Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc chấn chỉnh xung đột lợi ích trong quan hệ cán bộ với doanh nghiệp

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Động thái điều tra tham nhũng nhằm vào ông Chu Giang Dũng, Bí thư Thành ủy Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, nơi Tập đoàn công nghệ Alibaba và Công ty công nghệ tài chính Ant Group, đơn vị liên kết của Alibaba, đặt trụ sở, đặt ra các nghi vấn về mối quan hệ giữa giới quan chức cấp cao ở thành phố này với giới doanh nghiệp tư nhân.

Logo của Alibaba bên ngoài trụ sở của tập đoàn này ở TP. Hàng Châu. Ảnh: Caixing

25.000 cán bộ đảng viên ở Hàng Châu phải làm tự kiểm

Hôm 23-8, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) công bố báo cáo của chi nhánh CCDI tại Hàng Châu, trong đó, mô tả các vấn đề trong mối quan hệ khăng khít giữa chính quyền và doanh nghiệp và cho biết đã ra lệnh trong vòng 3 tháng, các đảng viên ở thành phố này phải loại bỏ 10 dạng xung đột lợi ích điển hình giữa chính họ hoặc người thân trong gia đình họ với doanh nghiệp địa phương, bao gồm việc “mượn tiền trái pháp luật” từ doanh nghiệp.

Báo cáo cho biết gần 25.000 cán bộ đảng viên ở Hàng Châu, bao gồm những người đã về hưu trong vòng 3 năm qua, được yêu cầu viết các bản tự phê bình và kiểm điểm liên quan đến các xung đột lợi ích với doanh nghiệp.

CCDI nhấn mạnh cho biết các quan chức ở Hàng Châu phải chịu trách nhiệm về những sai phạm trong hoạt động kinh doanh của người thân gia đình, ngay cả khi cá nhân họ không liên quan. Theo các nội dung mới sửa đổi trong Điều lệ Đảng, các quan chức cấp cao ở các chính quyền không được phép tham gia quản lý những ngành mà trong đó công ty của con cái và vợ chồng của họ đang hoạt động.

“Chính quyền Hàng Châu cam kết bảo vệ các doanh nghiệp. Nhưng các mối quan hệ bình thường giữa chính quyền và doanh nhiệp không được phép tạo ra lợi ích cho các quan chức, đó là chưa nói đến việc cho phép doanh nghiệp thao túng chính trị”, Li Chengdong, người sáng lập tổ chức tư vấn chính sách công nghệ Dolphin ở Bắc Kinh, nói.

Báo cáo của chi nhánh CCDI tại Hàng Châu xuất hiện chỉ hai ngày sau khi CCDI thông báo mở cuộc điều tra đối với ông Chu Giang Dũng, Bí thư Thành ủy Hàng Châu vì nghi ngờ  “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một thuật ngữ thường mang ẩn ý về một vụ điều tra tham nhũng. Thông báo không nêu ra mối liên hệ với bất kỳ doanh nghiệp nào trong vụ điều tra ông Chu Giang Dũng nhưng được đưa ra giữa lúc Bắc Kinh phát động chiến dịch kiểm soát quyền lực quá lớn của các tập đoàn công nghệ lớn nhất nước.

Vào cuối tuần qua, thông tin ông Chu, 53 tuổi, bị điều tra nhanh chóng trở thành một trong những chủ đề được theo dõi nhiều nhất trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, thu hút hơn 820 triệu lượt xem từ người dùng.

Hôm 22-8, Ban Thường vụ thành phố Hàng Châu cũng đã  tổ chức cuộc họp khẳng định cam kết chống tham nhũng và quản trị có trách nhiệm. Trước ông Chu, hai quan chức cấp cao ở Chiết Giang cũng bị điều tra tham nhũng trong những tháng gần đây.

Ông Chu Giang Dũng xuất thân là một giáo viên trung học, rồi sau đó, vươn lên nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng bộ tỉnh Chiết Giang, một tỉnh duyên hải giàu có nắm sát Thượng Hải. Ông Chu là một người ủng hộ mạnh mẽ nền kinh tế số.

Tháng 9-2019, ông đích thân trao tặng huy chương danh dự cho Jack Ma để ghi nhận đóng góp của ông đối với TP Hàng Châu. Lúc đó, Jack Ma nói: Chính quyền Hàng Châu và Alibaba đại diện cho một mối quan hệ hoàn toàn mới giữa chính quyền và doanh nghiệp, giống như một mối hệ gia đình”. Ít ngày sau đó, Alibaba và chính quyền Hàng Châu ký kết một thỏa thuận thắt chặt quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện.

Nghi vấn gia đình Bí thư Hàng Châu mua cổ phiếu của Ant Group trước thềm IPO

Những ngày qua, báo chí Trung Quốc và mạng xã hội ở Trung Quốc đăng bài viết suy đoán vụ điều tra nhằm vào ông Chu có liên quan đến thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đột ngột đình chỉ thương vụ IPO của Ant Group hứa hẹn thu về số tiền kỷ lục 34 tỉ đô la Mỹ sau khi Jack Ma, tỉ phú sáng lập Alibaba và cổ đông kiểm soát của Ant Group, công khai chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc làm việc theo kiểu cũ, ngăn cản sáng tạo.

Hôm 21-8, tờ The Paper ở Thượng Hải đã đăng lại bài viết từ trang thông tin tài chính Chnfund, cáo buộc gia đình ông Chu đã mua cổ phiếu của một công ty công nghệ  tài chính địa phương ngay trước khi công ty này tiến hành IPO vào năm ngoái. Bài viết này sau đó bị gỡ.

Theo bài viết, một nữ luật sư tên Hu Minchun đã tố giác hành vi trái pháp luật của ông Chu và gia đình ông trong việc mua cổ phiếu của Ant Group cho giới chức trách sau khi ông không can thiệp để cứu chồng của vị nữ luật sư, người cũng đang bị điều tra vì vi phạm kỷ luật.

Hu Michun cáo buộc gia đình ông Chu đã chi 500 triệu nhân dân tệ (76,9 triệu đô la) để mua cổ phiếu của “một công ty công nghệ tài chính ở Chiết Giang” ngay trước khi công ty này chuẩn bị tiến hành IPO. Sau khi thương vụ IPO này bị đình chỉ, 520 triệu nhân dân tệ đã được hoàn trả cho gia đình ông Chu.

Dù bài viết không nêu tên công ty liên quan, nhưng cộng đồng mạng ở Trung Quốc suy đoán đó là Ant Group vì có điểm giống nhau là thương vụ IPO kép của Ant Group ở Thượng Hải và Hồng Kông cũng bị đình chỉ vào tháng 11 năm ngoái.

Dù vậy, ngay sau đó, Ant Group ra tuyên bố bác bỏ các cáo buộc trong bài viết. Tuyên bố nói rằng Ant Group tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật ở 2 thị trường Thượng Hải và Hồng Kông trong tiến trình IPO. “Các lời đồn về việc người nào đó mua cổ phiếu của Ant Group là sai sự thật”, tuyên bố nhấn mạnh.

Hàng Châu nổi lên như một trong những thành phố giàu thịnh vượng nhất của Trung Quốc trong những năm gần đây, phần lớn nhờ sự đóng góp của Alibaba và Ant Group. Năm ngoái,  thu nhập khả dụng trên đầu người ở thành phố này đạt hơn 9.500 đô la Mỹ, cao gần gấp đôi so với mức thu nhập bình quân đầu người trên cả nước.

Alibaba và Ant Group là 2 trong số những công ty sử dụng lao động lớn nhất của Hàng Châu. Họ đã gieo mầm phát triển cho một đội ngũ các công ty công nghệ và nhà bán lẻ muốn làm ăn với đế chế công nghệ tài chính và thương mại điện tử của Jack Ma.

Tuy nhiên, triển vọng của các công ty dưới quyền kiểm soát của Jack Ma đã thay đổi nhanh chóng kể từ khi thương vụ IPO của Ant Group bị đình chỉ. Hồi tháng 3, giới chức trách Trung Quốc yêu cầu Alibaba phải bán các tài sản ở mảng truyền thông. Đến tháng 4, Bắc Kinh ra lệnh Ant Group tái cấu trúc và cho phép nhà nước trực tiếp giám sát nhiều hơn, trong khi đó, Alibaba bị phạt số tiền kỷ lục 2,8 tỉ đô la vì các vi phạm về chống độc quyền.

Hôm 23-8, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng bài viết dẫn lời các chuyên gia chống tham nhũng nhận định vụ điều tra nhằm vào ông Chu Giang Dũng là lời cảnh báo cho các quan chức khác ở Hàng Châu, nơi đã được chọn làm thành phố thí điểm cho kế hoạch quốc gia về mục tiêu xây dựng thịnh vượng chung nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc.“Họ (các quan chức Hàng Châu) phải nhận thực rõ gánh nặng trách nhiệm trên vai trong việc phát triển và phân bổ các nguồn lực”, bài viết nhấn mạnh. Bài viết cũng cho rằng vụ điều tra ông Chu Giang Dũng đặt ra một tiền lệ cho các thành phố giàu có khác ở Trung Quốc và một lần nữa khẳng định nguyên tắc “không có vùng cấm nào” trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc.

Theo WSJ, Global Times, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới