Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc phá thế độc quyền của “tam giác sắt”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc phá thế độc quyền của “tam giác sắt”

Hiếu Chân

Trung Quốc phá thế độc quyền của “tam giác sắt”
Tổng Bí thư/Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng đầu ba ủy ban đặc biệt. Ảnh: Businessweek.com

(TBKTSG Online) – Ngày hôm qua 4-3, tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã tổ chức họp báo giới thiệu một số vấn đề liên quan đến kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII. Quốc hội Trung Quốc mở khoá họp thường niên vào sáng nay 5-3 và kết thúc vào ngày 13-3.

Bà Phó Doanh, Phát ngôn viên của Quốc hội kỳ này cho biết đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra chỉ thị cấm các đại biểu tổ chức tiệc tùng, cấm tặng và nhận quà cũng như đã được khuyến cáo không cho phép đặt “những món ăn xa xỉ” trong các bữa tiệc tiếp khách, giao dịch. Bà Phó Doanh cho biết, quyết định này nằm trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.

Kỳ họp Quốc hội Trung Quốc lần này sẽ loan báo chương trình cải cách trên diện rộng và đầy tham vọng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra từ cuối năm ngoái và sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu từ năm nay.

Kỳ họp cũng đánh dấu một năm kể từ khi ông Tập trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, và diễn ra trong bối cảnh của chiến dịch chống tham nhũng đang nới rộng một cách nhanh chóng trong khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang chậm lại.

Ông Tập Cận Bình đang nhắm phá thế độc quyền của ba nhóm lợi ích mà ở đây người ta gọi là “tam giác sắt”; đó là các tập đoàn nhà nước, lĩnh vực tài chính/ngân hàng và các chính quyền địa phương.

Được biết, đây cũng là kỳ họp đầu tiên Quốc hội Trung Quốc quán triệt toàn diện tinh thần hội nghị trung ương 3 khóa XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Quốc hội Trung Quốc là quốc hội lớn nhất thế giới với khoảng 3.000 đại biểu. Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có bài phát biểu gọi là “Báo cáo công tác của chính phủ”. Đây sẽ là một bài phát biểu dài, trong đó không chỉ có những câu khẩu hiệu, mà còn bao gồm cả những chỉ dấu về đường lối chính sách lớn.

Ông Lý Khắc Cường sẽ loan báo chỉ tiêu tăng trưởng mà nhiều người dự kiến được giữ ở mức 7,5%. Tuy nhiên với đà phát triển kinh tế đang chậm lại và các khoản nợ khổng lồ của các chính quyền địa phương, một số người cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn 7%/năm.

Kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây từ mức tăng trưởng hai con số. Có nhiều tiếng nói hơn của công chúng về những vấn đề môi trường và về chính sách phát triển bằng mọi giá của nước này. Trong hơn 8 ngày rưỡi tới đây, các đại biểu sẽ thảo luận 68 dự luật, trong đó có 11 dự luật về môi trường.

Bầu trời đã trong lành hơn vào hôm qua, nhưng không khí ô nhiễm từng che phủ Bắc Kinh trong nhiều ngày gần đây vẫn ở mức độ báo động. Bà Phó Doanh nói, các luật lệ về môi trường sẽ là vấn đề hàng đầu trong suốt kỳ họp này.

Bà Phó Doanh thừa nhận khói mù đã trở thành vấn đề biểu tượng và khó khăn của nhiều thành phố ở Trung Quốc và gây ảnh hưởng ngày càng nặng nề. Tuy nhiên không chỉ không khí bị ô nhiễm, nguồn nước và đất đai bị ô nhiễm thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Mùa thu năm ngoái, Chủ tịch Tập đã công bố một kế hoạch cải tổ kinh tế và gia tăng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân và các công ty độc quyền của nhà nước vốn chi phối nền kinh tế Trung Quốc.

Những cải cách này đồng thời cũng thúc đẩy pháp quyền và bãi bỏ những chính sách lâu đời gây cản trở cho sự phân phối của cải bình đẳng trong một đất nước có tới 1,35 tỉ dân này.

Bà Phó Doanh cho biết vai trò của Quốc hội là cung cấp khung sườn pháp lý cho kế hoạch cải cách rộng lớn mà ông Tập là người khởi xướng.

Giáo sư Hoàng Tĩnh, Chủ nhiệm môn Chính sách công của Đại học Quốc gia Singapore nói, cho đến nay, vấn đề có thông qua kế hoạch cải cách này hay không là do Quốc hội Trung Quốc định đoạt. “Điều này có thể đặc biệt thú vị và thậm chí khó khăn hơn những năm trước, bởi vì các chính sách cải cách lấn sâu vào cơ cấu chính trị và kinh tế hiện tại. Điều này có nghĩa là sẽ có sự tái phân bố lớn về quyền lực, đặc quyền và lợi ích”.

Những cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt nhắm tới việc phá vỡ thế độc quyền của ba nhóm lợi ích mà ở đây người ta gọi là cái “tam giác sắt”; đó là các công ty/tập đoàn do nhà nước sở hữu, lĩnh vực tài chính/ngân hàng và các chính quyền địa phương.

Ông Tập cũng đã có những bước đi mà các nhà phân tích nói là để tập trung quyền lực. Hiện nay ông là người đứng đầu ba ủy ban đặc biệt: một ủy ban về cải cách kinh tế, một ủy ban về an ninh và ủy ban còn lại tập trung vào công tác quản lý internet.

Chủ tịch Trung Quốc cũng có thái độ quyết liệt trong nỗ lực bài trừ tham nhũng. Các nhà phân tích nói thái độ đó có thể cũng sẽ góp phần dỡ bỏ những rào cản đối với mục tiêu cải cách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới