Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trữ hàng cà phê: chuyện “cực chẳng đã”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trữ hàng cà phê: chuyện “cực chẳng đã”

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Tháng 7 là tháng thứ 10 của niên vụ cà phê đã đi qua. Giá thị trường không khá hơn. Áp lực của hàng tồn đọng, giá càng lúc càng xuống… Đúng 31 ngày qua là giai đoạn “không lành” nhất của niên vụ cà phê tính đến nay.   

Trữ hàng cà phê: chuyện “cực chẳng đã”
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice London (nguồn: Ice London)

Tháng 7, tháng có giá tệ nhất trong năm

Giá cà phê robusta trên sàn kỳ hạn và thị trường trong nước vẫn lảng vảng ở khu vực thấp nhất tính từ ngày 1-10-2014 đầu niên vụ đến nay.

Hôm qua 31-7 là ngày giao dịch cuối cùng của mười tháng đầu niên vụ. Thị trường cà phê nội địa vẫn quanh mức 35-35,5 triệu đồng/tấn, là mức thấp nhất dù chỉ còn hai tháng nữa là hết năm kinh doanh của ngành cà phê. Như vậy, so với cuối tháng trước, giá cà phê nội địa mất từ 3-4 triệu đồng/tấn, nhưng so với đỉnh cao lập đầu niên vụ thì mất tới 5-6 triệu đồng/tấn.

Điều khác lạ của niên vụ này so với nhiều năm trước là đầu vụ những năm trước giá thường giảm mạnh do sức ép hàng rộ vụ được bán mạnh ra thị trường và cao về cuối vụ. Năm nay, do có tin cho rằng hạn hán tại Brazil làm nước này mất mùa cà phê và thế giới thiếu hụt lớn, nên nhiều doanh nghiệp rủ nhau mua trữ đợi giá cao.

Tuy nhiên, từ bấy đến nay, thị trường đều đi ngược mọi dự đoán và kỳ vọng: dù hạn hán, Brazil vẫn xuất khẩu cực mạnh, tính đến hết tháng 6-2015, nước này xuất khẩu lên mức cao nhất lịch sử với 36,5 triệu bao (60 kg x bao), các nước xuất khẩu khác cũng đều đua nhau bán như Indonesia, Colombia, Honduras… nhờ sản lượng được cải thiện sau chương trình tái canh, được thực hiện trước Việt Nam từ 5-7 năm, đến nay là lúc họ nhận thành quả từ các chương trình ấy.

Giá trong nước đã vậy, hoạt động giá trên sàn kỳ hạn cà phê robusta London tháng 7-2015 được xem là tháng tệ nhất dù giá chưa phải là đáy thấp nhất của niên vụ. So với cuối tháng 6 bấy giờ giá kỳ hạn ở mức 1.784 đô la/tấn, đến ngày giao dịch cuối cùng của tháng 7 giá mất 146 đô la/tấn, chốt tại mức 1.638 đô la/tấn, cận mức thấp nhất của niên vụ là 1.600 đô la/tấn lập vào cuối tháng 5-2015 (xin xem biểu đồ trên).

Giữ lại hàng, một việc “chẳng đặng đừng”?

Biểu đồ 2: Cặp tỷ giá đồng real Brazil và đô la Mỹ (nguồn: barchart.com)

Một mùa hè nóng bỏng tại nhiều nước như ở châu Âu làm giảm sức tiêu thụ cà phê đã đành, tình hình khủng hoảng nợ Hy Lạp và Ngân hàng trung ương châu Âu tung ra gói kích cầu, làm đồng euro giảm giá so với đồng đô la Mỹ, gây cản trở nhiều cho việc mua cà phê đối với nhiều nhà nhập khẩu châu Âu, vốn là khu vực mua hàng cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Mặt khác, trong thời gian gần đây, dự kiến tăng lãi suất của đồng đô la Mỹ làm giá hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt các mặt hàng nông sản rớt liên tục. Đặc biệt, do hai sàn kỳ hạn cà phê được giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, việc tăng lãi suất và tăng giá đồng tiền này làm các nước tiêu thụ ngoài vùng sử dụng đồng đô la Mỹ phải mua hàng mắc hơn, hệ quả là giảm sức cạnh tranh của cà phê nước xuất khẩu nào không áp dụng tỷ giá “mềm” phù hợp.

Từ góc độ cung-cầu, nhiều thông tin cho rằng vì hạn hán tại nước sản xuất cà phê số 1 thế giới là Brazil nên hàng thiếu. Thực tế dù giá thấp, các nước sản xuất tranh nhau bán mạnh và bán trước kể cả Brazil, tạo nên áp lực giá giảm trên nhiều thị trường. Vì đâu?  

Đồng bản tệ real của Brazil (BRL) mất giá cũng là yếu tố làm giá cà phê arabica trên sàn kỳ hạn Mỹ yếu hẳn. Tính đến hết ngày 30-7, giá trị đồng BRL xuống mức thấp nhất tính từ 12 năm nay, cà phê và nhiều loại hàng nông sản của nước này được bán ra mạnh làm giá giảm. Đồng BRL yếu nay là mối đe dọa trực tiếp đối với các mặt hàng nông sản mà Brazil là nước xuất khẩu chủ lực (xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Nhiều thông tin trên thị trường cho rằng do nông dân và doanh nghiệp Việt Nam giữ lại hàng chờ giá cao hơn để bán, nay hàng tồn đọng chưa bán trong nước trở thành một áp lực lên giá cà phê hiện nay: bên phía người bán nóng ruột muốn giải phóng hàng do cà phê niên vụ mới gần kề, bên phía người mua chờ đến lúc “giá rẻ cũng phải bán”.

Tuy nhiên, đến nay, người chờ mua giá rẻ vẫn phải chờ. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê ước trong tháng 7-2015, Việt Nam xuất khẩu chừng 115.000 tấn cà phê. Đây là tháng có khối lượng cà phê xuất khẩu lớn nhất tính từ tháng 3-2015 đến nay. Tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 10 tháng đầu niên vụ 2014-15 của Việt Nam ước đạt 1,09 triệu tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2014.

“Đâu ai muốn ôm hàng làm gì, giá trên sàn kỳ hạn mỗi lúc mỗi giảm, tỷ giá tiền đồng không chạy kịp với mức giảm nhanh của sàn kỳ hạn. Có bán đúng giá hay chịu giảm giá đôi chút để khỏi lỗ, chẳng ai muốn mua,” ông Hồ Sỹ Trung, Tổng giám đốc Công ty Cà phê Phước An, tỉnh Đắc Lắc nói.

Nếu nhìn như ông Trung, thì chuyện trữ hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đúng là việc “cực chẳng đã”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới