Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc: lạm phát lên mức báo động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc: lạm phát lên mức báo động

Phúc Minh

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng các nền kinh tế lớn trên thế giới thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, khiến giá hàng hóa quốc tế tăng lên, làm gia tăng áp lực lạm phát tại Trung Quốc. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quí 3-2010 có dấu hiệu chậm lại nhưng chính phủ nước này vẫn cho rằng áp lực lạm phát là vấn đề chính mà họ phải đối mặt trong kiểm soát kinh tế vĩ mô thời gian tới.

Lạm phát vượt mức có thể chấp nhận

Tuần trước, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 9-2010 đã tăng 3,6% so cùng kỳ năm ngoái, vượt quá mục tiêu lạm phát 3% mà Bắc Kinh đặt ra cho cả năm nay. CPI cũng đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp và là biên độ tăng lớn nhất trong 23 tháng qua; trong đó, tỷ lệ lạm phát giá thực phẩm là 8%, nhân tố chính thúc đẩy CPI tăng.

Chuyên gia cố vấn về kinh tế Trung Quốc của Hội đồng Đại Tây Dương, ông Albert Keidel, cho rằng áp lực lạm phát hiện tại vượt quá mức mà chính phủ Trung Quốc có thể chấp nhận được.

Quí 4: ổn định giá cả là nhiệm vụ hàng đầu

Quốc Vụ viện, tức Chính phủ Trung Quốc, vừa kết thúc cuộc họp ngày 27-10 đưa ra kết luận: ổn định giá cả tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản là nhiệm vụ kinh tế chủ yếu của chính phủ Trung Quốc trong quí 4-2010.

Cuộc họp cho rằng, mặc dù kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định và nhanh chóng nhưng trong ngắn hạn, những áp lực từ bên ngoài gia tăng sẽ khiến việc kiểm soát kinh tế vĩ mô phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

Tại cuộc họp, Quốc Vụ viện cam kết sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn để ổn định giá cả thị trường và thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản. Chính phủ cũng có kế hoạch tăng cường giám sát thị trường hàng tiêu dùng, xử phạt nặng các hành vi tích trữ hàng hóa, lũng đoạn giá cả… Ngoài ra, Quốc Vụ viện Trung Quốc kêu gọi chính quyền các địa phương thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát khác nhau để hạn chế giá nhà đất tăng quá cao tại một số thành phố và hạn chế hành vi đầu cơ.

Không loại trừ khả năng Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lãi suất để tăng lượng tiền gửi và kiềm chế giá tài sản. Ảnh: TL

Ngân hàng trung ương phát cảnh báo

Trong lúc Quốc Vụ viện kêu gọi ổn định giá cả tiêu dùng, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo đối với áp lực tăng giá gần đây.

Ngày 27-10, Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố báo cáo, cho rằng các nền kinh tế lớn trên thế giới thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, trong đó có việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bán một lượng lớn đô la Mỹ để mua trái phiếu, đang khiến giá hàng hóa quốc tế tăng lên, từ đó làm gia tăng áp lực lạm phát tại Trung Quốc.

Và mặc dù Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra biện pháp thắt chặt tiền tệ trong năm nhưng nhìn chung, môi trường tín dụng hiện tại của Trung Quốc vẫn còn tương đối thoải mái. Từ tháng 9-2009 đến tháng 5-2010, lượng cung tiền hẹp M1 (bao gồm tiền ở tất cả dạng có thể chi tiêu ngay lập tức như tiền mặt và tiền ở tài khoản séc) tại Trung Quốc đã tăng khoảng 30%.

Không loại trừ tiếp tục tăng lãi suất để tăng lượng tiền gửi và kiềm chế giá tài sản

Cách đây không lâu, Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 3 năm qua. Nhiều nhà phân tích cho rằng động thái này nhằm kiềm chế tăng trưởng tín dụng quá nhanh và là biện pháp mới nhất để thu hồi tính thanh khoản dư thừa.

Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của công ty Macquarie Capital Securities thuộc tập đoàn Macquarie Group, ông Paul Cavey, nói Ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng lãi suất với mục đích rõ ràng nhất là kiềm chế giá tài sản, nhằm đối phó với nguy cơ bong bóng tài sản.

Báo cáo của Ngân hàng trung ương Trung Quốc phát hành ngày 27-10 cũng chỉ ra đến năm 2011, áp lực tăng giá lượng thực của Trung Quốc là rất lớn. Ngoài ra, việc cải cách phân phối thu nhập và giá tài nguyên cũng sẽ là những nhân tố khiến vật giá tăng thêm. Báo cáo cho rằng mặc dù kinh tế Trung Quốc ổn định nhưng áp lực giá cả là không thể xem thường.

(theo VOA, Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới