Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Đông cần nhiều lao động Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Đông cần nhiều lao động Việt Nam

Công nhân Việt Nam làm thủ tục tại Sân bay Tân Sơn Nhất để sang Qatar làm việc – ẢNH: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết trong năm 2008, dự kiến sẽ có khoảng 50.000 lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại các nước vùng Trung Đông.

Theo cơ quan này, nhu cầu lao động tại các nước vùng Trung Đông như Qatar, Oman và Baranh là rất lớn ở một một số ngành như cơ khí, xây dựng và chế biến thực phẩm, cho biết.

“Hiện tại, lao động Việt Nam tại các nước Trung Đông khoảng trên 21.000 người, trong đó tập trung nhiều nhất ở các nước như Qatar là 10.000 người, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất khoảng 9.000 người và Ả Rập Xê Út là 2.000 người”, Cục trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh, nói.

Chỉ riêng Qatar, nước này vừa thông báo sẽ tiếp nhận thêm 25.000 lao động Việt Nam sang làm việc trong năm 2008 và sẽ tăng lên khoảng 100.000 lao động trong vài năm tới.

Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội Quatar trong chuyến thăm Việt Nam gần đây cũng bày tỏ Qatar sẽ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong khâu đào tạo lao động trước khi đưa lao động sang làm việc tại nước này.

Theo ông Quỳnh, tuy lao động Việt Nam tại Trung Đông được đánh giá là thông minh, cần cù, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, họ vẫn còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ và kỷ luật trong lao động.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mức lương trung bình của một lao động phổ thông tại Trung Đông hiện nay khoảng 300 đô la Mỹ/tháng, lao động lành nghề và có tay nghề cao có mức thu nhập bình quân từ 600 đến 1.000 đô la Mỹ/tháng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước cho biết hiện tại, Qatar đang có nhu cầu rất lớn về thợ hàn với mức thu nhập tương đối hấp dẫn. Tuy nhiên theo họ, để đào tạo một thợ hàn lành nghề nhanh nhất cũng phải mất khoảng 2 tháng với chi phí từ 5-6 triệu đồng/người.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các trường dạy nghề trong khâu đào tạo nghề, đặc biệt là các nghề có thu nhập cao, bên cạnh tăng cường đào tạo ngoại ngữ và giáo dục ý thức kỷ luật lao động trước khi đưa lao động sang làm việc tại Trung Đông.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết hiện Việt Nam có khoảng 150 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động. Ông Trào khuyến cáo các doanh nghiệp cần thận trọng hơn nữa trong khâu tuyển chọn lao động có tay nghề thực thụ ngay từ đầu.   

Năm 2007, Việt Nam đã đưa hơn 85.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Mục tiêu trong năm 2008 sẽ đưa thêm khoảng 85.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Định hướng đến năm 2010, Việt Nam sẽ tăng tỷ trọng xuất khẩu lao động có tay nghề và trình độ cao đạt khoảng 70%, ông Trào cho hay.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới