Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc: Mua hàng qua mạng, thứ gì cũng có

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc: Mua hàng qua mạng, thứ gì cũng có

Triệu Minh

(TBVTSG) – Ngày nay, người tiêu dùng Trung Quốc mua qua mạng không chỉ các loại hàng hóa để sử dụng thường nhật, như quần áo và thức ăn nhanh, mà còn có cả máy chụp ảnh, máy tính xách tay và những loại hàng hóa xa xỉ khác, như kim cương, xe hơi…

Các nhà kinh doanh qua mạng Internet Trung Quốc gọi đây là thế hệ người tiêu dùng mới, những người xem việc mua sắm qua mạng là một xu hướng tất yếu vì hết sức tiện lợi.

Liu Dun, 21 tuổi, sinh viên trường đại học Tsinghua, đã mua qua trang Aibang.com một chiếc vé xem giải gôn ở Bắc Kinh với giá chỉ 20 nhân dân tệ (yuan), trong khi giá bán thông thường là 1.000 tệ. Liu Dun cho biết việc đặt vé diễn ra khá nhanh chóng và đặc biệt là giá rẻ nên hầu như sinh viên nào cũng thích.

Jin Dong, một nhân viên tiếp thị 25 tuổi người Trung Quốc, cho biết anh thích mua hàng trên mạng vì tiết kiệm được thời gian và công sức, điều thú vị nữa là cũng không phải đặt cọc như khi mua ở các đại lý mà chỉ cần giao tiền đủ khi nhận hàng. Cách đây không lâu, anh đã mua một chiếc Focus do hãng Ford Motor liên doanh với Changan Motor Corp sản xuất với giá 120.000 tệ, tương đương 17.720 đô-la Mỹ, qua trang web cheshi.com – một trong những trang web kinh doanh trực tuyến xe hơi nổi tiếng ở Trung Quốc, cũng như vậy.

Liu Dun và Jin Dong chỉ là hai trong số rất nhiều người thuộc thế hệ người tiêu dùng mới ở Trung Quốc, những người thích mua hàng qua mạng vì nhanh chóng, rẻ và tiện lợi.

Cứ 10 người, có một người mua hàng trực tuyến

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho biết, đến cuối tháng Sáu vừa qua, cộng đồng mạng ở nước này có khoảng 420 triệu cư dân. Chỉ trong nửa đầu năm, “đội quân” mua sắm qua mạng ở Trung Quốc đã có thêm gần 34 triệu người, nâng tổng số lên đến 142 triệu người. Nghĩa là cứ mười người Trung Quốc thì có một người mua sắm trên mạng.

Theo số liệu của tập đoàn Alibaba, chủ sở hữu của trang thương mại điện tử toàn cầu Alibaba.com, mức bán lẻ hàng hóa qua mạng đã tăng 117% hằng năm từ năm 2007 đến năm 2009 và sẽ đạt 450 tỷ nhân dân tệ (66,45 tỷ đô-la Mỹ) trong năm nay. Mạng Internet của Trung Quốc đang chuyển từ việc cung cấp thông tin và trao đổi ý kiến sang mạng lưới đa ứng dụng và dành cho cộng đồng. Kinh doanh thương mại phát triển rầm rộ, người Trung Quốc vốn nhanh nhẹn với chuyện kinh doanh đã kịp mang lên mạng gần như tất cả các loại hàng hóa từ nhu yếu phẩm cho tới những loại hàng đặc biệt tế nhị với nền văn hóa của một nước châu Á hay các loại hàng mà xưa nay chỉ có ở những trung tâm bán hàng cao cấp.

Từ “mặt hàng tế nhị”

Wen Zhenhua, Giám đốc tiếp thị của trang web mua bán www.meituan.com, cho rằng thành công lớn nhất của cô là kinh doanh thêm được mặt hàng bao cao su trên meituan.com. Khoảng 50.000 chiếc bao cao su nhãn hiệu quốc tế đã được bán ra trong vòng vài giờ sau khi Wen mở cửa hàng. Giá bán của mỗi chiếc bao cao su ở đây là 1 tệ, thấp hơn so với giá bán ngoài thị trường 3 tệ. Nhiều khách mua hàng cho Wen biết ở Trung Quốc, việc kinh doanh loại hàng này là rất hiếm hoi. “Là trang web đầu tiên trong nước kinh doanh mặt hàng tế nhị này, chúng tôi rất hài lòng với phản hồi của khách hàng”, Wen nói. Meituan hiện là một trong những trang web mua bán nhộn nhịp nhất ở Trung Quốc chỉ trong vòng bốn tháng sau khi thành lập.

… Đến xe hơi

Xe hơi cũng là mặt hàng được xếp vào hàng xa xỉ, bên cạnh kim cương, được bán nhiều trên mạng Internet trong gần hai năm nay. Nhu cầu về xe hơi ở Trung Quốc ngày càng cao do hạ tầng giao thông ở các khu đô thị được cải tiến tốt hơn, đời sống của người dân cũng cao hơn. Công ty tư vấn thị trường của Pháp Capgemini cho biết đã thực hiện một cuộc khảo sát ở tám quốc gia gồm cả Trung Quốc và kết quả là có gần 40% trong hơn 3.000 người nói sẽ mua xe hơi qua mạng. Theo một bản báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc, số xe bán được ở nước này trong nửa đầu năm nay đã lên đến 9 triệu chiếc, trong khi cả năm 2009, thị trường này chỉ tiêu thụ 13,6 triệu chiếc.

Rất nhiều trang web kinh doanh xe hơi trực tuyến được chào đời cùng với rất nhiều chính sách kích thích việc mua bán xe qua mạng. Tuy nhiên, những người mua xe qua mạng hiện nay không may mắn như chàng nhân viên Jin Dong đã nói ở trên vì phần lớn họ đều được yêu cầu đặt cọc khi mua xe qua mạng. Ví dụ, mức đặt cọc trung bình cho một chiếc Mazda 6 là 2.000 tệ.

Geely, nhà sản xuất xe hơi tư nhân lớn nhất Trung Quốc, tuyên bố từ năm tới sẽ bắt đầu bán xe hơi qua mạng của Alibaba.com – với hình thức thanh toán qua hệ thống thanh toán trực tuyến Alipay cũng của Alibaba Group. Liu Jinliang, Phó chủ tịch của Geely, cho biết công ty đã có nhiều năm nghiên cứu về thương mại điện tử và hiện đang xây dựng hệ thống sao cho tốt để ngay trong tháng đầu ra mắt trang web của họ phải bán được 1.000 chiếc xe. Về lâu dài, Geely có thể sẽ thiết lập hệ thống thanh toán trực tuyến riêng cho việc kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, Geely không phải là nhà sản xuất xe hơi duy nhất ở Trung Quốc tìm cơ hội kinh doanh trên mạng Internet. “Một số nhà sản xuất muốn tung ra các chương trình khuyến mãi hay các hình thức ưu đãi cho những khách hàng đặt mua xe qua mạng”, Giám đốc tiếp thị Wang Chen của trang web thương mại điện tử Cheshi.com nói. Sau khi đặt hàng qua mạng, khách hàng sẽ đến các chi nhánh đại lý để thanh toán tiền và nhận xe.

Mỗi tháng Bitauto.com, một trong những trang web kinh doanh xe hơi lớn nhất ở Trung Quốc, nhận được 50.000 yêu cầu rất “tích cực” từ khách hàng trực tuyến. Sina.com, một cổng thương mại điện tử lớn khác của Trung Quốc, đã mở gian hàng bán xe hơi từ năm ngoái, nhưng ở trang này người đặt mua xe phải trả tiền đặt cọc, nhưng bù lại các nhà sản xuất đã đưa ra những khoản ưu đãi khác mà ở các cửa hàng bán xe truyền thống không có. Nhiều trang web còn ứng dụng công nghệ hình ảnh 3D và tạo các cửa hàng ảo nên tạo được ấn tượng thân thiện và hấp dẫn nơi người xem. Những trang web 3D như vậy có thể đón đến 10.000 lượt khách hàng viếng thăm mỗi ngày.

Theo thống kê của Iresearch, một công ty chuyên về tư vấn thị trường trực tuyến, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử ở Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm nay đạt 2,25 ngàn tỷ nhân dân tệ, trong đó hơn 10% là từ việc mua hàng trực tuyến. Kết quả khảo sát của Iresearch cũng cho biết có hơn 100 triệu người Trung Quốc đã từng mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, Zhang Yanping, người đại diện của Iresearch, cho rằng trong vòng từ ba đến năm năm nữa, việc mua xe qua mạng mới được chấp nhận rộng rãi ở nước này. Hiện tại, cư dân mạng vẫn chuộng hình thức tham khảo và đặt hàng qua mạng, sau đó thanh toán trực tiếp khi nhận hàng.

(Tân Hoa Xã, ChinaDaily)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới