Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc lên kế hoạch 5 năm nhắm vào năng lượng và hàng hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc lên kế hoạch 5 năm nhắm vào năng lượng và hàng hóa

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Trong tuần này, giới phân tích và đầu tư theo dõi sát sao hội nghị trung ương ở Trung Quốc để nắm bắt các thông tin quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế cho 5 năm tiếp theo, được dự báo sẽ tác động đến một loạt thị trường hàng hóa trên toàn cầu đến năm 2025.

Trung Quốc lên kế hoạch 5 năm nhắm vào năng lượng và hàng hóa
Áp phích chân dung Chủ tịch Tập Cận Bình trước một nhà máy thép ở TP An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hôm 26-10, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19 đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh với trọng tâm là vạch ra kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 14.

Chi tiết đầy đủ của kế hoạch kinh tế 5 năm sẽ được công bố và thông qua tại kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc vào tháng 3 năm sau. Nhưng tại hội nghị trung ương kéo dài 4 ngày (đến ngày 29-10), Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà hoạch định chính sách quan trọng khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ nhất trí một số điểm trọng tâm của kế hoạch này.

Dưới đây là một số chủ đề quan trọng liên quan đến thị trường năng lượng và hàng hóa mà giới phân tích và các chuyên gia dự báo sẽ được thảo luận tại hội nghị.

Tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng sạch

Trung Quốc, nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ đặt ra các mục tiêu hạn chế sử dụng loại nhiên liệu hóa thạch này và thúc đẩy sự chuyển đổi sang năng lương xanh để đạt mục tiêu đưa khí thải carbon về mức zero ròng trước năm 2060.

Các chuyên gia cho rằng để đạt mục tiêu này, trước hết, Trung Quốc cần đưa tỷ trọng của than trong cơ cấu năng lượng của nước này từ mức 58% vào năm ngoái xuống mức thấp hơn 50% vào năm 2025 đồng thời khuyến khích các công nghệ sạch bao gồm công nghệ thu giữ carbon.

Trung Quốc đang đẩy mạnh sử dụng khí đốt để giảm phụ thuộc vào than đồng thời có kế hoạch xây dựng thêm 6 đến 8 lò phản ứng hạt nhân trong giai đoạn 2020-2025, nâng tổng công suất điện hạt nhân lên 70 GW. Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết để đạt các mục tiêu chuyển đổi năng lượng, Trung Quốc cần tăng công suất điện gió, điện mặt trời và năng lực trữ năng lượng 11 lần lên mức 5.030 GW vào năm 2050 so với các mức trong năm 2020.

Đến năm 2050, công suất nhiệt điện than của Trung Quốc cần giảm một nửa so với mức của năm 2019.
Trung Quốc cũng dự kiến triển khai chương trình mua bán phát thải carbon (ETS) trên toàn quốc và sẽ đặt ra các mục tiêu hạn chế các khí thải độc hại khác bao gồm methane.

Kế hoạch hiện tại của Trung Quốc là nâng tỷ trọng năng lượng phi hóa thạch lên mức 20% cơ cấu năng lượng của nước này vào năm 2020 nhưng một sự lựa chọn khác mà Trung Quốc đang xem xét là đạt mục tiêu này vào năm 2025. Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải tăng tốc nâng cao công suất năng lượng mặt trời và gió trong năm năm tới.

Hồi tháng trước, cổ phiếu của các công ty phát triển năng lượng tái tạo ở Trung Quốc tăng vọt khi giới đầu tư đặt cuộc vào triển vọng Bắc Kinh nâng các mục tiêu lắp đặt điện gió và điện mặt trời trong giai đoạn 2021-2025.

Sau khi khai trương mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt quốc gia có tên gọi PipeChina trong thời gian gần đây, Trung Quốc được dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng khí đốt vì Bắc Kinh xem đây là nhiên liệu quan trọng để làm cầu nối chuyển sang cơ cấu năng lượng xanh hơn.

Mở rộng các kho dự trữ lương thực và hàng hóa quan trọng

Nâng cao an ninh lương thực và thực phẩm ở đất nước đông dân nhất thế giới cũng sẽ là chủ đề nóng tại hội nghị trung ương ở Bắc Kinh sau khi giá thịt heo ở Trung Quốc tăng lên các mức cao kỷ lục do tác động của bệnh dịch tả heo châu Phi và sự gián đoạn của các nguồn cung quan trọng do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và đại dịch Covid-19.

Ngoài nỗ lực tái đàn heo, Trung Quốc đang xem xét mở rộng kho dự trữ lương thực, thúc đẩy sản lượng lương thực trong nước và đa đạng hóa nhà cung cấp từ thị trường quốc tế. Một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch năm năm của Trung Quốc là bảo đảm khả năng tự cung đấy đủ các nguyên vật liệu và hàng hóa quan trọng.

Bắc Kinh dự kiến sẽ phê duyệt kế hoạch mở rộng các kho dự trữ chiến lược của một loạt mặt hàng từ thịt heo, ngũ cốc cho đến đất hiếm và dầu thô. Các biện pháp bảo đảm nguồn cung các kim loại có tầm quan trọng đối vớ kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng xanh như đồng và cobalt dự kiến cũng được thảo luận tại hội nghị lần này.

Số lượng hàng hóa nắm giữa tại các kho của Cục Dự trữ chiến lược và lương thực quốc gia Trung Quốc (NFSRA) không được công bố. Tuy nhiên, gần đây, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết NFSRA đã lên kế hoạch mua 2.000 tấn cobalt (được sử dụng để sản xuất pin xe điện) sau khi đại dịch làm lộ rõ tình trạng dễ vỡ ở các nguồn cung của loại khoáng sản chiến lược này.

Ra mắt các hợp đồng hàng hóa tương lai quốc tế

Cho đến nay, Trung Quốc đã đưa vào các sàn giao dịch dịch hàng hóa nước này các hợp đồng tương lai quốc tế đối với dầu thô, cao su TSR 20, dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp, quặng sắt và axít yerephthalic tinh khiết (PTA –  một nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất các loại nhựa đa năng hiệu suất cao). Đây là một phần trong tham vọng nâng cao quyền lực định giá của Trung Quốc trên thị trường hàng hóa toàn cầu.

Trung Quốc sẽ ra mắt các hợp đồng tương lai quốc tế đối với đồng trên Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (SIEE) vào ngày 19-11 tới, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận giao dịch ở nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SFE) sẽ ra mắt hợp đồng tương lai chỉ số cước vận tải container vào năm 2021 và dự kiến sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch chỉ số này. Không chỉ vậy, Trung Quốc cũng đang có kế hoạch quốc tế hóa các hợp đồng tương lai dầu nành, bã đậu nành, dầu cọ tinh luyện.

Giới phân tích cũng đang theo dõi xem liệu tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 lần này, các lãnh đạo Trung Quốc có đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong 5 năm tới hoặc đưa ra định hướng chung về mục tiêu này hay không. Bắc Kinh đã không đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay vì các bất ổn từ đại dịch Covid-19. Kế hoạch 5 năm trước đó của Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình trên 6,5%/năm.

“Hiện tại, các dự báo của thị trường thiên về hướng Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5-5,5% mỗi năm trong 5 năm tới nhưng chúng tôi nghị rằng con số 5% sẽ hợp lý hơn vì Trung Quốc chỉ cần mức tăng trưởng hằng năm 4,5% để đạt vị thế nước có thu nhập cao vào năm 2025”, các nhà phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley nhận định.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới