Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc lại Tây du

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc lại Tây du

Huỳnh Hoa

Phó thủ tướng Trung Quốc Khắc Cường (bên trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Trinidad Jimenz tại Madrid tuần trước. Ảnh: AP.

(TBKTSG) – Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường – người được coi là sẽ kế tục Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong năm tới – vừa hoàn tất chuyến công du 9 ngày qua ba nước Tây Ban Nha, Đức và Anh. Ngoài việc thúc đẩy hợp tác kinh tế Trung Quốc-EU, chuyến đi này có nhằm giúp đỡ châu Âu đối phó với khủng hoảng nợ công và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc hay không?

Hôm thứ Hai, các công ty Trung Quốc và Anh thuộc lĩnh vực năng lượng và xe hơi đã ký kết các hợp đồng trị giá 2,6 tỉ bảng Anh (4 tỉ đô la Mỹ) nhân chuyến viếng thăm Anh của Phó thủ tướng Lý.

Đáng chú ý nhất trong các thương vụ này là hợp đồng giữa tập đoàn dầu khí BP PLC của Anh và tập đoàn dầu khí hải ngoại quốc gia Trung Quốc CNOOC hợp tác thăm dò dầu khí ở ngoài khơi biển Đông. Trước đây, Trung Quốc đã gây áp lực mạnh để buộc BP phải hủy bỏ một hợp đồng tương tự đã ký kết với tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam. Giá trị hợp đồng vừa ký kết giữa BP PLC và CNOOC không được tiết lộ.

Hãng tin Tân hoa xã trích lời ông Lý cho biết “hoàn toàn có thể” nâng kim ngạch thương mại giữa Anh và Trung Quốc lên gấp đôi, đạt mức 100 tỉ đô la Mỹ mỗi năm từ năm 2015 – một mục tiêu đặt ra trong chuyến thăm Bắc Kinh hai tháng trước đây của Thủ tướng Anh James Cameron. Trong 10 tháng đầu năm 2010, kim ngạch thương mại giữa hai nước là 40,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2009. Hiện trong Liên hiệp châu Âu EU, Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc, sau Đức và Pháp.

Trước đó, trong chuyến thăm của ông Lý tới thủ đô Madrid hôm thứ Tư 5-1, các doanh nghiệp Trung Quốc và Tây Ban Nha cũng đã ký kết 16 hợp đồng trị giá 7,5 tỉ đô la Mỹ, phần có giá trị nhất, đã được công bố từ lâu, là vụ tập đoàn hóa dầu Sinopec của Trung Quốc bỏ ra 7,1 tỉ đô la Mỹ mua lại 40% cổ phần của Repsol Brazil – một công ty con của tập đoàn dầu mỏ Repsol Tây Ban Nha hoạt động ở Mỹ Latin. Báo Financial Times (Anh) nhận định, doanh nghiệp Trung Quốc rất muốn đầu tư vào khu vực Nam Mỹ giàu tài nguyên và năng lượng, cho nên cần tiếp thu kinh nghiệm và tài sản của Tây Ban Nha ở đó.

* * *

Nhưng diễn biến đáng chú ý nhất là việc ông Lý nhắc lại những tuyên bố gần đây của các quan chức cấp cao Trung Quốc là sẽ mua trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha, cũng như giúp các nước khu vực đồng euro đang khó khăn như Bồ Đào Nha và Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công.

Trước khi phái đoàn đến Madrid, Berlin và London, Bắc Kinh đã thuê đăng nhiều bài báo ở cả ba nước này, nhấn mạnh sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố vượt khủng hoảng, cam kết mua nhiều tỉ euro trái phiếu và ký những hợp đồng trị giá nhiều tỉ đô la khác.

“Trung Quốc là một nhà đầu tư dài hạn, có trách nhiệm ở các thị trường tài chính châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha”, ông Lý tuyên bố. Do đang gặp khó khăn trong việc trấn an các thị trường tài chính, các nhà lãnh đạo đều trải thảm đỏ chào đón phái đoàn Trung Quốc.

Tuy nhiên cho đến lúc này, mặc dù báo chí Tây Ban Nha hồ hởi dự báo Bắc Kinh có thể mua tới 6 tỉ euro (7,89 tỉ đô la Mỹ) trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha nhưng các quan chức Trung Quốc chưa đưa ra cam kết nào về con số cụ thể. Giới quan sát thì thận trọng cho rằng, ngoài những lời hứa xã giao, Trung Quốc sẽ không cứu giúp khu vực eurozone như trông đợi.

Thứ Năm tuần trước, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Hucheng cho biết, từ khi cuộc khủng hoảng nợ bùng phát giữa năm ngoái, Trung Quốc đã gia tăng việc nắm giữ trái phiếu các chính phủ châu Âu, kể cả Tây Ban Nha, nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Ông Gao, một thành viên tháp tùng Phó thủ tướng Lý, nói thêm rằng, lượng trái phiếu mà Trung Quốc sẽ mua “tùy thuộc vào thời điểm và khối lượng mà Chính phủ Tây Ban Nha phát hành, cũng như vào giá trái phiếu trên thị trường sơ cấp và thứ cấp”.

Các nhà phân tích nhanh chóng nhận ra những điều mơ hồ trong các tuyên bố trên. Trong quá khứ, triển vọng đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu cũng thường gây lo ngại về những thương vụ mang động cơ chính trị, cũng như sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực này.

“Hành động của Trung Quốc thường không theo kịp những kỳ vọng mà lời hứa của họ dấy lên”, Công ty Tư vấn Capital Economics có trụ sở tại London nhận định như vậy trong báo cáo nghiên cứu công bố thứ Năm tuần trước.

Nhiều nhà phân tích khác cũng tỏ ra hoài nghi ý định thật sự của Trung Quốc. Bà Katinka Barysch, Phó giám đốc Trung tâm Cải tổ châu Âu tại London, nói: “Nếu Tây Ban Nha không tiếp cận được thị trường trái phiếu nữa thì liệu Trung Quốc có cho vay đủ để Tây Ban Nha thoát khỏi khủng hoảng hay không? Tôi rất nghi ngờ. Mà EU cũng không muốn một thành viên của mình phải mang ơn Trung Quốc”.

* * *

Tuy vậy, theo một số nhà quan sát, chỉ riêng việc Trung Quốc lên tiếng cam kết đầu tư vào trái phiếu chính phủ các nước khu vực eurozone trước mắt cũng khiến các nhà đầu tư tư nhân khó mà cạnh tranh đẩy giá trái phiếu xuống. Hiện thời mặc dù phần lớn quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc là các tài sản định giá bằng đô la Mỹ, nhưng theo giới quan sát, trong quỹ dự trữ này có khoảng 700 tỉ euro là trái phiếu các chính phủ khu vực eurozone, bằng khoảng 10% tổng khối lượng trái phiếu mà khối này phát hành ra thị trường. Nếu giá trái phiếu các nước eurozone cứ tiếp tục lao dốc như hiện nay, Trung Quốc sẽ không tránh khỏi thiệt hại.

Việc hỗ trợ châu Âu cũng có thể mang lại cho Bắc Kinh nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế và địa chiến lược, vì châu Âu là thị trường tiêu thụ thiết yếu nhất hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong 11 tháng đầu năm ngoái, châu Âu nhập khẩu 282 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Trong giao thương với Trung Quốc, châu Âu – cũng như Mỹ – luôn bị thâm hụt nặng; ngay cả nền kinh tế mạnh nhất khối như Đức cũng luôn nhập siêu khoảng 30%, còn Tây Ban Nha năm ngoái xuất sang Trung Quốc 2 tỉ euro hàng hóa nhưng nhập về tới 14,5 tỉ euro. Để duy trì “con bò sữa” này, Trung Quốc cần một châu Âu có nền kinh tế ổn định và một đồng tiền mạnh.

Do đồng nhân dân tệ Trung Quốc neo chặt vào đô la Mỹ nên khi đồng euro giảm giá so với đô la Mỹ thì hàng hóa Trung Quốc ở châu Âu cũng trở nên đắt đỏ hơn. Ngược lại, nếu để cho đồng euro mất giá (trong năm ngoái, đồng euro giảm giá 10% so với đô la Mỹ), hàng hóa của các nền kinh tế lớn của khối này như Pháp và Đức sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc trên các thị trường quốc tế.

Ngoài việc thúc đẩy việc cải thiện sự tiếp cận thị trường cho các công ty Trung Quốc, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường còn nhân cơ hội châu Âu đang kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Bắc Kinh để yêu cầu khối này xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Trung Quốc từ sau sự kiện Thiên An Môn ngày 4-6-1989 và chính thức công nhận kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Quy chế “kinh tế thị trường” sẽ giúp Trung Quốc ngăn chặn các nước khác khiếu nại các chính sách thương mại của Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Như vậy, ve vãn châu Âu Trung Quốc có thể tốn kém rất ít mà gặt hái được nhiều lợi lộc cho chính họ. “Có thể diễn dịch “Chúng tôi sẽ giữ các nền kinh tế châu Âu ổn định bởi vì họ mua hàng của chúng tôi và chúng tôi cần bảo vệ giá trị các tài sản định giá bằng đồng euro””, bà Vanessa Rossi, nghiên cứu viên cao cấp của Chatham House tại London, nhận định.

Và theo ý nghĩa đó, chuyến du thuyết châu Âu của Phó thủ tướng Lý Khắc Cường – tiếp theo các chuyến đi của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới Hy Lạp hồi tháng 10 và của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Bồ Đào Nha tháng 11 năm ngoái, thực chất là động thái mưu lợi cho chính mình từ khó khăn của châu Âu chứ không nhằm giúp EU vượt qua khủng hoảng như mong đợi.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới