Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc hạn chế mua than Úc: Đòn nhất tiễn song điêu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc hạn chế mua than Úc: Đòn nhất tiễn song điêu?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Thông tin về việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than Úc đang gây lo lắng cho các nhà xuất khẩu than và các lãnh đạo chính trị ở Canberra, thủ đô Úc. Có hai luồng tranh luận về lý do đằng sau quyết định này, một bên cho rằng Trung Quốc muốn nâng đỡ giá than của các nhà sản xuất trong nước và một bên nói rằng Bắc Kinh có động cơ chính trị, tức muốn “dằn mặt” Canberra vì những hành động “gây sự” với Bắc Kinh trong thời gian vừa qua. Song dường như quyết định hạn chế mua than Úc có thể cùng lúc nhắm đến hai mục tiêu: thương mại lẫn chính trị.

Thông tin nhiễu loạn

Trung Quốc hạn chế mua than Úc: Đòn nhất tiễn song điêu?
Than Úc đang bị trì hoãn thông quan ở nhiều cảng của Trung Quốc. Ảnh: AP

Hãng tin Reuters ngày 21-2 dẫn lời một lãnh đạo Tập đoàn Cảng Đại Liên cho biết hải quan ở năm cảng ở TP. Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) đã cấm nhập khẩu than Úc và đặt hạn ngạch nhập khẩu than tối đa từ tất cả mọi nước trong năm 2019 ở mức 12 triệu tấn.

Lệnh cấm vô thời hạn này diễn ra giữa lúc nhiều cảng lớn khác ở Trung Quốc cũng kéo dài thời gian thông quan cho than Úc lên đến ít nhất 40 ngày.

Hôm sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bác bỏ thông tin về lệnh cấm nhập khẩu than Úc và khẳng định các cảng của Trung Quốc vẫn đang tiếp nhận các tờ khai nhập khẩu than từ tất cả các nước bao gồm Úc.

Tuy nhiên, ông lưu ý hải quan Trung Quốc đang gia tăng kiểm tra an toàn và chất lượng đối với than nhập khẩu và đây là hoạt động “hoàn toàn bình thường”. Ông Cảnh Sảng giải thích: “Mục đích là nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng như bảo vệ môi trường”.

Dù nhìn nhận theo hướng nào thì Trung Quốc cũng đang hạn chế nhập khẩu than Úc.

Trước đây, Bắc Kinh thường hạn chế nhập khẩu than để hỗ trợ giá than trong nước. Hiện nay, giá than cốc nhập khẩu từ Úc đang rẻ hơn than cốc trong nước khoảng gần 30 đô la/tấn.

Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham nói không có cơ sở để cho rằng Trung Quốc cấm nhập khẩu than Úc và đây đơn thuần chỉ là động thái đặt hạn ngạch nhập khẩu than. Ông cho biết Úc đang đề nghị Trung Quốc giải thích rõ hơn về những quyết định liên quan đến than Úc.

Than là mang lại nguồn thu xuất khẩu lớn nhất của Úc, vì vậy, giới đầu tư lo ngại lệnh cấm trên sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế Úc vốn đang tăng trưởng chậm lại.

Mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc chuyển biến xấu kể từ năm 2017 khi Úc cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào chuyện nội bộ của nước này. Căng thẳng bùng lên trở lại vào tháng trước khi Úc thu hồi thị thực của một doanh nhân nổi tiếng của Trung Quốc chỉ ít tháng sau khi Úc cấm hãng thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) cung cấp thiết bị cho mạng lưới 5G ở Úc theo lời kêu gọi của Mỹ vì lo ngại các rủi ro an ninh.

Một mũi tên trúng hai đích

Quyết định hạn chế nhập khẩu than Úc của Trung Quốc trước hết phải được nhìn nhận từ lăng kính thương mại.
Andrew Mackenzie, Giám đốc điều hành tập đoàn khai khoáng BHP (Úc), cho rằng Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than của Úc đơn thuần xuất phát từ lý do thương mại.

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc Philip Lowe cũng đồng tình với nhận định này. Tại cuộc họp của Ủy ban thường tực kinh tế thuộc Hạ viện Úc hôm 22-2, ông Lowe cho rằng động cơ dẫn đến quyết định hạn chế nhập khẩu than Úc của Bắc Kinh là lợi nhuận ngành công nghiệp khai thác than trong nước đang suy yếu do nguồn than nhập khẩu giá rẻ. Ngoài ra, ông cũng nói Trung Quốc có thể đang muốn hạn chế sử dụng than để bảo vệ môi trường.

Ông cho biết khối lượng than bị ảnh hưởng do lệnh hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc chỉ tương đương khối lượng than xuất khẩu trong hai tháng của Úc, chưa đủ lớn để tác động mạnh đến nền kinh tế Úc.

Song ông Lowe cũng không bác bỏ khả năng Trung Quốc có động cơ chính trị đằng sau động thái giảm mua than Úc. Ông nói nếu động thái này của Trung Quốc là một dấu hiệu của mối quan hệ đang xấu đi giữa Trung Quốc và Úc, Úc sẽ đối mặt với những hậu quả kinh tế “rất khó chịu”.

Quyết định trên của Trung Quốc được đưa ra giữa lúc quan hệ Trung-Úc đang trong tình trạng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.  Do vậy, cây bút Elizabeth Knight của tờ Brisbane Times cho rằng cách giải thích hợp lý nhất cho động thái hạn chế mua than của Úc là “giết hai con nhạn” chỉ bằng một mũi tên, tức vừa bảo vệ các nhà sản xuất than trong nước vừa “dằn mặt” Canberra. Khi hành động như vậy, Trung Quốc sẽ tạo sức ép lớn hơn đối với Úc.

“Lệnh cấm nhập khẩu than Úc là một hình thức đe dọa Úc. Đó là đòn trừng phạt nhằm vào các nước chống lại sức ép của Trung Quốc”, Tiến sĩ Malcolm Davis ở Viện Chính sách chiến lược Úc, nhận định.

Theo các nhà phân tích ở công ty tư vấn thị trường năng lượng Wood Mackenzie, Úc sẽ chiếm phần lớn trong khối lượng than bị hạn chế xuất khẩu vào Trung Quốc vì nước này đóng góp hơn 75% sản lượng than cốc mà Trung Quốc nhập khẩu bằng đường biển trong năm 2018. Năm ngoái, Úc xuất khẩu 36 triệu tấn than cốc sang Trung Quốc, chiếm 20% tổng sản lượng xuất khẩu của Úc.

Song các nhà phân tích ở Wood Mackenzie nói rằng Trung Quốc khó mà hạn chế nhập khẩu than Úc trong dài hạn hoặc tiến hành thêm các động thái mạnh mẽ hơn để giảm mua than Úc. Tìm kiếm nguồn than chất lượng để thay thế than Úc ở bên ngoài Trung Quốc là rất khó. Một lãnh đạo quản lý thu mua ở một nhà máy lớn ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) cho biết: “Rất khó để tìm nguồn thay thế cho than cốc Úc vốn có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp”.

Wood Mackenzie dự báo trong ngắn hạn, than của Úc sẽ chịu sức ép giảm giá khi các nhà xuất khẩu than của Úc tìm cách bán lượng than tồn đọng sang các thị trường khác.

Theo Brisbane Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới