Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trong trung hạn, chứng khoán chưa vào kênh giảm nếu lãi suất chưa tăng mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trong trung hạn, chứng khoán chưa vào kênh giảm nếu lãi suất chưa tăng mạnh

Phạm Long

(KTSG) – Chỉ số VN-Index đã có những phiên giảm điểm và có dấu hiệu suy yếu của dòng tiền vào thị trường. Chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam này đã duy trì đà tăng kéo dài từ tháng 4-2020 đến nay trong bối cảnh lãi suất giảm và duy trì ở mức thấp. Phân tích dưới góc độ xu hướng dòng tiền, trong bối cảnh nền kinh tế ghi nhận sự phục hồi tích cực sau dịch thì kênh chứng khoán vẫn có thể hấp dẫn thêm dòng vốn trong tương lai, nếu mặt bằng lãi suất không tăng mạnh.

Trong trung hạn, chứng khoán chưa vào kênh giảm nếu lãi suất chưa tăng mạnh
VN-Index, chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đã duy trì đà tăng kéo dài từ tháng 4-2020 đến nay trong bối cảnh lãi suất giảm và duy trì ở mức thấp. Ảnh minh họa: TTXVN

Có thể thấy lãi suất thấp làm giảm đáng kể sức hấp dẫn từ các kênh đầu tư truyền thống như tiền gửi tiết kiệm. Nó góp phần duy trì dòng tiền trên thị trường chứng khoán qua nhiều biến động thị trường trong quí 1, biểu hiện qua lực cầu bắt đáy tăng mạnh mỗi khi thị trường giảm và khối ngoại liên tục bán ròng. Lãi suất thấp cũng là lý do thúc đẩy nhà đầu tư mở rộng và chấp nhận khẩu vị rủi ro ở các kênh đầu tư khác, là cơ hội tốt để thị trường chứng khoán thu hút dòng vốn mới. Phạm vi bài viết này, tôi sẽ đưa ra một vài nhận định liên quan tới kỳ vọng lãi suất sẽ không tăng mạnh trong năm nay.

Lãi suất chưa thể tăng mạnh

Thanh khoản liên ngân hàng ổn định

Dữ liệu kinh tế tại quí 1-2021 tiếp tục chỉ ra những dấu hiệu về mặt bằng lãi suất khó tăng mạnh trong năm nay, không đủ hấp dẫn để dòng vốn quay lại kênh tiền gửi. Mặt bằng lãi suất huy động hầu như không có nhiều biến động trong quí 1-2021, bên cạnh đó, thanh khoản liên ngân hàng vẫn trong trạng thái dư thừa, biểu hiện qua lãi suất liên ngân hàng thấp, ổn định và các kênh cho vay vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hầu như không có số dư (xem đồ thị 1).

Nhìn chung, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định trong quí 1 nên chưa xuất hiện nhiều yếu tố gây áp lực tăng lên lãi suất huy động, mặc dù tín dụng có dấu hiệu tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tính đến thời điểm 19-3-2021, tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47% so với cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 0,68%. Mức tăng này cao hơn so với huy động vốn nền kinh tế tại cùng thời điểm, chỉ tăng 0,54% trong cùng kỳ so sánh. Đến cuối tháng 3, tín dụng tăng 2,93%…

Fed không tăng lãi suất trong năm nay

Cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FOMC) tháng 3 vẫn cho thấy lập trường của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là tiếp tục duy trì chính sách lãi suất cận 0% cho tới tận năm 2023, đi kèm cam kết gói mua vào trái phiếu 120 tỉ đô la/tháng trong năm nay. Biểu đồ Dot plot tại cuộc họp FOMC ngày 17-3-2021 chỉ ra sự đồng thuận trong việc không tăng lãi suất của các quan chức Fed trong năm nay. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cũng bày tỏ rằng còn rất sớm để thị trường việc làm Mỹ đạt tới mục tiêu toàn dụng của Fed, mặc dù dữ liệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp các tháng quí 1-2021 là tốt hơn kỳ vọng, nhưng nó vẫn thấp hơn so với trước khi dịch Covid-19 diễn ra.

Ông Powell gần đây cũng đưa ra tín hiệu về việc điều chỉnh giảm lãi suất trả cho phần dự trữ dôi ra (IOER) để kiểm soát lãi suất ngắn hạn trong mục tiêu (0-0,25%) tốt hơn. Trước đó Fed cũng nâng hạn mức cho vay trên thị trường mở qua kênh repo kỳ hạn qua đêm lên 80 tỉ đô la/ngày, so với trước đó chỉ 30 tỉ đô la/ngày. Điều này sẽ củng cố kỳ vọng về việc Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp và đảm bảo đầy đủ nhu cầu thanh khoản trong năm nay.

Động thái lãi suất của Fed luôn có tác động lớn tới lãi suất điều hành của NHNN. Kỳ vọng Fed không tăng lãi suất sẽ tạo điều kiện cho một động thái tương tự của NHNN trong năm nay. Lãi suất điều hành (bao gồm cả trần lãi suất huy động, cho vay) kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp sẽ đóng vai trò chốt chặn quan trọng của mặt bằng lãi suất huy động, cho vay trong kịch bản lãi suất thương mại tăng.

Dưới góc độ đánh giá xu hướng dòng tiền, kênh tiền gửi dự kiến vẫn kém hấp dẫn do mặt bằng lãi suất kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau dịch, kênh chứng khoán sẽ khó có thể rơi vào một kênh giá giảm trung hạn khi lãi suất chưa tăng đủ mạnh

Kế hoạch tài khóa và mục tiêu tăng trưởng

Ngoài ra, nếu NHNN điều chỉnh tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu trái phiếu chính phủ (TPCP), gia tăng áp lực lên khả năng huy động vốn của Kho bạc Nhà nước qua kênh này. Năm 2021, Chính phủ đã thông qua mục tiêu tăng trưởng cao là 6,5%, cao hơn nhiều so với của năm 2020 (chỉ đạt 2,91%), là mức cao so với mặt bằng khu vực và thế giới. Để hỗ trợ tăng trưởng, Chính phủ cũng thông qua kế hoạch chi ngân sách lớn, trong đó có kế hoạch chi đầu tư là 477.300 tỉ đồng; bội chi ước đạt 343.670 tỉ đồng.

Kế hoạch phát hành TPCP cả năm 2021 là 350.000 tỉ đồng, trong khi quí 1 Kho bạc Nhà nước chỉ phát hành thành công 39.205 tỉ đồng, tương ứng khoảng 39,2% kế hoạch phát hành trong quí 1 và 11,2% kế hoạch cả năm. Do đó, trên khía cạnh hỗ trợ tăng trưởng, chính sách tiền tệ trong năm nay nhiều khả năng sẽ không thay đổi, lãi suất điều hành sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, nhằm hỗ trợ kế hoạch tài khóa và mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Tựu chung lại, ta có thể thấy lãi suất không có nhiều dấu hiệu tăng trong năm nay, bên cạnh đó, chúng ta sẽ xem xét thêm về lạm phát, một thước đo chi phí của việc nắm giữ tiền.

Lạm phát rình rập

Trên khía cạnh hỗ trợ tăng trưởng, chính sách tiền tệ trong năm nay nhiều khả năng sẽ không thay đổi, lãi suất điều hành sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, nhằm hỗ trợ kế hoạch tài khóa và mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Trong quí 1-2021, giá năng lượng thế giới tiếp tục kéo dài đà phục hồi kể từ tháng 5-2020. Giá năng lượng tăng kéo theo đà tăng của giá xăng dầu trong nước (theo đồ thị 2), trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế sau dịch làm nhu cầu giao thông gia tăng, gây sức ép lên lạm phát.

Tuy nhiên, lạm phát toàn phần trong quí 1-2021 lại ghi nhận sự sụt giảm từ nhóm hàng giao thông (bình quân quí 1-2021 giảm 5,55% so với cùng kỳ năm ngoái), nguyên nhân là do giá xăng dầu quí 1 năm ngoái chưa giảm, vẫn ở mức cao.

Dự kiến chỉ số giá của nhóm hàng này sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ trong tháng 4 và các tháng tới do nền giá xăng trong quí 2-2020 là rất thấp, sau các đợt điều chỉnh giảm giá mạnh trước đó (ngày 29-3-2020 giá xăng RON95 giảm tới 4.252 đồng/lít). Giá nhiên liệu tăng và nhu cầu giao thông mở rộng sẽ là sức ép cho lạm phát quí 2 và phần còn lại của năm nay.

Sức ép lên lạm phát là có, tuy có thể lạm phát sẽ không tăng mạnh trong năm nay do nền lạm phát năm 2020 là tương đối cao và giá thực phẩm không tăng mạnh như năm ngoái (lạm phát toàn phần năm 2020 tăng 3,23% so với cùng kỳ năm 2019, trong ngưỡng mục tiêu của Quốc hội, nhưng vẫn là mức cao). Điều này có thể làm tăng kỳ vọng về lạm phát trong thời gian tới, càng làm giảm lợi suất từ việc đầu tư tiền gửi.

Như vậy, dưới góc độ đánh giá xu hướng dòng tiền, kênh tiền gửi dự kiến vẫn kém hấp dẫn do mặt bằng lãi suất kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau dịch, kênh chứng khoán sẽ khó có thể rơi vào một kênh giá giảm trung hạn khi lãi suất chưa tăng đủ mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới