Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc hạ lãi suất để vực dậy tăng trưởng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong khi các nước trên thế giới bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, Trung Quốc vừa thông báo hạ lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 20 tháng qua để vực dậy tăng trưởng.

Trụ sở của PBoC ở Bắc Kinh. Động thái hạ LPR của PBoC sẽ giúp chi phí các khoản vay kinh doanh và vay tiêu dùng hộ gia đình giảm xuống. Ảnh: Reuters

Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thoát ra khỏi cú sốc của đại dịch Covid-19. Nhưng trong năm nay, đặc biệt kể từ tháng 7, tăng trưởng của Trung Quốc bị kìm hãm do tiêu dùng nội địa yếu ớt, chính sách “zero Covid” và các quy định mới siết chặt quản lý đối với các ngành công nghệ, bất động sản.

Hôm 20-12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo hạ lãi suất cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm từ 3,85% xuống 3,8%, trong khi đó, LPR kỳ hạn 5 năm, được xem là mốc tham chiếu cho lãi suất của các khoản vay thế chấp, vẫn được giữ nguyên ở mức 4,65%. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc hạ LPR kỳ hạn một năm kể từ tháng 4-2020. LPR được xem là chi phí vay nợ chuẩn trên thực tế của Trung Quốc kể từ năm 2019.

Tuần trước, PBoC cũng đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng thương mại để bơm thanh khoản khoảng 1.200 tỉ nhân dân tệ (188 tỉ đô la Mỹ) vào thị trường.

Ken Cheung, nhà chiến lược ngoại hối ở Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho rằng động thái hạ LPR cho thấy áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ngày gia tăng, buộc PBoC phải tìm cách hỗ trợ tăng trưởng.

Sau cao trào của cuộc khủng hoảng Covid-19 hồi năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác. Nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần đây chịu áp lực do cơn suy thoái của thị trường bất động sản, tình trạng thiếu hụt năng lượng và sức chi tiêu nội địa èo uột.

Trong quí 3, GDP tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng chậm nhất trong một năm. Các thách thức trong ngành bất động sản của Trung Quốc gia tăng kể từ đó, với giá bán nhà mới giảm trong nhiều tháng liên tiếp và Tập đoàn bất động sản Evergrande đã rơi vào tình trạng vỡ nợ cùng với một số công ty cùng ngành.

Trong tháng 11, giá bán nhà mới ở 70 thành phố lớn của Trung Quốc giảm 0,33% so với tháng 10, mức giảm mạnh nhất theo tháng trong 6 năm qua. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 11 chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo của các nhà kinh tế. Nếu tính yếu tố lạm phát, doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng 0,5% vào tháng trước, theo Lu Ting, nhà kinh tế trưởng ở Ngân hàng Nomura (Nhật Bản).

Mark Williams, nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Á ở Công ty tư vấn Capital Economics, nói: “Động thái hạ LPR của Trung Quốc sẽ ngay lập tức tác động đến các khoản vay kinh doanh có lãi suất thả nổi và cũng sẽ giúp chi phí các khoản vay có lãi suất cố định giảm xuống”.

Các nhà kinh tế nhận định Trung Quốc đang bước vào chu kỳ nới lỏng định lượng và có thể hạ lãi suất tiếp trong nửa đầu năm sau.

“Chúng tôi dự báo PBoC sẽ cắt giảm LPR kỳ hạn một năm thêm 45 điểm cơ bản nữa trong năm 2022. Ấn tượng tổng thể của tôi là Trung Quốc đang nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng chưa mạnh mẽ”, Mark Williams nói.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo giảm xuống dưới mức 4% trong quí 4-2021, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,3% trong quí 1. Đà tăng trưởng giảm nhanh làm dấy lên các lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng”, khiến nhiều chuyên gia kêu gọi Bắc Kinh tung ra thêm nhiều biện pháp hỗ trợ.

Tuần trước, Diễn đàn China Finance 40 (CF40), một tổ chức tư vấn ở Bắc Kinh, kêu gọi chính phủ giảm lãi suất và tăng cường đầu tư hạ tầng, thúc đẩy tiêu dùng nội địa để bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng ít nhất 5% vào năm tới.

Tại hội nghị công tác kinh tế trung ương hàng năm ở Bắc Kinh hồi tuần trước, các lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ ưu tiên ổn định kinh tế trong năm 2022 trong bối cảnh nước này đối mặt 3 sức ép cùng lúc, bao gồm nhu cầu suy giảm, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng tăng trưởng suy yếu. Hội nghị kết luận rằng các chính sách tiền tệ thận trọng cần phải linh hoạt đồng thời phải duy trì thanh khoản ở mức hợp lý và dồi dào.

Động thái hạ lãi suất của Trung Quốc đi ngược lại với xu hướng tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới.

Hôm 15-12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ đẩy nhanh tốc độ giảm mua tài sản đồng thời báo hiệu rằng Fed có thể tăng lãi suất 3 đợt vào năm tới để hạ nhiệt lạm phát. Một ngày sau đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) quyết định tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 0,1% lên mức 0,25% trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng của nước này tăng lên mức 5,1% trong tháng 11, mức cao nhất trong 10 năm qua. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo BoE sẽ tăng lãi suất 3 đợt nữa trong năm 2022. Hôm 17-12, Ngân hàng trung ương Nga thông báo tăng lãi suất cơ bản lên mức 7,5%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 6 liên tiếp trong năm nay. Trong tuần này, các ngân hàng trung ương ở Mexico, Chile, Costa Rica, Pakistan, Hungary và Armenia cũng lần lượt tăng lãi suất.

Theo SCMP, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới