Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc ra ‘luật chơi’ mới, cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam chuẩn hóa

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Từ ngày 1-1-2022, xuất khẩu nông, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam phải thực hiện theo “Lệnh 248” và 249 của Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn để đáp ứng yêu cầu mới của Trung Quốc, song nếu nhìn ở khía cạnh khác, đây là cơ hội để “chuẩn hóa” ngành hàng này.

Quy định mới của Trung Quốc mang lại cơ hội “chuẩn hoá” ngành thuỷ sản Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành “Lệnh 248” về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và “Lệnh 249” về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”.

Các quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Khi đó, doanh nghiệp nước ngoài (bao gồm cả Việt Nam) muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ những quy định được quốc gia này đưa ra.

Quá nhiều điểm mới

Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi các cơ sở sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản và các đơn vị liên quan về việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc theo quy định mới.

Theo đó, về phạm vi áp dụng, quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp sản xuất các loại thực phẩm “thuộc doanh mục cần đăng ký” (bao gồm cả thuỷ sản) phải thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Còn quy định tại “Lệnh 248” và “Lệnh 249” thì toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc phải thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan quốc gia này.

Mặt khác, quy định mới cũng phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro, gồm nhóm 1: các doanh nghiệp sản xuất 18 loại thực phẩm xuất khẩu (bao gồm thuỷ sản) do Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu (Việt Nam) đề nghị với Tổng cục Hải quan Trung Quốc; nhóm 2: doanh nghiệp sản xuất các loại thực phẩm không nằm trong 18 loại thực phẩm nhóm 1 tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc uỷ thác đơn vị trung gian thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Về quy định công nhận danh sách doanh nghiệp đăng ký, quy định hiện hành là thực hiện theo thoả thuận hợp tác về kiểm soát an toàn thực phẩm thuỷ sản xuất nhập khẩu ký kết giữa hai bên năm 2014, các cơ sở đã được Cục thẩm định chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và Trung Quốc được Cục đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, cập nhật theo biểu mẫu thống nhất chung.

Trong khi đó, với quy định mới, thì các cơ sở đã có tên trong danh sách được phép xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc, thì tiếp tục được xuất khẩu trong thời gian tới, kể cả sau ngày 1-1-2022. Còn với cơ sở đăng ký bổ sung vào danh sách, cập nhật thông tin, gia hạn đăng ký kể từ sau ngày 1-1-2022, thì thực hiện đăng ký theo “Lệnh 248”.

Đối với yêu cầu ghi nhãn, quy định hiện hành yêu cầu bao bì phải rõ ràng, dễ đọc, được thể hiện bằng tiếng Trung và tiếng Anh các nội dung: tên thương mại và tên khoa học, mô tả, ngày sản xuất, mã số lô và điều kiện bảo quản; phương pháp sản xuất (đánh bắt, nuôi trồng); khu vực sản xuất (vùng, quốc gia đánh bát, nuôi). Tên và mã số đăng ký của các cơ sở sản xuất, chế biến (bao gồm tàu cá); điểm đến phải ghi là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Còn quy định mới yêu cầu, bao bì bên trong và bên ngoài phải có gắn nhãn chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc; thông tin được thể hiện bằng tiếng Trung/tiếng Anh hoặc tiếng Trung/tiếng Việt với các thông tin: tên hàng hoá và tên khoa học; quy cách sản phẩm; ngày sản xuất, số lô, hạn sử dụng và điều kiện bảo quản; phương thức sản xuất (đánh bắt, nuôi trồng); khu vực sản xuất (vùng/quốc gia nuôi/đánh bắt). Tên, số đăng ký, địa chỉ của tất cả các doanh nghiệp sản xuất, chế biến có liên quan (bao gồm tàu cá, tàu chế biến, tàu vận chuyển, kho lạnh độc lập); điểm đến phải ghi là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Ngoài ra, “Lệnh 249” áp dụng từ ngày 1-1-2022, phía Trung Quốc cũng đưa ra những quy định cụ thể về việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm và mức giới hạn tối đa cho phép về tồn dư các chất độc hại trong thuỷ sản theo quy định của quốc gia này.

Chẳng hạn, Trung Quốc cấm sử dụng hàng loạt hoá chất trong thuỷ sản như: Sulfadimethoxine, Sulfadiazine, Sulfamethazine (Suladimidine), Sulfachloropiridazine, Ciprofloxacin. Đối với chất Flumequine, thì cho phép sử dụng đối với cá ở mức giới hạn tối đa là 500 ppb và cấm sử dụng đối với tôm…

Cơ hội “chuẩn hoá” ngành nông, thuỷ sản

Trước những quy định mới trong “Lệnh 248” và “Lệnh 249” của Trung Quốc, thì một số ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, đây là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và thuỷ sản nói riêng “chuẩn hoá” sản phẩm.

Trao đổi với KTSG Online, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, với những doanh nghiệp đã xuất khẩu đi thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, thì họ sẽ dễ dàng đáp ứng được những quy định mới của Trung Quốc. “Bởi, những quy định này là nhằm nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi chuẩn chất lượng của Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…, cao hơn rất nhiều, cho nên, xem như họ đã đáp ứng, chỉ cần đăng ký thêm thôi”, ông giải thích.

18 loại thực phẩm được doanh nghiệp sản xuất (thuộc nhóm 1), bao gồm thịt và sản phẩm từ thịt; sản phẩm thuỷ sản; sản phẩm sữa; tổ yến và sản phẩm từ tổ yến; ruột (lòng); sản phẩm ong; trứng và sản phẩm từ trứng; dầu ăn và nguyên liệu dầu; thực phẩm hỗn hợp từ bột mì; ngũ cốc thực phẩm; sản phẩm ngũ cốc công nghiệp và mạch nha; rau tươi và rau tách nước; đậu khô; gia vị; các loại hạt và hạt giống; quả khô; hạt ca cao và hạt cà phê chưa rang; thực phẩm dinh dưỡng đặc biệt, thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, theo ông Huy, với những doanh nghiệp chuyên thị trường Trung Quốc, thì sẽ gặp khó khăn, bởi cần phải đầu tư/sửa lại cơ sở hạ tầng để đáp ứng các điều kiện, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Ví dụ, cơ sở đóng gói phải có rào chắn đảm bảo côn trùng, chó mèo không xâm nhập được”, ông dẫn chứng.

Ông Huy cho rằng, việc Trung Quốc nâng cao một bước về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam nói chung và thuỷ sản nói riêng nâng cấp, “chuẩn hoá” sản phẩm.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, quy định mới của Trung Quốc cũng chỉ theo thông lệ quốc tế. “Đáp ứng quy định này cũng là việc để nâng cao khả năng hội nhập thị trường Trung Quốc đối với doanh nghiệp Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Hoè, điều quan trọng nhất của những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các quy định liên quan đến hoạt động đăng ký, thì cuối cùng cũng để sản phẩm đảm bảo khi nhập khẩu vào Trung Quốc được an toàn. “Trong khi đó, hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là chuyện doanh nghiệp đã làm thường xuyên, thậm chí khi Trung Quốc không yêu cầu, thì về mặt quản trị, về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm doanh nghiệp cũng đã làm rồi”, ông Hoè cho biết.

Chính vì vậy, theo ông, vấn đề quan trọng nhất, đó là doanh nghiệp cần chú ý và cập nhật thường xuyên những quy định mới để có sự chủ động trong xuất khẩu, “chứ còn thủ tục các cơ quan chức năng đã có hướng dẫn, thông báo đầy đủ nên dễ dàng thực hiện”, ông nói và cho rằng, doanh nghiệp đã chấp nhận xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, thì phải chấp nhận những yêu cầu và bảo đảm về chuyện tương thích.

Đáp ứng yêu cầu mới của thị trường đông dân nhất thế giớiTrao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, thông tin rằng thị trường lớn của hội là Trung Quốc ngày càng bị siết chặt các yêu cầu đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu. Liên quan đến quy định mới của Trung Quốc, ông Trịnh cho biết hơn 2 tháng trước, phía Hải quan Trung Quốc đã thực hiện kiểm tra trực tuyến 8 nhà vườn thanh long cùng cơ sở đóng gói, sơ chế của các hội viên và đã đánh giá không đạt yêu cầu của họ về kiểm soát dịch hại và phòng chống Covid-19. Theo ông Trịnh, các nhà kho sơ chế của các cơ sở này phía cơ quan kiểm tra nhập khẩu đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu; trong khi việc ghi chép quy trình dịch hại cũng chưa đáp ứng.“Những cơ sở này trong thời gian qua buộc phải điều chỉnh, bổ sung phù hợp theo yêu cầu mới của phía Trung Quốc. Hiện cả tám nhà vườn nay đang chờ phía Trung Quốc đánh giá lại nhưng chưa rõ thời gian khi nào”, ông Trịnh nói.Theo ông Trịnh đây là 8 doanh nghiệp có quy mô lớn nên các doanh nghiệp nhỏ sẽ còn khó khăn hơn. Do đó, thời gian qua Hiệp hội cũng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn các quy định của thị trường Trung Quốc để doanh nghiệp và người dân triển khai thực hiện tốt hơn.Trong khi đó, một doanh nghiệp chế biến cà phê lớn của nước ngoài ở Việt Nam (không cho nêu tên) có xuất khẩu cà phê qua hệ thống nội bộ của tập đoàn của mình ở Trung Quốc thì cho biết không gặp khó khăn gì về xuất khẩu sang thị trường nước này vào đầu năm tới. Bởi lẽ phía Hải quan Trung Quốc đã có hỗ trợ hướng dẫn việc thực hiện để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trong thời gian tới.                                                                                                                                  Lê Hoàng

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiền bối của chúng ta có lịch sử tự tin hàng ngàn năm trong thời kỳ Bắc thuộc. Chúng ta cũng vậy, không có lý do gì không tự tin rằng sẽ chiến thắng trong cuộc chơi thương trường. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, thấu hiểu đối tác và đối thủ, biến thách thức thành cơ hội, tất yếu phải thành công và thành nhân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới