Trung Đông, châu Phi “khát” mặt hàng thế mạnh của Việt Nam
Phi Tuấn
![]() |
Các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và châu Phi tại hội thảo. Ảnh: Phi Tuấn |
(TBKTSG Online) – Theo đánh giá của các chuyên gia, trong khi hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản đang dần bão hòa hoặc gặp nhiều rào cản kỹ thuật, thì Trung Đông và châu Phi nổi lên như hai thị trường đầy tiềm năng cho nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á, Bộ Công Thương cho biết trong một hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức vào ngày 10-6 tại TPHCM rằng Trung Đông và châu Phi là thị trường lớn, có nhu cầu đa dạng về sản phẩm thế mạnh của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đồng thời sản phẩm xuất khẩu qua thị trường này không đòi hỏi khắt khe về chất lượng như một số thị trường khác.
Thị trường Trung Đông, với dân số 250 triệu người, có thu nhập cao và khá, đang có nhu cầu về các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, nông sản, hải sản. Năm 2009, kim ngạch hai chiều của thị trường này với Việt Nam đạt 2,16 tỉ đô la Mỹ, trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,13 tỉ và nhập khẩu 1,03 tỉ đô la Mỹ các mặt hàng chủ yếu là chất dẻo nguyên liệu, dầu mỏ, phân bón, hóa chất…
Đặc biệt, ông Nguyễn Phúc Nam, chuyên viên Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á, cho biết Ả-rập Xê-út hiện đang khát nguồn lực lao động, và sẵn sàng nhận 400.000-700.000 lao động từ Việt Nam.
Trong khi đó, thị trường Châu Phi, với dân số hơn 1 tỉ người, vẫn chưa được các doanh nghiệp chú trọng nhiều dù kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này năm 2009 tăng gần 20% so với năm trước đó, đạt 1,56 tỉ đô la Mỹ. Đây là một thị trường tiềm năng cho các mặt hàng điện – điện tử, cơ khí, đồ nhựa, gỗ, xe máy và linh kiện, thuốc lá, dệt may, hải sản, thực phẩm chế biến…
Tuy nhiên, ông Hùng khuyến cáo, khi xuất khẩu vào châu Phi, các doanh nghiệp cần phải cảnh giác với hiện tượng lừa đảo. Các đối tác, phần lớn ở Tây Phi, thường đưa ra đề nghị mua hàng hoặc ký hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa với yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu trả trước một số tiền lệ phí như phí nhập khẩu, phí giao dịch hay phí đăng ký cấp phép nhập khẩu, mà theo tìm hiểu, thì hầu hết các hình thức này là lừa đảo.