Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc ra mắt chương trình mua bán phát thải carbon lớn nhất thế giới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc ra mắt chương trình mua bán phát thải carbon lớn nhất thế giới

Chánh Tài

(KTSG Online) – Trung Quốc, nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, sẽ ra mắt chương trình mua bán phát thải (ETS) quốc gia vào ngày 16-7. Động thái này sẽ tạo ra thị trường phát thải carbon lớn nhất thế giới, giúp nâng gấp đôi quy mô của các chương trình ETS toàn cầu.

Tại cuộc họp báo hôm 14-7, các quan chức Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc cho biết, thị trường carbon sẽ giúp đất nước đạt đỉnh phát thải carbon trước năm 2030 và đạt mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng vào năm 2060.

Zhao Yingmin, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc, nói: “Về cơ bản, các công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Chúng tôi sẽ chọn thời gian phù hợp để ra mắt chương trình ETS quốc gia và sẽ thực hiện mua bán phát thải trong tháng 7 này”.

Các nguồn tin tin cậy cho biết Trung Quốc sẽ phát động chương trình ETS vào ngày 16-7.

Trung Quốc ra mắt chương trình mua bán phát thải carbon lớn nhất thế giới
Khói và hơi nước tỏa lên từ ống khói của một nhà máy nhiệt điện than ở TP Ngạc Nhĩ Đa Tư thuộc khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc. Ảnh: AP

Theo  ông Zhao Yingmin, Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc sẽ siết chặt các biện pháp xử phạt về gian lận dữ liệu trên thị trường carbon và đã huấn luyện hơn 6.000 nhân sự về cách tính toán phân bổ hạn ngạch carbon. Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc sẽ đóng vai trò quản lý và giám sát ETS.

Các công ty liên quan sẽ nộp dữ liệu phát thải của họ cho các Sở Môi trường ở các tỉnh để họ xác minh và bảo đảm hệ thống sẽ vận hành đúng kế hoạch. Những công ty không tuân thủ điều này có thể bị phạt tối đa 4.600 đô la Mỹ hoặc bị giảm hạn ngạch phát thải trong tương lai.

Chương trình mua bán phát thải của Trung Quốc ban đầu sẽ áp dụng cho 2.225 công ty trong ngành điện lực, với tổng lượng phát thải carbon được phép giao dịch có thể hơn 4 tỉ tấn mỗi năm, đưa Trung Quốc trở thành thị trường carbon lớn nhất thế giới.

Theo chương trình này, các doanh nghiệp phát thải carbon như các nhà máy điện sẽ được cấp một giấy phép về hạn ngạch phát thải mỗi năm. Tùy thuộc vào việc các doanh nghiệp này phát thải carbon thấp hơn hay vượt mức hạn ngạch, họ có thể mua bán các giấy phép này thông qua đấu giá và đàm phán.

Do vậy, chương trình ETS sẽ khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc kiểm soát và giảm khí thải carbon. Tuy nhiên, hạn ngạch mua bán phát thải của Trung Quốc được tính dựa trên lượng carbon phát thải trên mỗi đơn vị sản lượng của các doanh nghiệp trong những năm trước đây, thay vì một mức hạn ngạch tuyệt đối. Điều này có nghĩa là tổng lượng phát thải carbon của Trung Quốc sẽ không chắc chắn giảm trong ngắn hạn.

Hơn nữa, một số chuyên gia lo ngại các nhà máy điện có lượng phát thải carbon cao có thể mua giấy phép phát thải với giá rẻ, làm hạn chế động lực giảm phát thải.

Thứ trưởng Zhao Yingmin nói rất khó để dự báo giá của carbon. Ông cho biết, chương trình ETS thí điểm ở một số tỉnh của Trung Quốc định giá carbon ở mức 40 nhân dân tệ (6,18 đô la Mỹ)/tấn. Con số này rất thấp so với ở châu Âu, thị trường buôn bán phát thải lớn nhất hiện nay, nơi các chỉ số giá carbon tương lai đạt mức cao kỷ 58,64 euro (69,45 đô la)/tấn vào ngày 1-7.

“Giá carbon quá cao hoặc quá thấp đều không tốt. Chúng ta cần một mức giá hợp lý để chứng tỏ quyết tâm sớm đạt đỉnh phát thải carbon và đạt mục tiêu zero ròng về phát thải carbon”, ông nói thêm.

Ông Zhao Yingmin giải thích nếu giá carbon quá thấp, điều này sẽ làm giảm động lực giảm phát thải của các doanh nghiệp. Nếu giá carbon quá cao, các doanh nghiệp có lượng phát thải carbon cao sẽ đối mặt với gánh nặng chi phí.

Ông cho biết có tổng cộng 480 triệu tấn carbon đã được giao dịch trong các chương trình ETS thí điểm kết thúc hồi tháng 6.

Trong 3-5 năm tới, thị trường buôn bán khí thải carbon của Trung Quốc sẽ mở rộng sang 7 ngành công nghiệp có mức phát thải cao gồm: hóa dầu, hóa chất, vật liệu xây dựng, sắt thép, kim loại màu, giấy và hàng không nội địa.

Các chuyên gia buôn bán phát thải dự báo chương trình ETS của Trung Quốc sẽ khởi động chậm chạp trong năm đầu tiên để tập trung vào việc bảo đảm hệ thống vận hành thông suốt về cơ bản. “Nhưng một khi đã vận hành suôn sẻ, đó sẽ là một trong những cơ chế tốt nhất để khuyến khích giảm khí thải carbon bền vững trong dài hạn”, Công ty tư vấn Kinh tế Trivium China nhận định trong một báo cáo gửi cho khách hàng  trong tuần này.

Theo Bloomberg, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới