Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc mua thế giới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc mua thế giới

Trần Phi

Minh họa của báo Economist về xu thế mua tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc

(TBKTSG) – Tận dụng cơ hội do khủng hoảng tài chính mang lại, các tập đoàn kinh tế quốc doanh của Chính phủ Trung Quốc đang ra sức thâu tóm các công ty ở nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực nguyên liệu và nhiên liệu. Điều đó đang gây nên mối lo ngại ở nhiều nước; song theo báo Economist, không nên cự tuyệt đầu tư của Trung Quốc.

Về lý thuyết, trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, ai nắm quyền sở hữu doanh nghiệp thì chẳng quan trọng gì. Nhưng trong thực tế, nó thường gây tranh cãi. Từ làn sóng các công ty Nhật Bản mua các công ty Mỹ vào thập niên 1980 và hãng Vodafone (Anh) mua lại Công ty Điện thoại Mannesmann (Đức) năm 2000 cho đến những phi vụ gần đây của các quỹ đầu tư tư nhân, việc mua lại doanh nghiệp thường gây nên những nỗi quan ngại tầm cỡ quốc gia.

Những nỗi lo ngại như thế sẽ gia tăng hơn nữa trong những năm sắp tới vì các công ty quốc doanh Trung Quốc đang ra sức vung tiền mua sắm. Khách hàng Trung Quốc – hầu hết là không rõ ràng, thường do nhà nước chỉ đạo, và đôi khi hành động vì chính trị lẫn lợi nhuận – đã chiếm đến 10% giá trị các thương vụ mua bán xuyên biên giới năm nay. Họ đấu thầu mua mọi thứ, từ công ty xăng dầu ở Mỹ và hệ thống truyền tải điện ở Brazil cho đến cả công ty xe hơi Volvo của Thụy Điển.

Vì thế sự nổi lên một làn sóng chống đối xu hướng này là điều dễ hiểu. Một số người lập luận rằng, ý tưởng giới tư bản chủ nghĩa nên cho phép giới xã hội chủ nghĩa mua lại các công ty là đưa chủ nghĩa tự do kinh tế tới một thái cực lố bịch. Thế nhưng đó chính là điều họ nên làm vì sự bành trướng của luồng tiền Trung Quốc có thể mang lại lợi nhuận cho các nước tiếp nhận, và cho cả thế giới nữa.

Tại sao Trung Quốc thì khác?

Cách đây chưa lâu, các công ty do chính phủ kiểm soát được coi là các thực thể chưa hoàn thiện và rồi sẽ được tư nhân hóa hoàn toàn. Thế nhưng một sự kết hợp các nhân tố – tiền tiết kiệm được nhiều trong thế giới mới nổi, tài sản từ dầu mỏ và sự thiếu tự tin vào mô hình thị trường tự do – đã dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản nhà nước. Khoảng một phần năm giá trị của thị trường chứng khoán toàn cầu hiện nằm trong tay các công ty nhà nước như vậy, hơn gấp đôi so với cách đây mười năm.

Trước đây, thế giới giàu đã hào phóng chấp nhận sự trỗi dậy của các nền kinh tế trọng thương: hãy xem sự phát triển do nhà nước dẫn dắt ở Hàn Quốc hay các doanh nghiệp do chính phủ kiểm soát ở Singapore, vốn rất năng nổ trong việc mua lại các công ty ở các quốc gia khác. Nhưng Trung Quốc thì khác. Nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai và sắp sửa bắt kịp Mỹ. Các công ty khổng lồ của Trung Quốc cho đến nay vẫn khép kín và hướng nội, nhưng đã bắt đầu sử dụng các nguồn lực khổng lồ của mình ở nước ngoài.

Các công ty Trung Quốc hiện chỉ mới nắm được 6% tổng đầu tư trong kinh doanh quốc tế. Xét về lịch sử, các nước đứng đầu chiếm tỷ lệ lớn hơn rất nhiều. Năm 1914, Anh đứng đầu với 50% tổng đầu tư toàn cầu và đến năm 1967, Mỹ vượt lên mức 50% đó. Sự trỗi dậy tự nhiên của Trung Quốc có thể được thúc đẩy nhờ nguồn vốn lớn. Hiện tại phần lớn nguồn vốn của Trung Quốc được đầu tư vào trái phiếu chính phủ của các nước giàu; trong tương lai nó có thể được dùng để mua các công ty và bảo vệ Trung Quốc chống lại sự phá giá của các nước giàu, hay sự cố vỡ nợ có thể xảy ra.

Các công ty Trung Quốc đang vươn ra thế giới với các lý do thông thường: giành nguyên liệu thô, lấy bí quyết công nghệ và tiếp cận thị trường nước ngoài. Thế nhưng các công ty này đang chịu sự chỉ đạo của một nhà nước mà nhiều quốc gia khác vẫn luôn coi là một đối thủ cạnh tranh chiến lược, chứ không phải là một đồng minh. Nhà nước Trung Quốc bổ nhiệm nhân sự điều hành các tập đoàn, chỉ đạo các hợp đồng và tài trợ cho các hợp đồng này qua các ngân hàng quốc doanh. Một khi đã bị Trung Quốc mua, các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên sẽ trở thành những nhà cung cấp lệ thuộc vào Trung Quốc mà không thể bán hàng cho ai khác. Cũng có một số người tin rằng công ty Trung Quốc còn có thể có mục đích hơn thế; chẳng hạn, người Mỹ cho rằng các công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Các công ty tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối lợi nhuận của công cuộc toàn cầu hóa. Họ vươn ra khắp thế giới, phân phối nguồn tài nguyên theo cách phù hợp và cạnh tranh để giành khách hàng. Ý tưởng về một chính phủ không minh bạch có thể xuất hiện và chi phối chủ nghĩa tư bản toàn cầu là điều không thuyết phục. Khi ấy các nguồn lực sẽ do các quan chức phân bổ, chứ không phải do thị trường. Chính trị, chứ không phải lợi nhuận, sẽ lèo lái các quyết định. Những lo ngại như vậy đang được bày tỏ, ngày càng hăng hái. Úc và Canada, một thời từng mở cửa thị trường cho việc mua lại các công ty, nay đang dựng lên những rào cản cho các công ty quốc doanh Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên. Và cũng dễ nhận thấy các quốc gia khác cũng ngày càng trở nên thận trọng với các công ty quốc doanh Trung Quốc.

Nhưng biết đâu đó lại là một sai lầm. Còn lâu Trung Quốc mới có thể trở thành mối đe dọa: hầu hết các công ty của nước này chỉ mới bắt đầu đặt chân ra nước ngoài. Ngay cả trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, nơi Trung Quốc tỏ ra xông xáo nhất, họ cũng chưa đến mức kiểm soát đủ nguồn cung để thao túng thị trường của hầu hết các loại hàng hóa.

Mà hệ thống Trung Quốc cũng không bất di bất dịch như người ngoài thường nghĩ. Các công ty quốc doanh Trung Quốc cũng cạnh tranh với nhau ở thị trường trong nước và việc ra quyết định của các công ty này mang tính đồng thuận hơn là độc đoán. Khi ra nước ngoài các công ty này có thể có các động cơ phức tạp, và một số khối ngành – chẳng hạn như quốc phòng và cơ sở hạ tầng chiến lược – do quá nhạy cảm, không nên cho họ thâm nhập. Nhưng những lĩnh vực đó lại tương đối ít.

Vậy điều gì xảy ra nếu các công ty nhà nước của Trung Quốc mua lại doanh nghiệp vì mục tiêu chính trị chứ không phải là lợi nhuận? Chừng nào các công ty khác có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, thì điều đó không thành vấn đề. Các công ty Trung Quốc có thể được cho phép sở hữu các công ty năng lượng chẳng hạn trong một thị trường cạnh tranh mà khách hàng có thể quay sang các nhà cung cấp khác. Và nếu các công ty Trung Quốc tung các khoản vốn được trợ cấp này ra khắp thế giới, thì điều đó là điều tốt. Châu Mỹ và châu Âu có thể sử dụng các khoản tiền đó. Mối nguy hiểm do dòng tiền giá rẻ của Trung Quốc làm xói mòn các đối thủ cạnh tranh có thể giải quyết tốt hơn bằng cách tăng cường luật cạnh tranh hơn là từ chối khoản đầu tư đó.

Không phải mọi công ty Trung Quốc đều do chính phủ chỉ đạo. Một số công ty tương đối độc lập và chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận. Thường thì các công ty này hướng tới thị trường nước ngoài. Công ty xe hơi Geely, người chủ mới của hãng Volvo, là một ví dụ. Volvo hiện có thể bán thêm nhiều xe ở Trung Quốc, mà nếu không có vụ sáp nhập với Geely thì tương lai của hãng xe này có thể rất ảm đạm.

Một chút tự tin

Doanh nghiệp Trung Quốc có thể mang nguồn vốn mới và năng lượng mới tới các công ty đang trì trệ khắp nơi trên thế giới nhưng sự ảnh hưởng sẽ không chỉ theo hướng một chiều. Để thành công ở nước ngoài, các công ty Trung Quốc sẽ phải thích nghi. Điều này có nghĩa là họ phải thuê mướn các nhà quản lý địa phương, đầu tư vào các cơ sở nghiên cứu ở địa phương và xoa dịu các mối quan ngại của cư dân địa phương – chẳng hạn bằng cách sử dụng các công ty phụ trợ ở địa phương. Các doanh nghiệp Ấn Độ và Brazil có lợi thế ở nước ngoài hơn doanh nghiệp Trung Quốc nhờ tố chất thiên về doanh nghiệp tư nhân và nền văn hóa cởi mở hơn.

Sự tiến bộ của Trung Quốc có thể mang lợi ích vượt ra khỏi khía cạnh thương mại hạn hẹp. Khi nước này đầu tư vào nền kinh tế toàn cầu, lợi ích của Trung Quốc sẽ gắn chặt hơn với phần còn lại của thế giới; và khi điều đó xảy ra, nhiệt tình hợp tác quốc tế của Trung Quốc sẽ tăng lên. Cự tuyệt sự tiến bộ của Trung Quốc có thể là gây hại cho các thế hệ tương lai, cũng như đưa ra một thông điệp hết sức bi quan về sự tự tin của bản thân chủ nghĩa tư bản.

(Theo Economist)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới