Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc lên kế hoạch tiêm bổ sung vaccine Covid-19 công nghệ mRNA cho người dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc lên kế hoạch tiêm bổ sung vaccine Covid-19 công nghệ mRNA cho người dân

Chánh Tài

(KTSG Online) – Tạp chí Caixin của Trung Quốc cho biết nước này đang lên kế hoạch sử dụng vaccine Covid-19 được phát triển dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA) của một liên doanh giữa hãng công nghệ sinh học BioNTech của Đức và hãng dược phẩm Fosun Pharma của Trung Quốc để  tiêm bổ sung cho những người dân đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, được phát triển dựa vào các tác nhân bất hoạt của virus SARS-CoV-2 như vaccine của Sinovac hay Sinopharm.

Vaccine của liên doanh này có tên gọi khoa học là BNT162b2 và tên thương mại là Comirnaty. Đây cũng là vaccine Covid-19 mà BioNTech cùng hãng dược Pfizer (Mỹ) hợp tác phát triển.

Động thái này của Trung Quốc được cho là nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta của virus này, giữa lúc có những lo ngại về tính hiệu quả thấp của các vaccine Covid-19 bất hoạt.

Trung Quốc lên kế hoạch tiêm bổ sung vaccine Covid-19 công nghệ mRNA cho người dân
Vaccine Comirnaty của liên doanh Fosun-BioNTech được vận chuyển đến một nhà kho sau khi được bốc dỡ xuống từ một máy bay chở hàng ở Sân bay quốc tế Hồng Kông hồi tháng 1-2021. Ảnh: Reuters

Theo Tạp chí Tài Kinh, các cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc đã hoàn tất giai đoạn thẩm định của hội đồng chuyên môn đối với vaccine Comirnaty và giờ đây, vaccine này đang bước vào giai đoạn thẩm định tiếp theo.

Trong khi chờ đợi giới chức trách cấp phép sử dụng vaccine Comirnaty, Fosun Pharma và  BioNTech đã bắt đầu các công việc chuẩn bị cho việc sản xuất vaccine này. Hồi tháng 5, Fosun Pharma và  BioNTech thông báo kế hoạch thành lập liên doanh với tỷ lệ góp vốn 50:50 để bắt tay xây dựng nhà máy sản xuất vaccine Comirnaty ở Thượng Hải.

Fosun Pharma góp 100 triệu đô la vào liên doanh này, bao gồm tiền mặt, nhà máy và các cơ sở vật chất khác. Trong khi đó, BioNTech cũng góp 100 triệu đô la bằng công nghệ sản xuất và bản quyền sáng chế vaccine.

Liên doanh này là một phần của thỏa thuận đối tác độc quyền được thành lập hồi tháng 3-2020 giữa hai bên để phân phối vaccine BioNTech ở Trung Quốc. Kể từ đó, BioNTech đã cung cấp vaccine Comirnaty cho Fosun Pharma để công ty này tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng cũng như bán ra ở thị trường Hồng Kông và Macau.

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, Fosun Pharma đã hoàn tất cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đối với vaccine Comirnaty ở Trung Quốc, và đã bổ sung thêm dữ liệu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 thực hiện ở nước ngoài để xin cấp phép sử dụng vaccine Comirnaty khẩn cấp trong nước. Vaccine này đã được Hồng Kông cấp phép sử dụng khẩn cấp hồi tháng 1.

Tại đại hội cổ đông vào hôm 14-7, Chủ tịch Fosun Pharma, Wu Yifang cho biết liên doanh Pharma-BioNTech sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm vaccine Comirnaty vào cuối tháng 8.

Ông nói rằng nhà máy tại Thượng Hải sẽ đạt công suất 1 tỉ liều vaccine mỗi năm. Ông cho biết cùng với sự hỗ trợ của các cơ sở khác của Fosun Pharma, sản lượng vaccine Comirnaty hàng tháng có thể mở rộng từ 100 triệu liều lên 200 triệu liều.

Các nguồn tin đáng tin cậy cho biết giới chức trách Trung Quốc đang lên kế hoạch sử dụng vaccine Comirnaty để tiêm bổ sung cho những người dân đã được tiêm hai mũi vaccine bất hoạt của các nhà sản xuất Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc chưa cấp phép cho bất kỳ vaccine Covid-19 của các công ty nước ngoài.

Một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí The Lancet cho thấy những người được tiêm 2 mũi vaccine của BioNTech có hàm lượng kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 cao hơn 10 lần so với những người được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine bất hoạt của Sinovac.

Nghiên cứu này được thực hiện với 1.442 nhân viên y tế ở Hồng Kông bằng cách so sánh hàm lượng kháng thể của họ trước khi tiêm vaccine, sau khi tiêm mũi thứ nhất và sau khi tiêm mũi thứ 2.

Kết quả cho thấy chỉ số hàm lượng kháng thể trung bình của một nhóm nhỏ 12 nhân viên y tế sử dụng vaccine của BioNTech đạt 269 sau mũi tiêm thứ hai, cao gấp 10 lần so với chỉ số hàm lượng kháng thể trung bình của 12 nhân viên y tế sử dụng vaccine của Sinovac.

Tính đến ngày 1-7, Trung Quốc đã tiêm hơn 1,2 tỉ liều vaccine Covid-19, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc. Hầu hết họ được tiêm vaccine Covid-19 bất hoạt, được sản xuất bởi hãng dược sinh học Sinovac và Tập đoàn dược phẩm Nhà nước Trung Quốc, Sinopharm.

Chính phủ Trung Quốc và Đại học Hồng Kông đang nghiên cứu tính hiệu quả của việc tiêm trộn vaccine Comirnaty với các vaccine Covid-19 bất hoạt của Trung Quốc.

Ông Wu Yifang cho biết các dữ liệu hiện nay cho thấy kết quả của sự kết hợp này rất khả quan.

Mức hiệu quả ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 của các vaccine bất hoạt do Trung Quốc sản xuất dao động từ 50-80% trong các cuộc thử nghiệm và kết quả nghiên cứu thực tiễn trên thế giới, thấp hơn đáng kể so với mức hiệu quả của các vaccine sử dụng công nghệ mRNA được phát triển bởi hãng dược Moderna (Mỹ) hay liên doanh Pfizer-BioNTech. Điều này làm dấy lên các lo ngại vaccine Covid-19 bất hoạt của Trung Quốc có thể không hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến thể dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2.

Jin Dongyan, Nhà virus học phân tử ở Đại học Hồng Kông cho biết vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna có thể ngăn ngừa tất cả biến thể hiện nay của virus SARS-CoV-2 và có thể cung cấp mức độ bảo vệ cao ngay cả khi tính hiệu quả giảm xuống.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc chậm cấp phép cho vaccine Comirnaty một phần là vì ban đầu, nước này nghi ngờ về tính an toàn của các vaccine được phát triển dựa vào công nghệ mRNA.Tuy nhiên, sự trỗi dậy của biến thể Delta trong thời gian gần đây có thể khiến Bắc Kinh thay đổi lập trường.

Giữa lúc các đợt dịch bùng lên dữ dội do sự xuất hiện của biến thể Delta, một số chính phủ nước ngoài dường như mất dần niềm tin đối với các vaccine bất hoạt của Trung Quốc và tìm cách tiêm bổ sung cho người dân thêm một mũi vaccine dựa vào công nghệ mRNA của Pfizer-BioNTech hay Moderna.

Và Trung Quốc có thể nhận ra rằng vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA có khả năng củng cố nỗ lực chống dịch bệnh của nước này, cho phép tái mở cửa biên giới sớm hơn.

Theo Caixin, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới