Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc: dự trữ ngoại hối “bốc hơi” mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc: dự trữ ngoại hối “bốc hơi” mạnh

Thái Bình

Trung Quốc: dự trữ ngoại hối
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã “vơi” đi khoảng 100 tỉ đô la Mỹ trong tháng 1-2016 do Bắc Kinh tiếp tục bán đô la Mỹ để nâng đỡ đồng nội tệ. Ảnh WSJ

(TBKTSG Online) – Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã “vơi” đi khoảng 100 tỉ đô la Mỹ trong tháng 1-2016 do Bắc Kinh tiếp tục bán đô la Mỹ để nâng đỡ đồng nội tệ và ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài. Hiện quỹ này chỉ còn còn 3.230 tỉ đô la, ngang với 4 năm trước, vào tháng 5-2012.

Theo số liệu mà Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố sáng nay Chủ nhật 7-2-2016, trong tháng 1-2016, dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 99,5 tỉ đô la Mỹ, gần bằng mức giảm kỷ lục 107,9 tỉ đô la của tháng 12-2015 và cao hơn mức giảm 94 tỉ đô la Mỹ vào tháng 9-2015, sau khi Bắc Kinh quyết định phá giá đồng tiền 5%.

“Dù quy mô quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn còn hết sức lớn, tốc độ suy giảm nhanh chóng trong mấy tháng gần đây là xu thế không bền vững”, Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng về châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn tư vấn IHS Global Insights ở Singapore nhận định.

Mối lo ngại kinh tế Trung Quốc chậm lại, tài sản sẽ nhanh chóng bị mất giá đã thôi thúc các nhà đầu tư bán tháo các tài sản định giá bằng đồng nhân dân tệ để mua các tài sản định giá bằng đô la Mỹ, cả ở trong và ngoài Trung Quốc. Trong tháng 12-2015 vừa qua, dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc đã lên tới 158,7 tỉ đô la Mỹ và tính chung trong năm 2015, dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc đã lên tới hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ, gấp 7 lần năm 2014, theo Bloomberg.

Trước tình hình đó, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực can thiệp để ngăn chặn dòng vốn chảy ra bằng cách thực thi nhiều biện pháp, từ hỗ trợ đồng nội tệ cho tới nới lỏng các hạn chế dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài.

Tuy nhiên, theo báo Financial Times, Bắc Kinh đang ở thế tiến thoái lưỡng nan: nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng (bơm thêm tiền ra thị trường) nhằm đảo ngược xu thế sút giảm tốc độ tăng trưởng thì sẽ làm cho đồng nhân dân tệ bị giảm giá mạnh hơn nữa, xói mòn nỗ lực hỗ trợ đồng bạc, qua đó xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Ngược lại, nếu cố giữ giá đồng tiền thì phải tung đô la Mỹ ra thị trường, quỹ dự trữ ngoại hối sẽ bị hao hụt và tăng trưởng kinh tế tiếp tục suy yếu.

Zhou Hao, nhà kinh tế của Ngân hàng Commerzbank nhận xét, dù quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bị giảm “chưa tới mức gây ngạc nhiên” nhưng nó cho thấy thách thức về chính sách mà chính phủ Bắc Kinh phải đương đầu. Ông Zhou cho rằng, động thái nới lỏng chính sách tiền tệ “phải đủ mạnh” để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nếu tăng thanh khoản của đồng nhân dân tệ trong nền kinh tế thì có nguy cơ gia tăng áp lực giảm giá lên đồng tiền.

Hôm thứ Sáu 5-2-2016, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc họp với các chuyên gia tài chính và học giả nước ngoài để trấn an họ rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cố đưa nền kinh tế ra khỏi tình thế khó khăn hiện thời bằng cách nỗ lực cải cách sâu rộng hơn nữa. “Tôi bảo đảm với các vị rằng, chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục thực thi chính sách cải cách mở cửa, nền kinh tế sẽ tránh được nguy cơ “hạ cánh cứng” và đồng nhân dân tệ sẽ không bị phá giá nhiều”, ông Lý nói.

Lời cam kết này không mới; nó đã được nói đi nói lại từ khi Bắc Kinh muốn thay đổi mô hình tăng trưởng, từ dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa vào dịch vụ tiêu dùng và công nghệ cao như các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, cộng cuộc cải cách này tiến triển rất chậm vì sự chống đối chính trị đối với việc cải tổ các tập đoàn kinh tế quốc doanh đang thống trị nền kinh tế và tâm lý âu lo trước những vụ rối loạn thị trường gần đây.

Ông Lý thì cho rằng, sở dĩ cải cách không tiến nhanh được là do nhu cầu của thị trường toàn cầu yếu kém. “Nếu điều kiện quốc tế tốt hơn thì kinh tế Trung Quốc năm ngoái đã có thể tăng trưởng 7% chứ không phải 6,88% như đã biết”, ông Lý nói.

Hiện tỷ giá đồng nhân dân tệ/đô la Mỹ đang ở mức 6,5755 nhân dân tệ ăn 1 đô la Mỹ song theo dự báo của các nhà phân tích, đồng tiền Trung Quốc có thể xuống giá 6,76 – 7,53 nhân dân tệ ăn 1 đô la Mỹ vào cuối năm nay. Đồng tiền rẻ hơn có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc trong bối cảnh đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh chính như Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã giảm mạnh so với đô la Mỹ. Tuy nhiên, giảm giá đồng tiền lại thúc đẩy dòng vốn chảy ra nước ngoài và gây áp lực lên quỹ dự trữ ngoại hối.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới