Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc săn nhân tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc săn nhân tài

Hàng trăm người dự phỏng vấn với hy vọng được các công ty tài chính Trung Quốc tuyển dụng

(TBKTSG)- Nhiều ngân hàng và công ty Trung Quốc tận dụng cơ hội các đối thủ ở Mỹ và châu Âu sa thải nhân viên để tìm kiếm nhân lực cấp cao cho ngành tài chính hiện đang thiếu những chuyên viên nhiều kinh nghiệm.

Ngày hội tuyển dụng

“Tôi có kinh nghiệm quản lý rủi ro”, cô Mary Yu, 43 tuổi, nói với nhà tuyển dụng đang ngồi trước mặt, nêu tên ngân hàng mà cô từng làm việc, vẻ mặt đầy lo lắng. Nhưng rồi cô thở phào nhẹ nhõm khi thấy nhà tuyển dụng đặt đơn xin việc của cô vào chồng hồ sơ xem lại, nghĩa là cô có thể được mời dự một đợt phỏng vấn khác.

Cô Yu là một trong 850 người tham gia ngày hội tuyển dụng tổ chức tại khách sạn Sheraton LaGuardia East Hotel ở thành phố New York, nơi nhiều công ty tài chính lớn nhất Trung Quốc đến “săn” nhân tài người nước ngoài. Họ nhắm tới các nhân viên đang lo ngại về tương lai nghề nghiệp trong ngành tài chính Mỹ. New York là điểm cuối cùng trong ba điểm dừng chân của đoàn tuyển dụng, gồm cán bộ nhân sự và đại diện hơn 27 công ty tài chính Trung Quốc. Các sự kiện tương tự đã được tổ chức ở London và Chicago, là một phần của chiến dịch tuyển dụng toàn cầu với hy vọng tìm được 70 vị trí trước khi hành trình kết thúc.

Do khủng hoảng lan khắp thế giới, hàng ngàn công việc trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng bị xóa bỏ, nhất là tại London và New York-  hai trung tâm tài chính đang gánh chịu những mất mát to lớn. Trong khi đó Trung Quốc tỏ ra còn nhiều cơ hội, ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Để bù vào chỗ thiếu hụt chất xám, các công ty tài chính Trung Quốc ra sức tận dụng tình hình mới để thu hút những người mới thất nghiệp nhằm nâng cấp đội ngũ nhân viên của mình.

Ông Hong Chen, Giám đốc điều hành Hina Group, một ngân hàng đầu tư toàn cầu mới ra đời, nói: “Chúng tôi tìm người có kinh nghiệm và am hiểu Trung Quốc cho các vị trí cấp cao, còn các vị trí cấp thấp chúng tôi tiếp tục tuyển những người Trung Quốc có tài”. Công ty của ông Hong chuyên về mua bán và sáp nhập xuyên biên giới, có văn phòng ở Bắc Kinh và San Francisco.

Thiếu kinh nghiệm

Cho đến nay nền tài chính Trung Quốc vẫn còn khép kín, tạo điều kiện cho Trung Quốc gần như tránh được tình trạng kinh doanh “cổ phiếu độc” bảo đảm bằng tài sản thế chấp đã làm sụp đổ nhiều ngân hàng lớn ở phương Tây trong năm qua. Tuy nhiên sự khép kín cũng kìm hãm công nghiệp tài chính Trung Quốc trong tình trạng kém phát triển.

Mặc dù các ngân hàng chỉ tuyển người tốt nghiệp các đại học hàng đầu đất nước, các nhân viên này đều thiếu kinh nghiệm thực tế trong một lĩnh vực hết sức phức tạp và tinh tế. Thiếu kinh nghiệm dẫn tới những quyết định sai lầm và trong một số trường hợp đã gây ra tổn thất nghiêm trọng.

Tập đoàn đầu tư Citic Pacific Group chẳng hạn, đã tích trữ đồng đô la Úc (Úc là nước cung cấp quặng sắt cho các nhà máy thép của Trung Quốc) nhằm tránh rủi ro về tỷ giá nhưng cuối cùng đã lỗ 2,4 tỉ đô la Mỹ khi đồng tiền Úc giảm giá mạnh. Tương tự, tập đoàn đầu tư của nhà nước Trung Quốc, China Investment Corporation – công ty mẹ của Citic Pacific – có vốn 200 tỉ đô la Mỹ lấy từ nguồn dự trữ ngoại tệ, đã gần như thua lỗ trong mọi khoản đầu tư; điển hình là vụ bỏ ra 3 tỉ đô la mua cổ phần của tập đoàn Blackstone Group Mỹ, nay đã mất đi 82% giá trị, tương đương 2,46 tỉ đô la.

Chính vì thế, 27 tổ chức tài chính đi tuyển người ở Mỹ – có những tên tuổi lớn như tập đoàn Citic, Ngân hàng Thượng Hải, Ngân hàng phát triển Phố Đông và Sở Chứng khoán Thượng Hải – đều săn tìm các chuyên viên quản lý rủi ro, có kinh nghiệm từ 3-10 năm ở vị trí tương tự trong các tập đoàn tài chính quốc tế. “Họ tìm người cho các vị trí chuyên về quản lý rủi ro, tính phù hợp và các sản phẩm phái sinh. Quan trọng nhất là họ tìm những người có tầm nhìn toàn cầu”, ông Qin Wang, 32 tuổi, chủ ngân hàng và thành viên Hiệp hội Tài chính Trung Quốc, đơn vị hỗ trợ tổ chức cuộc tuyển dụng ở New York, cho biết.

Nhiều lo ngại

Ngoài các ngày hội tuyển dụng chính thức, nhiều nhân viên ngành tài chính đã tự tìm việc ở Trung Quốc thông qua bạn bè và các mối quan hệ. Nhưng ngôn ngữ là một rào cản không phải ai cũng vượt qua được. Trong khi hầu hết nhân viên người Trung Quốc làm việc trong các tổ chức tài chính có thể nói tiếng Anh, nhà tuyển dụng buộc ứng viên nước ngoài phải nói được tiếng Hoa. “Chúng tôi tìm những người nói được hai thứ tiếng vì họ thường xuyên phải thương lượng với các công ty Trung Quốc bằng tiếng Hoa”, ông Hong thuộc Hina Group nói.

Các ứng viên người nước ngoài nhiều tham vọng có một nỗi lo khác là con đường thăng tiến sẽ bị “đụng trần” trong các tổ chức tài chính Trung Quốc – phần lớn là những công ty quốc doanh. Các vị trí quản lý cấp cao phải do ban tổ chức của đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm – không quan tâm tới các khuyến nghị hoặc phiếu bầu của cổ đông hoặc của ban quản trị.

Và đối với nhiều người nước ngoài, quyết định chuyển đến Trung Quốc làm ăn bao gồm cả việc chấp nhận sự thay đổi hoàn toàn lối sống. Brian Connors, 35 tuổi, chủ nhà hàng Bridge, một quán cà phê phong cách Ý ở phía tây bắc Bắc Kinh, nhận xét:  “Tôi chứng kiến nhiều người đến rồi đi, như một thứ chu kỳ. Một trong những trở ngại chính khiến họ phải bỏ đi là nạn ô nhiễm và kẹt xe ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Ở đây giá cả sinh hoạt dễ chịu và dịch vụ cũng tốt nhưng cơ sở hạ tầng còn kém. Ở đây bạn có thể sống như ông hoàng nhưng là ông hoàng trong một lâu đài mục nát”, ông Brian nói.

Chiến dịch tuyển dụng của các tổ chức tài chính Trung Quốc có lẽ chỉ phù hợp với những người gốc Hoa như Kenneth Chen, 29 tuổi, đang học cao học quản trị kinh doanh tại trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York. Chen cho rằng, nếu được mời làm việc, anh sẽ chuyển đến Trung Quốc mà không suy nghĩ nhiều. “Trong môi trường như thế này không cần ai phải vận động tôi tới Thượng Hải mà tự tôi sẽ đi”, anh nói.

MỸ HẠNH (Theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới