Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trông vào Nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trông vào Nhà nước

Nguyên Anh

Trông vào Nhà nước
Sinh viên một trường đại học dân lập trong giờ tan trường. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Xem lại câu chuyện khởi thủy ngôi trường Stanford, chợt nghĩ biết đâu, chính từ sự từ chối của những nhà tuyển dụng “kiêu kỳ” như Nam Định sẽ có những trường đại học dân lập bỗng dưng… phẫn chí để trăm năm sau làm nên một Stanford được vinh danh trên mảnh đất hình chữ S?

Cách đây 120 năm, trường Đại học Stanford được thành lập vào một ngày tháng 10. Ngày nay, nhắc tới Stanford là nhắc tới một cơ sở giáo dục ở đẳng cấp Harvard, MIT, Cambridge… Đã ở tầm cỡ uy tín quốc tế như Stanford, ít người để ý tới việc một gia đình sáng lập ra ngôi trường tư nhân này thế nào.

Sinh viên Stanford thường thích thú truyền miệng chuyện gia đình Stanford từng tới gặp hiệu trưởng Harvard, đề nghị cấp tiền xây một khu học xá cho trường này, chỉ với một yêu cầu nhỏ: lấy tên Stanford đặt cho công trình đó để tưởng niệm cái chết của một sinh viên Harvard, Leland Stanford Jr., con trai họ. Nhìn vẻ ngoài xuề xòa của ông bà Stanford, Charles W. Eliot, Hiệu trưởng Harvard, kiêu kỳ từ chối. Nhà Stanford ra về, hỏi kinh phí xây trường như Harvard và quyết định đầu tư nguyên một cơ sở giáo dục to đẹp, “cho biết tay”. Câu chuyện phổ biến tới mức người ta phải đưa vào mục câu hỏi thường gặp của trang web trường Stanford câu trả lời rằng: Không! Ông Eliot không khiếm nhã như vậy và thực tế đã chỉ bảo tận tình cho ngài cựu Thống đốc California, ông Stanford, kinh nghiệm lập một trường đại học ở đẳng cấp Harvard.

Ai bắt cơ quan nhà nước nói trước

Câu chuyện còn nóng hổi về cuộc thi tuyển công chức ở Nam Định gây ra không ít luồng dư luận trái chiều. Phía các trường dân lập, các khoa tại chức khắp nơi đồng thanh tương ứng, chỉ trích việc loại bỏ sản phẩm của mình “từ vòng gửi xe”. Phía cơ quan tuyển dụng thì đưa ra mục đích tốt đẹp của tiêu chuẩn không tuyển tại chức, dân lập là nhằm “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”. Điểm thú vị mà đại diện Sở Nội vụ thật thà bộc bạch về nguyên do của tiêu chí nói trên là trải nghiệm trực quan của chính những người ra quyết định “chỉ chính quy, phi tại chức”. Theo đó, cách học, ý thức học của môi trường này không đủ đóng dấu đảm bảo cho trình độ của các ứng viên.

Điều đáng lưu tâm ở đây là sự thẳng thắn, minh bạch của chính quyền tỉnh Nam Định. Giả sử tiêu chí không tại chức, không dân lập được phổ biến “ngầm” trong giới chức tuyển dụng thì liệu báo chí và người dân, hay các trường đại học dân lập, nhóm bị tác động trực tiếp có được biết về chuyện này không? Giả sử nếu chỉ là “lời nói thầm bất cẩn” (Careless Whisper) giữa vị chủ tịch hội đồng với giám khảo thì các ứng viên và thầy cô của họ cũng đâu thể làm được gì?

Một công ty khá lớn nọ tuyển dụng nhân sự. Câu hỏi bất di bất dịch của ông chủ tịch công ty, người luôn ngồi trong vòng phỏng vấn cuối cùng là: cô/cậu là con thứ mấy trong gia đình? Cơ hội đến gần như chắc chắn với ứng viên trả lời mình là con cả. Ông chủ tịch giải thích, bản thân ông là con cả trong nhà, và qua kinh nghiệm bản thân ông thấy rằng người con cả thường được sinh ra trong hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, cha mẹ đang trong quá trình gây dựng sự nghiệp, vì thế ít có tư tưởng hưởng thụ, lại còn biết nhẫn nhịn. Lớn lên, người con cả thường tự lập, biết “đứng mũi chịu sào” và quán xuyến công việc của gia đình, họ tộc hơn những người con khác. Đây chỉ là trải nghiệm và định kiến cá nhân, nhưng không phải không có lý. Có điều, chắc chắn trong mẩu báo đăng tin tuyển dụng nhân viên công ty kia, sẽ không bao giờ có câu: chỉ tuyển con cả.

Vì sao cứ phải là Nhà nước?

Trong bối cảnh thị trường lao động còn non yếu, sự thiếu gắn kết của chương trình đào tạo với nhu cầu của nhà tuyển dụng đã tạo nên thực trạng đáng buồn: nhận sinh viên ra trường đồng nghĩa với chi phí đào tạo lại. Đôi khi, giữa các lựa chọn gần như nhau, chuyện người sử dụng lao động chọn giải pháp an toàn nhất cho mình, theo hiểu biết của mình, không đáng bị chỉ trích. Nhất là trong bối cảnh các trường ngoài công lập thỉnh thoảng xảy ra những vụ việc lùm xùm bằng cấp.

Nếu tiêu chuẩn nghe chừng “hẹp hòi” của Nam Định được nhân rộng, phải chăng sẽ là một thảm họa cho đầu vào của các kỳ tuyển dụng công chức? Có thể cơ hội sẽ ít đi, chỉ ưu tiên cho những người “con cả” do trường công lập đào tạo, nhưng nếu minh bạch, đường hoàng, cuộc cạnh tranh vẫn còn muôn phần quyết liệt. Giả sử sinh viên trường dân lập giỏi giang hơn các nhà tuyển dụng dự liệu, chính cơ quan nhà nước chứ chẳng ai khác đã gặp thiệt thòi trong cuộc thu phục nhân tài “như lá mùa thu”.

Điều quan trọng mà ít người để ý, một giả thiết ngặt nghèo hơn, là nếu tiêu chuẩn chính quy “bảo thủ” này được áp dụng cho quá trình sát hạch cả lãnh đạo cơ quan nhà nước, biết đâu phong trào sử dụng những bằng cấp học vị cao, ào ào chữ Tây như báo chí phanh phui gần đây sẽ bớt.

“Tuổi đời mênh mông”

Không thiếu những con người tài năng, sau một thời gian vật lộn với công tác tại cơ quan nhà nước, đi ra ngoài và lập nên những doanh nghiệp đình đám cho riêng họ. Theo tiêu chí mà dư luận đang tranh cãi, họ là những người tuyển dụng kỳ quặc, không nhắm trường công cũng chẳng trông dân lập, vì thường họ coi “khả năng gạt phăng bằng cấp”.

Vả lại, với chủ trương tinh giản biên chế, đẩy mạnh sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, số cơ hội dành cho khối nhà nước sẽ còn ít đi nhiều. “Trông vào Nhà nước”, có lẽ không còn là tư duy đúng đắn để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai đất nước. Ở nhiều quốc gia, việc tuyển mộ một quan chức cao cấp từ khu vực tư nhân hay từ vai bộ trưởng chuyển sang làm CEO cho một tập đoàn kinh doanh là chuyện không hiếm.
Xem lại câu chuyện khởi thủy ngôi trường Stanford, chợt nghĩ biết đâu, chính từ sự từ chối của những nhà tuyển dụng “kiêu kỳ” như Nam Định sẽ có những trường đại học dân lập bỗng dưng… phẫn chí để trăm năm sau làm nên một Stanford được vinh danh trên mảnh đất hình chữ S?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới