Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc: nội-ngoại cạnh tranh quyết liệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc: nội-ngoại cạnh tranh quyết liệt

Các thương hiệu trong và ngoài nước Trung Quốc chen nhau trong một siêu thị ở Bắc Kinh.

(TBKTSG Online) – Khi doanh số xuất khẩu sụt giảm, doanh nghiệp Trung Quốc phải ra sức cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia ngay trên sân nhà để giành thị phần, buộc một số tập đoàn nước ngoài phải thay đổi chiến lược.

Trong ba thập niên qua, trên khắp đất nước Trung Quốc đã mọc lên hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ, sản xuất từ cây đinh tới chiếc máy lạnh.

Vì cuộc cạnh tranh trên thị trường nội địa hết sức khốc liệt, nhiều doanh nghiệp – cả doanh nghiệp Trung Quốc lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – đều cố vươn ra thị trường quốc tế, coi xuất khẩu là hướng kinh doanh chủ yếu. Giờ đây, khi phương Tây thắt lưng buộc bụng, các doanh nghiệp này lại quay về, giành giật nhau quyết liệt trong việc thu hút người tiêu dùng vốn quen dè sẻn của Trung Quốc.

Frank Rexach, giám đốc châu Á của Công ty đồ gỗ Haworth có trụ sở tại bang Michigan, Mỹ, than thở: “Nhiều đối thủ cạnh tranh đột ngột xuất hiện cứ như từ trên trời rơi xuống”. Các đối thủ này, theo ông Frank Rexach, trước kia chỉ chuyên cung cấp sản phẩm cho các chuỗi siêu thị Wal-Mart và Office Depot của Mỹ.

Ngày 5-2 vừa qua, tập đoàn máy tính Lenovo (Trung Quốc) công bố thay vị tổng giám đốc người Mỹ và tập trung vào thị trường nội địa. Hồi tháng 10-2008, một khách hàng Nga hủy bỏ đơn đặt hàng 50.000 chiếc ti-vi, buộc Công ty điện tử Skyworth (Trung Quốc) phải bán tháo số hàng này ra thị trường nội địa.

Còn Công ty thời trang Meng Qiren tại Quảng Đông, chuyên cung cấp áo khoác cho tập đoàn Polo Ralph Lauren và các hãng thời trang phương Tây khác, đang đẩy mạnh việc đưa hàng vào các siêu thị và cửa hiệu cao cấp khắp Trung Quốc.

Sự chuyển dịch này đe dọa các tập đoàn công nghiệp nước ngoài, vốn đặt nhiều kỳ vọng vào sự trỗi dậy của thị trường tiêu thụ khổng lồ của Trung Quốc. Ngay các hãng xe hơi hàng đầu thế giới như GM, Ford (Mỹ), Toyota, Honda (Nhật) cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty xe hơi địa phương Trung Quốc có trình độ công nghệ thấp hơn, giá bán cũng rẻ hơn.

Tình hình mới buộc nhiều công ty đa quốc gia phải điều chỉnh chiến lược. Ngày 5-2 vừa qua, tập đoàn hàng gia dụng của Thụy Điển Electrolux tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất tủ lạnh tại thành phố Trường Sa ở miền trung Trung Quốc vì không cạnh tranh được với sản phẩm giá rẻ của các công ty địa phương. Có khả năng nhiều nhà máy như vậy sẽ được chuyển ra khỏi Trung Quốc, đến những quốc gia lân cận.

Nhưng các công ty Trung Quốc cũng không dễ gì một sớm một chiều chiếm lĩnh được thị trường. Nhiều công ty chuyên xuất khẩu không có mạng lưới phân phối trong nội địa Trung Quốc và phải mất rất nhiều thời gian, công sức để xây dựng quan hệ với các kênh phân phối. Cung cách kinh doanh trên thị trường Trung Quốc cũng khác xa thị trường quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu đã quen thuộc.

Vả lại, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mấy chục năm qua đã làm hình thành một tầng lớp trung lưu có thói quen xài hàng hiệu, chuộng hàng ngoại hơn hàng sản xuất trong nước – mà đó chính là lớp khách hàng mà các công ty muốn thu hút. Bởi vậy cuộc tranh đua giành thị phần chưa hẳn đã thuận lợi cho các doanh nghiệp địa phương.

H.H. (theo BusinessWeek)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới