Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc nắm giữ đa số cổ phần Công ty Truyền tải điện Lào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc nắm giữ đa số cổ phần Công ty Truyền tải điện Lào

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Hãng tin Reuters ngày 4-9 dẫn các nguồn tin cho biết, Lào đã ký thỏa thuận nhường quyền kiểm soát cổ phần đa số ở một công ty vận hành lưới điện của nước này cho Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc.

Trung Quốc nắm giữ đa số cổ phần Công ty Truyền tải điện Lào
Các đại diện của Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG) và Tổng Công ty điện lực nhà nước Lào (EDL) bắt tay tại lễ ký kết thỏa thuận cổ đông để thành lập Công ty Truyền tải điện Lào (EDLT) ở Vientiane, Lào hôm 1-9. Ảnh: Tân Hoa xã.

Thỏa thuận nói trên diễn ra giữa lúc có nhiều ý kiến cáo buộc Bắc Kinh sử dụng chiến thuật ‘ngoại giao bẫy nợ’ để giành lợi thế chiến lược ở những nước gặp khó khăn trong việc trả cho Trung Quốc các khoản vay tại các dự án thuộc sáng kiến ‘Vành đai, con đường’.

Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào và thỏa thuận trên sẽ khiến đất nước bảy triệu dân phụ thuộc hơn vào nước láng giềng khổng lồ. Trước đó, tờ Financial Times cho hay các quan chức Bộ Tài chính Lào đã thương lượng tái cơ cấu nợ với Trung Quốc.

Tân Hoa xã cho hay thỏa thuận chia sẻ cổ phần ở lưới điện của Lào được Tổng Công ty điện lực nhà nước Lào (EDL) và Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG) ký kết vào ngày 1-9 tại Vientiane. Tuy nhiên, bản tin của Tân Hoa xã không tiết lộ chi tiết về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của mỗi bên.

Ba nguồn tin nắm rõ nội dung thỏa thuận cho biết Lào sẽ nhường quyền kiểm soát cổ phần đa số ở một công ty mới có tên gọi Công ty Truyền tải điện Lào (EDLT) cho CSG. 

Xuất khẩu điện là vấn đề trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế của Lào. Một nguồn tin nói: “Thỏa thuận này sẽ cho phép EDLT mặc cả giá bán điện tốt hơn với ca nước trong khu vực và bắt đầu thu lợi nhuận”.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Lào cho biết Lào sẽ vẫn điều hành hoạt động mạng lưới điện của nước này nhưng Lào “có thể dần mua lại cổ phần” mà CSG nắm giữ ở EDLT.

Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào, Khammany Inthirath, gọi EDLT là một dự án quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa ở Lào và sẽ được hưởng lợi nhờ ‘kinh nghiệm, công nghệ và nguồn nhân lực’ của CSG. EDLT hoạt động dưới sự quản lý của chính phủ Lào nhưng sẽ tận dụng được sức mạnh tài chính, kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và quản lý lưới điện của CSG.

Theo tờ Vientiane Times (Lào), EDLT sẽ đầu tư khoảng 2 tỉ đô la Mỹ cho các lưới điện địa phương và kết nối quốc tế. Với tham vọng trở thành ‘bình ắc quy của Đông Nam Á’, Lào đã đầu tư rất nhiều cho hàng loạt dự án thủy điện, trong số đó, nhiều dự án được Trung Quốc tài trợ vốn.

Nhưng các dự án này cùng với một dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng căng thẳng nợ công ở Lào.

Hồi tháng 6, Ngân hàng Thế giới ước tính nợ công của Lào sẽ lên mức 68% GDP của nước này trong năm 2020, tăng so với mức 59% hồi năm ngoái. Tháng trước, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s cảnh báo Lào đối mặt nguy cơ vỡ nợ trong ngắn hạn ngày càng lớn.

Cho đến nay, Lào chỉ ghi nhận 22 ca nhiễm Covid-19 và không có ca tử vong nào. Nhưng đại dịch này đã gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch và nguồn kiều hồi của Lào.

Moody’s cho biết Lào sẽ phải trả 1,2 tỉ đô la Mỹ cho các khoản nợ vay các ngân hàng thương mại và trái phiếu phát hành ở Thái Lan đáo hạn vào tháng 9 và tháng 10 tới. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của Lào chỉ còn 864 triệu đô la trong tháng 6.

Các nguồn tin cho biết các công ty Trung Quốc tham gia các dự án thủy điện ở Lào nằm trong số những công ty đã bị Lào trì hoãn trả nợ. Họ cho biết Trung Quốc đang cân nhắc cho phép Lào hoãn trả một phần trong tổng nợ của Lào với Trung Quốc.

Toshiro Nishizawa, giáo sư ở Trường sau đại học về chính sách công thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản) và là thành viên của đội ngũ cố vấn chính sách tài khóa của chính phủ Lào, nhận định: “Về kinh tế, Lào sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và đây là điều không thể tránh khỏi”.

Lào có thể xin hỗ trợ từ chương trình giãn nợ và hỗ trợ tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), được thiết kế để giúp các nước thành viên gặp khó khăn tài chính do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, hai nhà ngoại giao phương Tây cho biết Lào muốn tìm giải pháp với Trung Quốc hơn vì một thỏa thuận với IMF sẽ đòi hỏi sự minh bạch tài chính lớn hơn.

Tân Hoa xã dẫn số liệu từ chính phủ Lào cho biết tổng giá trị đầu tư của Trung Quốc ở ngành điện, giao thông và một khu kinh tế biên giới cùng các dự án khác ở Lào là hơn 10 tỉ đô la, gấp đôi so với Thái Lan, nhà đầu tư lớn thứ hai ở Lào.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới