi tôi thường ghé chân, người ta treo thêm biển hiệu giao dịch bất động sản. Âm nhạc vẫn vậy, nhưng các bản tình ca lãng mạn một thời đang bị át đi bởi những cuộc trao đổi, thỏa thuận eo sèo.

Ở B’lao bây giờ, nhìn vào cảnh sống thường nhật, có thể thấy tốc độ chưa có gì đột biến. Vẫn lý tưởng cho những ai yêu sự chậm rãi, nhẹ nhàng, nhưng chắc sẽ không được bao lâu nữa trong cơn sốt của thị trường nhà đất diễn ra khốc liệt.

Bây giờ bước chậm trên đường phố vào mùa Đông, ta đâu còn cảm giác gió đồi thổi lạnh, không còn nghe mùi hương trà đặc trưng nữa. Tiếng còi xe đã nhiều lên. Nhà cao đã mọc nhiều lên. Và tôi cứ phải dặn lòng, những ngày ở B’lao thì đừng đọc báo chí gì cả. Những thông tin các dự án băm nát các đồi chè xanh, các thung lũng, có khi làm cho mình không còn tâm trí để tận hưởng sự thong dong ngắn ngủi còn lại.

Tôi vẫn chọn một khách sạn trên một ngọn đồi trung tâm, để sáng sớm có thể nghe một hồi chuông lễ và nhìn trong sương nhấp nhói những vệt đèn pin của các bà già lần đường đến nhà thờ. Cung cách sống đầu ngày thánh thiện của một xứ đạo miền cao, chỉ có B’lao cho tôi cảm nhận rõ ràng nhất.

Trên những con đường dốc quanh co đi xuống đồi, đây đó tôi vẫn thấy những ngôi nhà gỗ cửa sơn xanh có tuổi đời đến hàng nửa thế kỷ. Trên các tấm ván cửa, có những biển nhỏ đề tên hiệu may hay tiệm hớt tóc. Và hàng rào nhà nào cũng nhiều cây xanh, hoa nở muôn sắc.

Cái bình dị và từ tốn hôm qua vẫn còn ẩn hiện đâu đó. Tôi chỉ mong đừng ai vội quét sạch những mảng sương mù ấy đi, để B’lao vẫn còn đó sự nhẹ nhàng trầm lắng của một vùng đất, nơi những con người sống với sự an tâm và hài lòng với thực tại của mình.

2 BÌNH LUẬN

  1. Hồng Kông thuộc địa của Anh gần 100 năm, diện tích đất đai thuộc diện “nhỏ nhí” nhưng lại là trung tâm dịch vụ – tài chính hàng đầu thế giới. Tuy nhỏ nhưng Hồng Kông chỉ dành 25% đất cho phát triển đô thị, chấp nhận hoàn cảnh nhà chật, người đông, còn lại 75% đất đai dành để làm khu bảo tồn thiên nhiên, rừng và đồi núi, cảnh quan hàng trăm năm qua không thay đổi. Bảo Lộc cũng thuộc diện báu vật tự nhiên của Lâm Đồng và Tây Nguyên, nhưng đang có tình trạng ngược lại, bị băm nát và đô thị hóa ngày càng nhanh. Như vậy cái gì là quyết định cho tầm nhìn quy hoạch, di sản nào sẽ để lại cho tương lai ?

  2. Tại sao nơi này thì phá nát, nơi kia ra sức bảo tồn gìn giữ ? Rất đơn giản, thứ quý giá nhất không phải là thứ dành riêng cho bạn mà là cho tất cả mọi người. Một điều quan trọng hơn, nếu bạn cố tình tước đoạt hoặc tiêu diệt nó thì cũng có nghĩa là bạn không còn là chính mình. Hay nói khác đi, bạn đã sắp “tận số” rồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới