Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc lập quỹ cứu trợ 29 tỉ đô la để gỡ khó cho ngành bất động sản

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung Quốc sẽ cấp khoản vay đặc biệt 200 tỉ nhân dân tệ (29 tỉ đô la) để giúp các nhà phát triển hoàn thành các dự án nhà ở bị đình trệ. Như vậy, sau sáu tuần đồn đoán, quỹ cứu trợ này cũng dần lộ rõ nét hơn, nhưng không đạt mục tiêu cao nhất đã vạch ra.

Hàng trăm ngàn dự án bị đình trệ, không giao nhà theo đúng tiến độ cam kết đã làm bùng nổ cuộc tẩy chay, ngừng thanh toán tiền thế chấp khắp Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trước đó, cuối tháng 7 Reuters đưa tin quy mô ban đầu của quỹ ở mức 80 tỉ nhân dân tệ nhờ nguồn tiền từ Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoc) và một vài ngân hàng quốc doanh. Nếu quỹ hoạt động hiệu quả, các ngân hàng khác sẽ được khuyến khích bơm tiền vào với mục tiêu huy động 200 – 300 tỉ nhân dân tệ.

Không giải cứu mảng địa ốc

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin hôm 3-9 rằng Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị-nông thôn, Bộ Tài chính và PBoC sẽ hỗ trợ các nhà thầu thông qua các khoản vay đặc biệt từ các ngân hàng chính sách. Trang Caixin trích dẫn một số nguồn tin rằng các khoản vay ban đầu sẽ do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Trung Quốc cấp vốn, sau đó Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc có thể tham gia nỗ lực giải cứu này.

Cuộc khủng hoảng thanh khoản đang lan rộng của ngành bất động sản Trung Quốc đã khiến số dự án mới sụt giảm, khoảng 5% dự án căn hộ hiện tại bị đình chỉ, khiến người mua nhà nổi giận và từ chối thanh toán các khoán thế chấp vay mua nhà. Cuộc tẩy chay thanh toán của người mua nhà cũng tạo thêm áp lực với hệ thống ngân hàng vốn đang loay hoay với “cục xương khó nuốt” là các hãng bất động sản đang đói vốn. Suy rộng hơn, cuộc tẩy chay cũng gây rủi ro cho thị trường nhà ở, làm tan vỡ giấc mơ an cư lạc nghiệp của nhiều người.

Caixin dẫn các nguồn tin rằng chính quyền trung ương sẽ hỗ trợ lãi suất 1% đối với các khoản vay cho các ngân hàng chính sách trong thời gian không quá hai năm. Chính quyền địa phương sẽ đứng tên vay, các khoản vay đặc biệt này sẽ được ghi nhận là nợ của chính quyền địa phương. Nếu địa phương không thanh toán hết trong ba năm đầu, lãi suất kể từ năm thứ ba trở đi sẽ tăng gấp đôi.

Các nhà quản lý đã làm rõ rằng quỹ cứu trợ quốc gia 200 tỉ nhân dân tệ không nhằm mục đích kích thích thị trường bất động sản hoặc giải cứu các nhà phát triển. Các khoản vay đặc biệt này chỉ giới hạn trong lĩnh vực xây dựng và chuyển giao các dự án đã mở bán hoặc bị đình hoãn do khó khăn thanh khoản của nhà thầu.

Caixin nói rằng chính quyền địa phương sẽ xem lại các dự án nhà ở địa phương mình, đánh giá lại tài sản và nợ phải trả của nhà phát triển trước khi duyệt vốn cho vay. Hạn chót để nộp đơn vay sẽ vào cuối tháng 3-2023. Quản lý một hãng địa ốc nói rằng một nhóm làm việc của chính quyền địa phương đã thông báo miệng cho ông các quy định của đơn vay.

“Chính thức thì chúng tôi chưa biết đầy đủ các chi tiết của quỹ hỗ trợ. Và rõ ràng là con số công bố sẽ không đủ để giải quyết vấn đề. Tôi tin rằng quỹ này sẽ là một phần của gói kích thích lớn hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và thế chấp. Ngành bất động sản cần hồi phục để giữ nhịp cho nền kinh tế”, Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại hãng dịch vụ tài chính Macquarie, nói với Reuters về những diễn tiến xung quanh quỹ cứu trợ địa ốc.

Giới đầu tư toàn cầu đang chăm chú theo dõi các chuyển động trên thị trường bất động sản Trung Quốc, bởi ngành này liên quan đến các lĩnh vực xây dựng và sắt thép, và chiếm hơn 1/4 GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Địa phương chịu trách nhiệm tiến độ dự án

Theo hãng dữ liệu bất động sản CRIC, tính đến tháng 7 vừa rồi, người mua nhà đã ngừng thanh toán tại hơn 100 dự án được bán trước tại hơn 50 thành phố khắp Trung Quốc để phản đối dự án chậm bàn giao. Một số người mua cáo buộc các hãng địa ốc chơi trò “mượn đầu heo nấu cháo”, lấy tiền thu nơi này để đắp đổi cho dự án khác và tiếp tục vòng xoay mượn vốn. Cuối tháng 7-2022, khủng hoảng thanh toán khoản vay còn có nguy cơ lan thành cuộc khủng hoảng ngân hàng khi các nhà thầu phụ của “quả bom nợ” Evergrande dọa sẽ ngừng thanh toán cho các ngân hàng.

Cuộc họp hôm 28-7 của Bộ Chính trị Trung Quốc đã kêu gọi hành động để “ổn định thị trường bất động sản” và sử dụng “các chính sách cụ thể của từng thành phố”. Bộ Chính trị nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm “bàn giao nhà đúng hạn” đối với các dự án mà người dân đã trả tiền mua.

Cơ quan quản lý ngành ngân hàng của Trung Quốc hồi tháng 8 đã cam kết tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà ở và ngân hàng trung ương, đồng thời hỗ trợ các chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy quá trình chuyển giao dự án nhà ở và bảo vệ sinh kế, tài sản của người dân.

Kể từ tháng 7, hơn 10 thành phố hoặc khu vực đã đưa ra các biện pháp khác nhau để thúc đẩy quá trình giao nhà đúng hạn. Nhiều chính quyền địa phương đã lên kế hoạch thành lập quỹ cứu trợ, và giới thiệu các công ty được chính phủ hậu thuẫn tham gia vào các dự án bị đình trệ.

Từ cuối tháng 4-2022, chính quyền thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, đã phải đối đầu với các cuộc biểu tình đòi lại tiền đã đóng và tẩy chay thanh toán các khoản vay của người dân. Chính quyền đã gấp rút lập quỹ cứu trợ 10 tỉ nhân dân tệ – thấp hơn mục tiêu ban đầu là 20 tỉ – nhằm tận dụng các nguồn vốn góp từ doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng để giải phóng các dự án đang xây dang dở.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới