Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến lạm phát toàn cầu gia tăng

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sự thay đổi đường lối trong chính sách zero Covid của Trung Quốc hứa hẹn sẽ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng một số chuyên gia lại lo ngại rằng việc mở cửa trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể nâng cao lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu giảm bớt.

Các chuyên gia dự báo sau khi mở cửa trở lại Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu nhiên liệu, có thể chiếm 47% tổng nhu cầu toàn cầu trong năm tới. Giá dầu có thể bị đẩy lên 100 đô la Mỹ/thùng từ mức 80 đô la Mỹ hiện nay.

Tiêu dùng trong nước và du lịch sẽ bùng nổ

Các doanh nghiệp Trung Quốc mở cửa sản xuất trở lại, có thể khiến giá các nguyên liệu hàng hóa như sắt thép, vật liệu xây dựng, nhiên liệu… tăng mạnh. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn mở cửa trở lại với thế giới bên ngoài, đang chật vật với số lượng ca nhiễm mới đang tăng hàng ngày và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Việc duy trì những nguyên tắc chống dịch hà khắc trong suốt ba năm dài đã gây gián đoạn kinh tế rất lớn, làm giảm nhu cầu về dầu, khí đốt và nguyên liệu thô bởi Trung Quốc là nhà nhập khẩu ròng lớn nhất các loại hàng hóa này.

GDP Trung Quốc tăng 3,9% trong quí 3 vừa rồi, bật tăng từ mức 0,4% trong quí 2. Nền kinh tế bị chính sách chống dịch siết chặt, đồng thời thị trường bất động sản trong nước cũng suy sụp.

Các nhà phân tích cho rằng bất ổn vẫn còn đó bởi tình trạng lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng. Nhưng với chính sách mới là chấp nhận chung sống với Covid có thể dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của tiêu dùng và du lịch.

Các tác động dây chuyền đã xuất hiện trên toàn thế giới một năm sau khi Nga đưa quân vào Ukraine thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt”, khiến thị trường hàng hóa toàn cầu đứt gãy, giá cả tăng vọt. Dù vậy, tình trạng này đã dịu đi trong những tuần gần đây.

Các hoạt động sản xuất được khôi phục ở Trung Quốc có thể đẩy tổng nhu cầu năng lượng tăng 3,3 triệu thùng dầu quy đổi mỗi ngày vào năm 2023, so với mức không tăng trong năm nay, theo báo cáo của S&P Global Commodity Insights về triển vọng năng lượng trong năm 2023. Dan Klein, người theo dõi thị trường năng lượng của S&P, cho rằng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ chiếm 47% tổng nhu cầu tăng trưởng toàn cầu vào năm tới, khiến giá nhiên liệu bị đẩy lên cao.

“Chính sách Covid của Trung Quốc là yếu tố cơ bản quan trọng nhất đối với nhu cầu hàng hóa và năng lượng toàn cầu trong năm 2023, bởi nhu cầu của nước này yếu đi do phong tỏa phòng dịch trong năm 2022. Đây là một van an toàn quan trọng đối với thị trường dầu mỏ, khí đốt và than đá, trong khi châu Âu vẫn đang tranh giành nguồn năng lượng để thay thế nguồn cung từ Nga”, Klein nhận xét.

Ông cũng cho rằng các biện pháp hạn chế Covid cuối cùng, như cách ly tám ngày đối với khách nhập cảnh, có thể được gỡ bớt trong năm 2023. Ông dự báo “nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ tăng trở lại”.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Gary Ng thuộc ngân hàng đầu tư Natixis cũng có kỳ vọng tương tự. Ông dự đoán lượng khách du lịch quốc tế và nội địa sẽ tăng đột biến khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn. Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ này có thể đẩy giá dầu trong quí 2-2023 lên đến 100 đô la Mỹ/thùng, so với mức giá khoảng 80 đô la Mỹ hiện nay và đang có xu hướng giảm.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ có tác động đến lạm phát toàn cầu nếu họ mở cửa. Trung Quốc luôn là một nhà mua hàng hóa lớn”, Ng nói với Nikkei Asia.

Một số nhà quan sát dự đoán thị trường nhà ở, với doanh số bán nhà mới giảm 25% trong 10 tháng đầu năm 2022, có thể phục hồi chậm khi nhu cầu quay trở lại. Các nới lỏng trong chính sách zero Covid cùng hàng loạt biện pháp giải cứu thị trường bất động sản được Bắc Kinh công bố vào tháng trước có thể thúc đẩy niềm tin của người mua.

Tác động lạm phát toàn cầu

Một công trường xây dựng ở Thượng Hải. Sự hồi phục của thị trường bất động sản và các lĩnh vực khác ở Trung Quốc có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu. Ảnh: Reuters

“Nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ, hoạt động xây dựng bất động sản có thể tăng lên, giá nguyên liệu thô như thép, đồng và các vật liệu xây dựng khác cũng sẽ tăng theo”, Ng nói.

Điều này sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát do các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tiến hành. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 14-12 đã báo hiệu rằng sẽ đưa ra nhiều đợt tăng lãi suất hơn vào năm tới. Fed nói rằng lạm phát vẫn chưa được kiểm soát.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc Trung Quốc mở cửa “cuối cùng có thể cản trở chuỗi cung ứng và điều đó có thể đẩy lạm phát ở phương Tây lên cao”. Tuy nhiên, Chủ tịch Powell cũng đã hạ thấp rủi ro khi nói “có vẻ như hiệu ứng ròng tổng thể sẽ không quan trọng đối với chúng tôi”.

Jin Zhang, giám đốc danh mục đầu tư của hãng quản lý tài sản Vontobel Asset Management có trụ sở tại New York, nhận định: “Sau khi mở cửa trở lại, Trung Quốc sẽ nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và đảm bảo nguồn cung cấp lương thực có thể giúp giữ cho lạm phát ở mức ‘có thể kiểm soát được’”. Zhang cũng nói rằng ông “không lo lắng lắm” về khả năng lạm phát ở Trung Quốc vì Bắc Kinh “đã quản lý khá cẩn thận các tình huống vĩ mô của nền kinh tế”.

Zhang đã chỉ ra các nỗ lực nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng bao gồm thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện và mua các loại năng lượng khác nhau từ các quốc gia khác nhau, chẳng hạn chuyến thăm Trung Đông gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này sẵn sàng tăng cường phối hợp với Saudi Arabia về chính sách năng lượng và thăm dò.

Trung Quốc nỗ lực đưa doanh nghiệp tìm thị trường xuất khẩu mớiChính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các công ty trong nước mở rộng xuất khẩu sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách phòng dịch. Ít nhất có 9 tỉnh, bao gồm Quảng Đông, Triết Giang và Giang Tô, đang hỗ trợ kinh phí cho hàng trăm doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu tham dự các triển lãm quốc tế để lấy các đơn hàng nước ngoài.Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tổ chức các dịch vụ rộng rãi như vậy cho doanh nghiệp ở cấp chính phủ kể từ sau đại dịch. Một số chính quyền địa phương thậm chí còn tổ chức các chuyến bay thuê bao để đưa các doanh nhân ra nước ngoài.Giáo sư kinh tế John Gong tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng: “Điều đó cho thấy các chính quyền địa phương này đang tuyệt vọng và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thực sự. Chính phủ Trung Quốc đang tận dụng những cơ hội này để đưa ra thông điệp rằng Trung Quốc đã chuẩn bị mở cửa trở lại. Đây là một khởi đầu tốt và một cử chỉ tốt, mặc dù không rõ liệu những sáng kiến ​​này có mang lại sự gia tăng đáng kể trong đơn đặt hàng hay không”.Xuất khẩu là động lực tăng trưởng lớn nhất của Trung Quốc trong hai năm qua. Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc tính theo đồng đô la Mỹ đã giảm 8,7% trong tháng 11 so với một năm trước do Bắc Kinh tiếp tục thắt chặt các biện pháp chống Covid trước khi nước này đột ngột thay đổi chính sách chống dịch trong tuần rồi.Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, cho biết ông dự đoán tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ “vẫn khá yếu” trong vài tháng tới do tăng trưởng nhập khẩu nguyên liệu gia công và lắp ráp trong tháng 11 giảm mạnh. Đây là các chỉ dấu cho tăng trưởng xuất khẩu.Theo Nikkei Asia, Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới