Trong “vương quốc không biên giới”
Minh Hùng
![]() |
Khuôn viên đại học Adelaide ngay tại trung tâm thành phố – Ảnh: Nigel Parsons |
(TBKTSG Online) – Chuyện đi ra nước ngoài học hành, nghiên cứu đang trở thành một mãnh lực cuốn hút nhiều người Việt Nam. Ngày càng có nhiều quốc gia: Mỹ, Anh, Singapore, Úc… nhắm đến việc phát triển công nghiệp giáo dục như một trong những phương thức góp phần phát triển kinh tế.
Nằm trong số đó là bang Nam Úc (South Australia) với thủ phủ là thành phố Adelaide vốn được mệnh danh là “thành phố học tập”. Adelaide nói riêng và bang Nam Úc nói chung đã và đang làm gì để đạt được danh hiệu đó?
Chọn công nghiệp giáo dục làm mũi nhọn
Ông Le Van Hieu, Phó thống đốc bang Nam Úc, là một người gốc Việt. Cuộc đời ông như minh chứng cho sự đi lên từ việc gắn bó với con đường học vấn tại bang này. Ông đến định cư tại Úc 33 năm về trước. Là một thanh niên nước ngoài gặp nhiều khó khăn để làm quen với cuộc sống mới, ông Hieu vẫn cố gắng theo đại học rồi cao học tại Đại học Nam Úc. Hai năm trước ông được phê chuẩn vào chức vụ phó thống đốc bang, vốn dành cho những người có uy tín trong xã hội.
Theo ông Hieu, bang Nam Úc chọn đường phát triển giáo dục để thu hút sinh viên từ các nước là vì có nhiều cái lợi. Dễ thấy nhất là lợi về kinh tế. Những người nước ngoài đến học tập chính là nguồn thu ngoại tệ trực tiếp. Theo số liệu của tổ chức Education Adelaide, Giáo dục được đánh giá là ngành dịch vụ xuất khẩu đứng hàng đầu của bang Nam Úc. Trong năm học 2007-2008, ngành này đã đem về cho ngân sách Nam Úc 714 triệu đô la Úc.
Cái lợi thứ hai khi Adelaide trở thành thành phố học tập là cơ hội để khám phá và thu hút chất xám khắp các nơi trên thế giới. Rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh giỏi sau khi tốt nghiệp đã ở lại làm việc, sinh sống, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của bang.
Cái lợi cuối cùng, theo ông Hieu là về mặt chính trị. Những người được đào tạo tại Adelaide dù có sinh sống ở đâu cũng dành một phần tình cảm tốt đẹp cho nơi đã cưu mang mình trong những năm tháng ngồi ghế nhà trường. Nhiều người trong số đó về sau trở thành những nhân vật nắm giữ vai trò quan trọng ở các quốc gia. Ông Hieu kể rằng thủ tướng đương nhiệm của Singapore đã có một thời học ở Adelaide, chính vì vậy quan hệ giữa bang Nam Úc và đảo quốc Sư tử hiện nay rất tốt.
Để đạt được mục tiêu trở thành “trung tâm học tập”, chính quyền Nam Úc đã tiến hành nhiều biện pháp như: đầu tư cho hạ tầng, khuyến khích trí thức đến sinh sống làm việc… và chú ý cả đến quan hệ đối ngoại, tiếp thị hình ảnh…
Trong khuynh hướng như vậy thì Education Adelaide được thành lập vào năm 1998 từ tổ chức tiền thân là Ủy ban Phát triển Công nghiệp giáo dục, với nhiệm vụ được tuyên bố rõ ràng: quảng bá và tiếp thị tiềm năng xuất khẩu công nghiệp giáo dục của bang. Mục tiêu của tổ chức này là làm sao để đến năm 2010 Nam Úc đạt 30.000 sinh viên nước ngoài và đến năm 2014 là 62.000.
![]() |
Thành viên từ nhiều nước của nhóm nghiên cứu dự án Sandora tại Đại học Carnegie Mellon Adelaide – Ảnh: Nigel Parsons |
Thực tế là sự tăng trưởng con số học viên nước nước ngoài ở bang này đang tăng nhanh trong thập niên qua. Số lượng sinh viên nước ngoài trong năm học 2008 là 28.000, tăng 20% so với năm 2007. Trong đó số lượng sinh viên, học sinh Việt Nam là 1.037 người, tăng đến 53,2% so với năm 2007.
Xét về số lượng sinh viên, học sinh, Việt Nam đứng hàng thứ 6 ở bang Nam Úc, nhưng nếu xét về mức tăng trưởng Việt Nam đang đứng hàng thứ 2, sau Ấn Độ (tăng 77,5%) và đứng trên Trung Quốc (tăng 16,9%)
Những nguyên nhân thu hút người nước ngoài đến Nam Úc nghiên cứu và học tập được lý giải là do Nam Úc có nhiều cơ sở giáo dục được thế giới công nhận như: Đại học Flinders, Đại học Nam Úc và Adelaide. Đây cũng là nơi có trường đại học nước ngoài đầu tiên của Úc là Carnegie Mellon (Mỹ).
Ngoài ra, chi phí cho cuộc sống ở Nam Úc so với những thành phố khác được đánh giá là vào hàng thấp nhất. Theo tổ chức nghiên cứu thương mại toàn cầu thì mức sống ở Adelaide rẻ hơn ở Sydney 24%, Melbourne 21%, Perth 12% và Brisbane là 8%.
Điều được nhiều người nhắc đến như là thế mạnh của Nam Úc và Adelaide chính là việc kiếm chỗ ở, đi lại dễ dàng do tại đây không phát triển tổ chức dân cư theo mô hình đô thị khổng lồ.
Ông Matt Schultz, quản lý bộ phận tuyển dụng thuộc phòng quốc tế Đại học Flinders tự nhận xét rằng trường của ông không quá lớn và đó cũng chính là thế mạnh vì nhờ đó trường luôn quan tâm đến các chi tiết trong đời sống sinh viên nước ngoài và chú ý mở ra những ngành học đặc biệt mà thường là các trường quy mô quá lớn không chú ý đến.
Nhưng thật ra điều độc đáo và thật sự làm nên sự khác biệt của Adelaide cũng như Nam Úc là gì?
“Vương quốc không biên giới”
Ông Tim Zak, Giám đốc điều hành Đại học Carnegie Mellon Adelaide, cho biết không phải tự nhiên mà trường đại học danh tiếng này của Mỹ tìm đến Adelaide. Theo ông trong lúc trường đang có chủ trương mở rộng tầm hoạt động thì chính quyền Adelaide đã trực tiếp đến tiếp xúc và đưa ra lời đề nghị trường hãy chọn Adelaide làm điểm đến. Sự chủ động từ chính quyền đã góp phần quan trọng trong việc biến Adelaide thành thành phố học tập. Tuy nhiên không phải chỉ có thế.
Tiến sĩ Đỗ Lộc là một người gốc Việt. Hơn mười năm trước khi đang làm nha sĩ cho một bệnh viện tại Hà Nội, ông đến học sau đại học tại Đại học Adelaide. Sau khi ra trường ông tiếp tục ở lại nghiên cứu và quyết định chọn Adelaide làm nơi sinh sống. Vợ con ông cũng đã dọn từ Việt nam qua Adelaide để ở với ông.
Ông Lộc cho biết ông thấy môi trường sống ở Adeliade thân thiện, bình yên dễ hòa nhập và đó là điều quan trọng để ông đưa đến quyết định định cư tại đây chứ không phải chỉ là vấn đề nghiên cứu khoa học hay vật chất.
Một trường hợp khác, tiến sĩ hóa học Phạm Đức Trực lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Adelaide vào năm vừa rồi. Hiện nay ông Trực vốn là giảng viên tại Đại học Vinh đang tiếp tục nghiên cứu khoa học một thời gian nữa. Ông cũng đồng ý là nếu muốn thật sự học tập thì hãy đến Adelaide. Thành phố thanh bình, không có nhiều cám dỗ và dễ hòa nhập. Bản thân ông cũng hòa nhập tốt với nhóm học sinh, sinh viên Việt Nam tại Adelaide cũng như cộng đồng địa phương..
![]() |
Nguyễn Thu Giang, tiến sĩ toán học trẻ tuổi người Việt tại Đại học Nam Úc, đã có hơn 10 năm ở Adelaide và sẽ tiếp tục gắn bó tại đây – Ảnh: Nigel Parsons |
Một môi trường sống thân thiện, một nền văn hóa đa dân tộc đó là thế mạnh mà Adelaide hiểu khi tiếp thị hình ảnh nhằm thu hút học viên từ khắp nơi trên thế giới.
Khi tiếp xúc với báo chí, Phó thống đốc bang Le Van Hieu luôn nhấn mạnh đến môi trường đa văn hóa này. Bản thân ông cũng là chủ tịch của Ủy ban đa văn hóa và sắc tộc Nam Úc. Theo ông, chính quyền bang luôn nhắm đến mục tiêu bảo đảm quyền tự do và an ninh cho tất cả mọi sắc tộc sinh sống trên địa bàn Nam Úc được sống theo phong tục tập quán và tín ngưỡng của mình. Do vậy ông khẳng định học viên Việt Nam tại Adelaide không gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng.
Chính ông Hieu trong lần phát biểu khi được bổ nhiệm làm phó thống đốc đã nói một trong những nhiệm vụ của ông là người phát ngôn cho sự đa dạng văn hóa, vì ông cũng từng được thừa hưởng lợi ích của sự đa dạng đó.
Có lẽ Adelaide đã làm đúng khi dùng môi trường sống đa văn hóa, cởi mở để hấp dẫn mọi người. Vì phần lớn những người quyết tâm tạm rời đất nước đi học ở nước ngoài thường chú ý đến việc tìm kiếm một vùng đất nơi mình có thể hòa nhập cho sự gắn bó lâu dài. Trong những nội dung quảng bá cho nền học vấn tại Adelaide, sự kiện những ai tốt nghiệp ở bang này sẽ được cộng thêm điểm khi nộp đơn xin định cư tại Úc luôn được nhấn mạnh.
Rõ ràng, một “vương quốc học tập” thật sự có sức cuốn hút không chỉ là ở khía cạnh nội dung giảng dạy mà còn là một môi trường nơi những con người từ rất nhiều nền văn hóa khác nhau cảm thấy có thể tồn tại lâu dài cùng nhau. Adelaide đang làm được điều đó.
___________________________________
Bao nhiêu học viên ở Nam Úc ? và họ học gì?
– |
2006 |
2007 |
2008 |
Tăng trưởng 2007-2008 |
Tỷ lệ so với học viên từ các nước |
Đại học |
152 |
188 |
275 |
46,3% |
7% |
Dạy nghề |
79 |
113 |
200 |
77% |
5,7% |
Trung học |
107 |
157 |
165 |
5,1% |
8,2% |
Các khóa tiếng Anh |
114 |
184 |
364 |
97,8% |
6% |
Các hình thức khác |
18 |
35 |
33 |
-5,7% |
7% |
Tổng số |
470 |
677 |
1037 |
53,2% |
6,5% |
Một số cơ sở giáo dục nổi tiếng ở Nam Úc
Edudcaiton Adelaide (www.studyadelaide.com): Đây là đầu mối thông tin cho những ai muốn tìm hiểu về hệ thống giáo dục bang Nam Úc.
Đại học South Australia (University of South Australia – www.unisa.edu.au): Được hình thành vào năm 1991. Hiện là trường đại học có số lượng sinh viên quốc tế đông đảo nhất bang Nam Úc. Nội dung đào tạo tại đây khá đa dạng từ khoa học xã hội, nghệ thuật cho đến khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ thông tin.
Đại học Adelaide (University of Adelaide – www.adelaide.edu.au): Thành lập vào năm 1874, là một trong ba trường đại học lâu đời nhất nước Úc. Những ngành học phổ biến tại đây: Kế toán – tài chính, thương mại, kiến trúc…
Đại học Flinders (Flinders University – www.flinders.edu.au): Thành lập vào năm 1966, tính đến nay là nơi có lượng sinh viên đến từ 80 quốc gia theo học. Trường nhận đào tạo từ những ngành khoa học tổng quát như quốc tế học, môi trường, kỹ thuật… đến những ngành đào tạo chuyên sâu như: y khoa, sư phạm, tâm lý…