Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc hụt hơi trong mục tiêu phục hồi tăng trưởng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc hụt hơi trong mục tiêu phục hồi tăng trưởng

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Động lực phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đã chùng xuống do nhu cầu nội địa yếu, đại dịch Covid-19 và lũ lụt. Các dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tăng trưởng nhưng không nhanh như các nhà kinh tế kỳ vọng.

Doanh số bán lẻ giảm ở tháng thứ bảy liên tiếp

Hôm 14-8, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NSB) cho biết doanh số bán lẻ của Trung Quốc vẫn ảm đạm, với mức suy giảm 1,1% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là doanh số bán lẻ của Trung Quốc vẫn chưa chứng kiến tăng trưởng dương trong bất kỳ tháng nào trong bảy tháng đầu năm nay.

Trung Quốc hụt hơi trong mục tiêu phục hồi tăng trưởng
Người dân mua sắm ở một siêu thị tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc liên tục giảm trong bảy tháng đầu năm nay. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc, thước đo chi tiêu cho hạ tầng, bất động sản và tư liệu sản xuất, suy giảm 1,6% trong bảy tháng đầu năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc trong tháng 7 duy trì ở mức 5,7% ngang bằng với tháng 6.

Sản lượng công nghiệp, thước đó hoạt động sản xuất và khai khoáng, tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng 4,8% trong tháng 7, bằng mức tăng trưởng hồi tháng 6 nhưng vẫn thấp hơn dự báo.

Đối với một số nhà kinh tế, các dữ liệu trên gợi ý rằng những ngày tốt đẹp nhất của đà phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể đã qua sau khi GDP nước này đạt mức tăng trưởng 3,2% trong quí 2.

“Đây chỉ là dữ liệu của một tháng nhưng phù hợp với quan điểm cho rằng đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc mà chúng ta chứng kiến trong quí 2 sẽ không lặp lại”, Michael Spencer, Giám đốc bộ phận nghiên cứu phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Deutsche Bank, nhận xét.

Đối mặt với hàng loạt lực cản tăng trưởng ở trong nước và nước ngoài, từ tình hình lũ lụt dọc lưu vực sông Trường Giang, cho đến các cơn bùng phát dịch Covid-19 tiếp tục trỗi dậy ở phương Tây cũng như sự bất lực trong việc kích thích nhu cầu trong nước, đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đã mất động lực kể từ tháng 7, theo nhận định của giới phân tích.

Dù kinh tế Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng, chủ yếu nhờ các đòn bẫy truyền thống gồm bất động sản và đầu tư hạ tầng, nhu cầu trong nước vẫn chưa phục hồi như mong đợi, khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây nhấn mạnh chiến lược hướng nội khi môi trường bên ngoài bất lợi đối với kinh tế Trung Quốc.

Giới phân tích cảnh báo doanh số bán lẻ có thể suy giảm tiếp khi chính phủ Trung Quốc phát động chiến dịch chống lãng phí thực phẩm bằng cách buộc các nhà hàng phải phục vụ ít món ăn hơn và có thể siết chặt nhập khẩu thực phẩm do lo ngại virus SARS-Cov-2. Trong tuần qua, giới chức y tế phát hiện virus SARS-Cov-2 hiện diện ở một mẫu xét nghiệm từ lô hàng cánh gà đông lạnh của Brazil nhập khẩu vào TP. Thâm Quyến. Đây là lần thứ ba trong vòng bảy ngày Trung Quốc phát hiện mầm bệnh Covid-19 ở thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

“Doanh số bán lẻ của Trung Quốc có thể sẽ tệ hơn nữa trong tháng tới vì cuộc vận động chống lãnh phí thực phẩm ở ngành nhà hàng. Nhu cầu trong nước vẫn yếu và động lực chính cho các hoạt động kinh tế là các khoản đầu tư và hoạt động mua trích trữ hàng hóa của nhà nước”,  Imogen Page-Jarrett, nhà phân tích ở Economist Intelligence Unit (EIU), tổ chức nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist, nói.

Nạn lũ lụt đã tàn phá các cộng đồng sinh sống dọc theo lưu vực sông Trường Giang càng tăng sức ép cho đầu tư hạ tầng, đòn bẫy kinh tế đáng tin cậy nhất mà Bắc Kinh có thể sử dụng. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa y tế suy yếu, sự cần thiết phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội khi các ổ dịch Covid-19 mới xuất hiện và căng thăng Mỹ-Trung dâng cao sẽ là những những trở ngại trên con đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc.

Có thể đẩy mạnh kích thích

Nền kinh tế đông dân nhất thế giới vẫn đang xoay sở để phục hồi tiêu dùng trong nước sau khi các nhà hàng, cửa hiệu và rạp phim đồng loạt bị yêu cầu đóng cửa trong những tháng đầu năm nay để kiểm soát dịch Covid-19. Các nhà máy ở Trung Quốc bắt đầu nối lại hoạt động hồi cuối tháng 2, trong khi đó, các rạp phim chỉ mới được phép tái mở cửa vào tháng trước.

Trong bối cảnh đó, một số nhà phân tích cho rằng đà phục hồi kinh tế Trung Quốc bị thổi phồng vì chủ yếu nhờ tăng trưởng ở lĩnh vực bất động sản và đầu tư hạ tầng, vốn phụ thuộc lớn vào nợ vay.

“Tôi nghĩ rằng điều đó cho thấy các báo cáo về phục hồi Trung Quốc đã được tán tụng quá mức. Dù Trung Quốc vẫn được kỳ vọng tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, một phần là nhờ thị trường nội địa khổng lồ, nước này vẫn không toàn toàn miễn nhiễm với tác động của cơn suy thoái kinh tế toàn cầu”, Carlos Casanova, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của hãng bảo hiểm Coface (Pháp), nhận định.

Bắc Kinh đã không tung ra ra các gói kích thích ồ ạt như đã làm ở thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh lo ngại về việc bơm quá nhiều nợ vào nền kinh tế vốn đã sử dụng đòn bẫy nợ cao. Nhưng khi nhu cầu nội địa vẫn ảm đạm, Trung Quốc có thể phải sẵn sàng đẩy mạnh kích thích.

“Chúng tôi cho rằng thị trường đang phần nào quá lạc quan về tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay”, Lu Ting, nhà kinh tế tưởng ở ngân hàng Nomura, nói. Ông cho biết vẫn còn quá sớm để Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp kích thích đã tung ra ra trong nửa đầu năm nay.

Xu Hongcai, Phó Giám đốc Ủy ban chính sách Kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học chính sách Trung Quốc, cũng nhìn nhận rằng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước vẫn chưa phục hồi đầy đủ.

Ông nói: “Đà phục hồi của Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn nhưng không còn mạnh nữa. Mọi người ai cũng lo lắng về việc làm và thu nhập của người lao động đang giảm, vì vậy, chẳng ai dám chi tiêu nhiều”.

Theo South China Morning Post, Wall Street Journal

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới