Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc lo lắng trước viễn cảnh Anh rời EU

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc lo lắng trước viễn cảnh Anh rời EU

Chánh Tài

Trung Quốc lo lắng trước viễn cảnh Anh rời EU
Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy cuộc vận động Anh rời bỏ EU (Brexit) đang thắng thế. Ảnh: Neogaf

(TBKTSG Online) – Giới lãnh đạo và giới doanh nhân Trung Quốc đang lo sốt vó trước khả năng cử tri Anh sẽ ủng hộ Anh rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý quyết định tương lai của mối lương duyên Anh-EU vào ngày 23-6 tới vì Bắc Kinh đã đặt cược quá nhiều vốn liếng tài chính và chính trị vào London.

Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy cuộc vận động Anh rời bỏ EU (Brexit) đang thắng thế khi tỷ lệ cử tri Anh ủng hộ Anh thoát khỏi EU cao hơn tỷ lệ muốn Anh ở lại. Một doanh nhân Trung Quốc cảnh báo Brexit sẽ giống như một vụ động đất lớn.

Giới đầu tư lo lắng

Dĩ nhiên, Trung Quốc muốn Anh ở lại EU bởi nước này đã đổ những khoản đầu tư lớn vào xứ sở xương mù. Một danh sách dài các thương hiệu và các công ty ở Anh đang nhận được dòng vốn đầu tư mạnh mẽ của người Trung Quốc bao gồm công ty chế biến ngũ cốc lớn thứ hai nước Anh Weetabix, hệ thống cửa hàng bách hóa House of Fraser, hãng sản xuất xe thể thao MG cars, hai công ty điều hành sân bay Heathrow và sân bay Manchester…

Và nước Anh cũng là điểm đến đầu tư được yêu thích thứ hai của dòng vốn đầu tư Trung Quốc ở châu Âu, chỉ sau Ý. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc lo ngại các mối quan hệ hợp tác kinh tế với các công ty ở Anh sẽ tổn thương nếu Brexit xảy ra. John Zai, người sáng lập tập đoàn đầu tư mạo hiểm Cocoon Networks có trụ sở tại Thượng Hải, là một trong những số đó. Ông đang lên kế hoạch đầu tư vào những công ty công nghệ ở châu Âu, đầu tiên là ở Anh, vì vậy, Cocoon Networks vừa ký hợp đồng thuê trụ sở cũ của Sở giao dịch chứng khoán London trong 10 năm với tham vọng biến nơi đây thành trung tâm sáng tạo công nghệ lớn nhất châu Âu.

“Nếu chúng tôi có thể kết hợp công nghệ và ý tưởng của châu Âu với tiền bạc và nguồn vốn của Trung Quốc, đó sẽ là điều quá tuyệt vời," John Zai nói với vẻ sôi nổi. Tuy nhiên, các kế hoạch này có thể sụp đổ nếu cử tri Anh chọn lựa rời EU. “Điều này sẽ gây ra rất nhiều vấn đề vì Cocoon là cầu nối giữa Trung Quốc và châu Âu, chứ không phải giữa Trung Quốc với Anh hay giữa Trung Quốc với London”, ông giải thich. “Các công ty công nghệ thực sự phụ thuộc vào các nhân tài. Nếu Anh rời EU, tất cả nhân tài từ các nước EU cũng rút khỏi Anh. Mọi người luôn nói về viễn cảnh London sẽ trở thành Thung lũng Silicon mới nhưng nếu không có nguồn nhân tài từ EU, điều này sẽ không xảy ra”.

Trước đây nhiều người nuôi hy vọng nền kinh tế Anh sẽ bùng nổ nhờ mối quan hệ gần gũi giữa London và Bắc Kinh. Các thỏa thuận kinh tế trị giá hơn 56 tỉ đô la Mỹ đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 10 năm ngoái. Trong chuyến thăm đó, ông Tập khẳng định rõ rằng: Trung Quốc ủng hộ ‘một EU thống nhất’. “Trung Quốc chắc chắn muốn bán nhiều sản phẩm hơn ở thị trường Anh nhưng sẽ tốt hơn nếu họ tập trung nỗ lực đó ở khu vực sử dụng đồng euro (không bao gồm Anh)”, học giả Philippe Le Corre ở Viện Brookings Institution (Mỹ) nói. Ông cho rằng London sẽ kém hấp dẫn với các nhà đầu tư nếu chỉ có thể giới thiệu thị trường 65 triệu dân, chứ không phải 500 triệu dân của EU.

Brexit sẽ khiến TQ đặt cược nhầm ngựa

Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh quyết định đi hay ở lại EU không chỉ gây các thấp thỏm về kinh tế mà còn đặt ra những lo ngại chính trị cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong gần bốn năm cầm quyền, ông Tập đã nỗ lực vun đắp mối quan hệ gần gũi với London, có lẽ nhằm bù đắp cho những mối quan hệ trắc trở của Trung Quốc với những nơi khác. Nếu Anh rời EU, nhãn quan của ông Tập có thể bị nghi vấn. “Đang có những chỉ trích nói rằng ông ấy quá chăm bẵm các vấn đề nghi thức và ngoại giao mà không để tâm đến nền kinh tế đang trì trệ của Trung Quốc”, Yu Jie, giám đốc chương trình Trung Quốc thuộc tổ chức tư vấn ngoại giao LSE Ideas ở London, nói. “Nếu Anh rời EU, điều này không chỉ làm tổn hại quan hệ Trung Quốc-Anh mà còn gây tổn hại cho hình ảnh của Tập Cận Bình như là một lãnh đạo vững vàng vì ông đã đặt cược nhầm ngựa”, Yu Jie nhận định.

Các doanh nhân Trung Quốc cũng có thể cảm nhận rằng họ đã đặt cược nhầm ngựa. Doanh nhân John Zai của Cocoon Networks thừa nhận ông đang lo lắng. “Tôi chỉ e sợ rằng nếu chúng ta rời EU, điều này sẽ giống như một vụ động đất, một vụ động đất lớn. Thẳng thắn mà nói, tôi không hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra. Về mặt cá nhân, tôi rất lo lắng”, ông Zai nói.

Lo lắng ở London đang lan sang bộ máy lãnh đạo ở Bắc Kinh và những ai đã đầu tư tiền bạc và vốn liếng chính trị để xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Anh có lẽ sẽ trải nhiều đêm mất ngủ trước cuộc trưng cầu dân ý ở Anh.

(Theo BBC)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới