Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc: Lương tăng, giá sản phẩm tăng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc: Lương tăng, giá sản phẩm tăng?

Hạ Ninh

Các nhà kinh tế nhận định việc tăng lương tại Trung Quốc sẽ khiến giá hàng hóa sản xuất tại nước này tăng lên. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã tăng lương cho công nhân. Chính quyền một số địa phương cũng tăng lương tối thiểu cho người lao động. Từ thực tế trên, các nhà kinh tế nhận định giá hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sẽ tăng.

>>> Bắc Kinh tăng lương tối thiểu 20%

>>> Foxconn tăng lương cho nhân viên Trung Quốc

>>> Honda và các vấn đề của lao động Trung Quốc

Hiện, lương của người lao động của các nhà máy tại Trung Quốc vẫn thấp hơn so với các nhà máy tại Mỹ và châu Âu. Tại miền nam Trung Quốc, lương theo giờ chỉ khoảng 75 cent. Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc tăng lương tại Trung Quốc sẽ khuấy động kinh tế toàn cầu, khiến giá cả hàng hóa từ chiếc áo thun, đôi giày đến điện thoại di động, máy tính đều tăng.

Ông Dong Tao, nhà kinh tế tại ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), cho rằng trong 2 thập kỷ qua, hàng hóa được chuyển đến Trung Quốc sản xuất đã giúp các công ty toàn cầu hạ giá thành, khiến giá sản phẩm rẻ hơn. Việc tăng lương có thể sẽ khiến “thời đại hàng giá rẻ sẽ kết thúc”.

Các nhà phân tích cho rằng giá nhà và thực phẩm tăng cao khiến người lao động nhập cư từ nông thôn Trung Quốc phải chi tiêu nhiều hơn. Nhiều lao động này gần đây được tăng lương đến 200 đô la Mỹ/tháng, làm việc 6-7 ngày một tuần. Lý do khác khiến lương tăng, theo các nhà phân tích, là Bắc Kinh ủng hộ việc tăng lương như là một cách để kích cầu trong nước và giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào xuất khẩu giá rẻ.

Bắc Kinh hy vọng chuyển một số công ty xuất khẩu sang đầu tư công nghệ mới hoặc hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Nhiều nhà làm chính sách Trung Quốc ủng hộ lương cao vì điều này giúp giảm chênh lệch giàu nghèo.

Nhiều hãng sản xuất lớn tăng lương vì họ lo lắng việc thu hút lao động mới trong thời điểm nhiều nhà máy đang đau đầu vì thiếu lao động sẽ khó khăn. Một quan chức cấp cao của Foxconn tuần trước cho biết tốc độ thay thế lao động tại 2 khu sản xuất ở Thâm Quyến, nơi có 400.000 lao động, là 5%/tháng. Điều này có nghĩa là khoảng 20.000 lao động bỏ việc hàng tháng và các công ty cần bù đắp số lượng lao động trên.

Các chính quyền địa phương thì tăng cường quy định về môi trường và lao động, khiến giá thành hàng hóa tiếp tục tăng. Và có lẽ, rắc rối nhất cho các công ty là việc tăng giá nhân dân tệ sắp tới có thể khiến giá hàng hóa xuất khẩu đắt hơn.

Giáo sư về kinh doanh quốc tế tại Đại học Georgetown, đồng thời là tác giả cuốn “Hành trình của chiếc áo thun trong nền kinh tế toàn cầu”, bà Pietra Rivoli, cho rằng việc tăng giá lao động sẽ khiến hàng hóa giá trị thấp như dệt may có thể phải chuyển đến miền tây Trung Quốc, thậm chí sang Việt Nam hoặc Bangladesh.

Tuy nhiên, những sản phẩm điện tử kỹ thuật cao như điện thoại thông minh vẫn có thể sản xuất tại Trung Quốc vì mặt hàng này có lợi nhuận cao và Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng tinh vi và hệ thống kiểm soát có chất lượng. Bà Rivoli nói: “Lao động là chuyện nhỏ với ngành này. Tiền đầu tư nằm trong thiết kế, tiếp thị và hệ thống phân phối phức tạp, bao gồm các cửa hàng bán lẻ. Thí dụ như Apple, họ thuê các cửa hàng tại trung tâm mua sắm và đầu tư khá tốn kém”.

Tuy nhiên, việc tăng lương được cho là sẽ tác động theo nhiều tầng nấc đến các chuỗi cung cấp, dẫn đến việc nhiều công ty phải tăng giá sản phẩm. Đối với các nhà xuất khẩu chỉ đơn giản sản xuất theo đơn đặt hàng của các nhãn hiệu toàn cầu, lợi nhuận khung khá ít, tăng giá thành sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh.

Theo các nhà kinh tế, tái cấu trúc cần được thực hiện nhằm cho phép đất nước có dân số lớn, lượng lao động khổng lồ được chia sẻ phúc lợi từ tăng trưởng và kích thích tiêu thụ nội địa. Các quan chức Mỹ và châu Âu đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ cải thiện kinh tế toàn cầu bằng cách tiêu thụ thêm hàng hóa và giảm tình trạng thặng dư thương mại khổng lồ tại nước này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng tăng giá lao động không đặt dấu chấm hết cho hàng hóa giá rẻ tại Trung Quốc nhưng sẽ giúp thay đổi sản xuất tại nước này. “Trung Quốc không mất đi cơ sở sản xuất vì nước này có thị trường nội địa khổng lồ. Sự thay đổi sẽ đưa họ đến sản xuất hàng hóa cao cấp hơn, đáp ứng tham vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, không muốn trở thành nơi trưng bày sản phẩm mà muốn là nhà sản xuất hàng công nghệ cao”, Mary Gallagher, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc học của Đại học Michigan nhận định.

(theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới