Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu sắn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu sắn

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Nhu cầu yếu, thay đổi chính sách nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đang khiến sắn và các sản phẩm sắn khó tìm đường sang nước láng giềng phía Bắc.

Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu sắn
Trung Quốc giảm nhập khẩu sắn của Việt Nam – Ảnh: TL

Theo báo cáo mới công bố ngày 1-10 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn 9 tháng đầu năm nay ước đạt 1,54 triệu tấn, tương ứng với 598 triệu đô la Mỹ, giảm 15,7% về khối lượng và 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xuất khẩu sắn lát tuột dốc mạnh hơn, chỉ đạt 258.000 tấn, tương đương 55 triệu đô la Mỹ, giảm 58,1% về lượng và 58,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang các thị trường chính đều suy giảm. Trong đó, Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 88,6% giá trị xuất khẩu, quay đầu giảm mạnh. Xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1,36 triệu tấn tương đương 530,3 triệu đô la, giảm 7,5% về khối lượng và 3,5% về giá trị so với cùng kiỳ năm 2018.

Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), sự suy giảm cầu nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc một phần bị ảnh hưởng do chính sách giảm lượng ngô tồn kho.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sắn cho rằng, Trung Quốc duy trì chính sách dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ. Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia Trung Quốc (Sinograin) thông báo đã giảm được 100 triệu tấn ngô trong năm 2018, khiến giá ngô trở nên cạnh tranh hơn dẫn tới sự sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát. Điều này khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn từ các thị trường, không riêng Việt Nam.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), lượng nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019 giảm 33,9% so với cùng kì năm 2018, trong đó, nhập khẩu sắn lát giảm 36,4%. Nhập khẩu sắn lát từ Việt Nam và Thái Lan giảm mạnh, lần lượt là 64,3% và 34,7%. Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng nhập khẩu mặt hàng này từ Lào và Campuchia. Nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn từ Lào đã tăng 181,2 lần trong 7 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu sắn.

Từ sau ngày 1-4 vừa qua, Trung Quốc giảm thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch thêm 3% từ mức 16% xuống còn 13% khiến cho giá hàng hóa xuất qua khu vực biên mậu trở nên kém cạnh tranh hơn. Ngoài ra, nhu cầu mua sắn lát từ các nhà máy cám cá tăng mạnh nên các doanh nghiệp Việt Nam còn hàng cũng không vội ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc do giá xuất khẩu đang ở mức thấp.

Dự báo 3 tháng cuối năm 2019, theo Bộ NN&PTNT xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị cạnh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn từ Lào và Campuchia.

Dù vậy, vẫn có những dấu hiệu cho thấy xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khởi sắc do sản lượng sắn dự kiến sẽ sụt giảm so với niên vụ trước do sản lượng sắn tại Tây Nguyên, một trong những địa phương trồng sắn lớn nhất cả nước, có thể không đạt được như dự kiến do khô hạn và dịch bệnh, ước giảm tới 50%.

Trong khi đó, niên vụ 2019 – 2020, hạn hán và dịch bệnh có thể làm giảm 20% sản lượng của Thái Lan, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. Tồn kho tại các doanh nghiệp của Trung Quốc gần như bằng không, nguồn cung nhập khẩu cồn từ Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao (45%). Bên cạnh đó, Trung Quốc thực hiện Kế hoạch mở rộng sử dụng cồn ethanol, đạt 10 triệu tấn đến năm 2020.

Tất cả những yếu tố trên khiến nhu cầu nhập khẩu sắn tăng gấp đôi trong thời gian tới, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT.

Mời đọc thêm:

Trung Quốc trong bức tranh xuất nhập khẩu 2018 của Việt Nam

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới