Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trọng tài thương mại: sẽ mạnh hơn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trọng tài thương mại: sẽ mạnh hơn?

(TBKTSG) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam vừa tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật Trọng tài. Đây là dự luật có khá nhiều điểm đột phá với tham vọng để trọng tài “lột xác”, trở thành một công cụ giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn.

Cởi trói cho trọng tài thương mại

Các chuyên gia cho rằng sự bó hẹp phạm vi thẩm quyền giải quyết là một trong những điểm bất cập của pháp luật hiện hành khiến cho trọng tài thương mại bị “trói tay trói chân” và kém thu hút với các bên tranh chấp. Hiện trọng tài thương mại chỉ được quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại theo những loại việc đã được liệt kê, xác định bởi pháp luật.

Do khái niệm hoạt động thương mại chưa được pháp luật quy định thống nhất nên theo Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, điều này chẳng những làm cho các trung tâm trọng tài không “đủ tự tin” để thụ lý các tranh chấp ở phạm vi rộng hơn (như tranh chấp về chứng khoán; tranh chấp giữa các cổ đông, thành viên công ty, liên doanh…) mà còn dẫn đến rủi ro các phán quyết trọng tài có thể bị tòa án hủy bất cứ lúc nào.

Ông Nghĩa dẫn chứng: trong một vụ án liên quan đến sân golf, tòa án đã không công nhận việc duy tu thảm cỏ sân golf là hành vi thương mại và do đó đã không chấp nhận thẩm quyền xét xử của trọng tài đối với vụ án này. Hoặc một vụ việc khác được giới trọng tài quan tâm là vụ Công ty Tyco Services Singapore Ltd. bị Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại TPHCM từ chối yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài bang Queensland của Úc. Lý do từ chối được đưa ra là vì hành vi “xây dựng” liên quan đến tranh chấp không được quy định là một hành vi thương mại.

Từ thực tiễn vướng mắc trên, dự án Luật Trọng tài (dự thảo lần 2) do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo đã mạnh dạn tìm cách “cởi trói” cho trọng tài bằng việc mở rộng thẩm quyền giải quyết, không chỉ giải quyết các vụ tranh chấp thương mại mà theo Tiến sĩ Đào Trí Úc, Ủy viên thường trực Ban soạn thảo, trọng tài còn có thể giải quyết “tất cả tranh chấp tư (dân sự), bao gồm cả các tranh chấp hợp đồng và ngoài hợp đồng” (chỉ trừ một số loại tranh chấp liên quan đến các quyền nhân thân, hôn nhân và gia đình, hành chính…).

Đây cũng là lý do đặt tên là Luật Trọng tài, thay vì lẽ ra theo truyền thống phải là Luật Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, luật sư-trọng tài viên Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty Luật Việt Nam, lưu ý là hiện nay ngay nội bộ tòa án cũng phân định tòa dân sự, tòa kinh tế nên việc dự luật không tách bạch tranh chấp dân sự với thương mại mà gộp chung tất cả thành “tranh chấp dân sự” rất có thể sẽ gây ra sự ngộ nhận. “Trong phần thẩm quyền giải quyết các tranh chấp, chỉ cần thêm một từ “thương mại” thành “tranh chấp dân sự, thương mại” thì sẽ rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn”, luật sư Anh đề nghị.

Tăng quyền cho các trọng tài thương mại

Mở rộng thẩm quyền là tốt nhưng để quyền đó được đảm bảo thực thi trong quá trình tố tụng thì hoàn toàn không đơn giản vì bản thân trọng tài không phải là cơ quan quyền lực của nhà nước mà chỉ là một hình thức tài phán tư, phi chính phủ. Do vậy, trong nhiều trường hợp, khi tiến hành giải quyết vụ việc trọng tài phải “núp” dưới bóng của tòa án. Chẳng hạn, trọng tài phải nhờ tòa trong việc thu thập chứng cứ; phải được tòa công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài mới được thi hành. Đặc biệt là việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, biện pháp này chỉ có thể được thực hiện khi được tòa án cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài thụ lý vụ tranh chấp xem xét, ra quyết định.

Để tạo sự chủ động cho các bên tranh chấp, một đề xuất khá táo bạo được dự luật đưa ra là cho phép hội đồng trọng tài được quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp các bên tranh chấp có yêu cầu. Theo Tiến sĩ Đào Trí Úc, việc sửa đổi nói trên đã tham khảo pháp luật các nước, đối chiếu thực tiễn Việt Nam và phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Dù vậy, một số ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn trước việc trao cho trọng tài, một tổ chức không thuộc bộ máy nhà nước một quyền lực đáng kể như vậy. Ngay Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, người được mời tham gia vào dự án, cũng thừa nhận “chúng tôi vẫn chưa cảm thấy thật sự thuyết phục về việc nên giao quyền quyết định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho hội đồng trọng tài hay cho tòa án”. Trong khi đó, số ý kiến khác như luật sư Lê Công Định (Trưởng Văn phòng luật sư DC), luật sư Trương Thị Hòa (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Thị Hòa)… lại cho rằng đề xuất của dự luật sẽ làm cho trọng tài trở nên “hấp dẫn” hơn.

Mặt khác, bản thân phán quyết trọng tài theo quy định có giá trị thi hành như bản án thì không có lý do gì trọng tài lại không được quyền quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vả lại, theo trọng tài viên Nguyên Kỳ Việt, Phó chủ tịch Chi nhánh trọng tài quốc tế Việt Nam tại Cần Thơ, tòa án là người không thụ lý vụ án, cũng không có quyền lợi gì trong đó nên rất dễ dẫn đến tình trạng chậm chạp, đưa đẩy khi xem xét, ra quyết định.

Tuy nhiên, đi sâu vào chi tiết luật sư Nguyễn Thanh Tuân lại không đồng ý với điều kiện mà dự luật đưa ra là “có cơ sở để cho rằng bên yêu cầu (áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời) có thể thắng kiện đối với các vấn đề được yêu cầu” thì mới được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo ông, điều kiện này vừa mang tính thiên vị, vừa không khả thi vì vụ án chưa xét xử thì không thể biết trước được ai thắng, ai thua.

Một đề xuất khác của dự luật cũng được bàn luận sôi nổi là về trọng tài viên. Theo quy định hiện hành, chỉ công dân Việt Nam mới được làm trọng tài viên và người đó phải có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, vô tư, khách quan; có bằng đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ năm năm trở lên… Trong khi đó, dự luật cho phép cả thương nhân có kinh nghiệm từ năm năm trở lên (không cần trình độ đại học) hoặc người nước ngoài cũng được làm trọng tài viên ở Việt Nam.

Luật sư Trịnh Minh Phúc, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm Bảo Tín, đồng tình với việc mở cửa cho trọng tài viên nước ngoài vì “chúng tôi có những vụ tranh chấp mà các bên muốn có trọng tài viên nước ngoài tham gia nhưng do luật không cho phép nên đành phải đưa sang Singapore giải quyết. Tiếc vô cùng!”.

Thế nhưng, về tiêu chuẩn trọng tài viên nhiều ý kiến cảnh báo việc hạ thấp tiêu chuẩn quá mức sẽ làm giảm chất lượng đội ngũ trọng tài viên. “Nên chăng, với những người chưa tốt nghiệp cử nhân luật, chẳng hạn như thương nhân thì nên bắt buộc phải qua một khóa đào tạo về trọng tài?” – luật sư Nguyễn Thanh Tuân đặt vấn đề.

NGUYÊN TẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới