Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc sẽ thay thế chương trình “Made in China 2025”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc sẽ thay thế chương trình “Made in China 2025”?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Trung Quốc có thể thay thế chương trình “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025), vốn bị chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ trích là một chính sách bảo hộ, bằng một chương trình mới hứa hẹn cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận sâu rộng hơn vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ thay thế chương trình “Made in China 2025”?
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) muốn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hủy bỏ chương trình “Made in China 2025”, vốn bị Mỹ chỉ trích là một chính sách bảo hộ, ưu ái các công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: WSJ

Trung Quốc sẽ phế bỏ chương trình “Made in China 2025”?

Các nhà đàm phán thương mại ở Washington và Bắc Kinh đã khởi động các vòng đàm phán mới sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại trong vòng 90 ngày tại cuộc họp cấp cao ở Argentina hôm 1-12.

Theo thỏa thuận này, Mỹ đã đồng ý hoãn kế hoạch nâng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vào đầu năm sau. Song Mỹ muốn các vấn đề thuộc cấu trúc như chương trình “Made in China 2025” phải được giải quyết trong bất kỳ cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại toàn diện nào giữa hai nước.

Mỹ muốn Trung Quốc phải hủy bỏ hoặc thay đổi chương trình này, một sáng kiến cung cấp các chính sách trợ cấp của nhà nước để hỗ trợ các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc chinh phục thị trường thế giới. Bắc Kinh xem “Made in China 2025” đóng vai trò mấu chốt trong nỗ lực đưa Trung Quốc vươn lên thống lĩnh 10 lĩnh vực công nghệ cao từ công nghệ thông tin cho đến xe điện. Với chương trình này, Trung Quốc đặt mục tiêu tự sản xuất 70% linh kiện công nghệ và vật liệu quan trọng vào năm 2025.

Tờ The Wall Street Journal ngày 12-12 dẫn các nguồn tin cho biết Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) và các quan chức cố vấn chính sách cấp cao đang soạn thảo một chương trình thay thế cho "Made in China 2025”.

Động thái này là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm giải quyết các căng thẳng thương mại với Mỹ. Nó sẽ hạ bớt nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống lĩnh ngành sản xuất và cởi mở hơn với sự tham gia thị trường Trung Quốc của các công ty nước ngoài.

Các nguồn tin cho biết các kế hoạch hiện tại kêu gọi triển khai chương trình mới vào đầu năm sau khi Mỹ và Trung Quốc dự kiến tăng tốc đàm phán một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại khiến cả hai bên đều tổn thương. Trung Quốc cũng đã tỏ ý đưa các nhượng bộ khác bao gồm giảm thuế nhập khẩu ô tô và tăng mua hàng hóa nông nghiệp và năng lượng của Mỹ.

Các quan chức Trung Quốc ủng hộ các thay đổi đang được đề xuất và nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải gạt bỏ chương trình “Made in China 2025” vì những lý do riêng của nước này. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc chỉ trích chương trình này tạo ra sự lãng phí. Chẳng hạn, các khoản vay lãi suất thấp có sẵn ở mọi cấp chính quyền đã dẫn đến công suất thừa mứa trong lĩnh vực xe điện trong hai năm qua.

Các nguồn tin cho biết xuất phát từ động lực thị trường để nâng cấp ngành sản xuất sẽ mang lại những lợi ích kinh tế tốt hơn cho Trung Quốc. Ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh Trung Quốc phải chuyển sang mô hình tăng trưởng có chất lượng cao.

Đối mặt với sự ngờ vực ở Mỹ

Giới phân tích nhận định ít khả năng chính sách công nghiệp mới của Trung Quốc sẽ đi xa đến mức đủ để giải quyết các phàn nàn của Mỹ. Nhiều công ty nhà nước Trung Quốc, vốn đang được hưởng lợi nhờ tiếp cận thoải mái các nguồn lực đến từ các sáng kiến của chính phủ bao gồm chương trình “Made in China 2025”, vì vậy, họ không muốn bị cản trở bởi sự tham gia cạnh tranh lớn hơn trên một sân chơi công bằng.

Bất kỳ sự thay đổi nào về chương trình “Made in China 2025” sẽ đối mặt với sự ngờ vực ở Mỹ. Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump gọi “Made in China 2025” là mối đe dọa đối với sự cạnh tranh công bằng và cho rằng nó khuyến khích các gói trợ cấp của nhà nước dành cho các công ty trong nước và buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh Trung Quốc. Một số quan chức Mỹ có thể sẽ xem các thay đổi này chỉ là bề ngoài hơn là thực chất.

“Ngành công nghiệp của chúng tôi sẽ hoan nghênh chính sách ít phân biệt đối xử hơn từ Bắc Kinh, nhiều điều khác cần phải làm chứ không chỉ đơn giản thay đổi cái tên của chính sách công nghiệp này”, John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, bày tỏ ý kiến về kế hoạch thay thế chương trình “Made in China 2025” của Trung Quốc.

Ông cho rằng Trung Quốc cần đưa ra biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty sản xuất chip của Mỹ và chấm dứt cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Chương trình “Made in China 2025” xem ngành công nghiệp bán dẫn là một ưu tiên chiến lược và Bắc Kinh đã rót hàng tỉ đô la để hỗ trợ tài chính cho các công ty sản xuất chip nhà nước.

Nếu được ông Tập chấp thuận, kế hoạch thay đổi chương trình “Made in China 2025” có thể thuyết phục một số doanh nghiệp nước ngoài và một số quan chức trong chính quyền ông Trump tin rằng Bắc Kinh đang tạo ra các thay đổi lớn để chỉnh đốn lại nền kinh tế theo hướng thị trường hơn.

Trong những tháng gần đây, các lãnh đạo Trung Quốc đã ngừng đề cập công khai chương trình “Made in China 2025”. Một nhượng bộ quan trọng đang được Trung Quốc cân nhắc là giảm các mục tiêu cụ thể về mức thị phần của các công ty công nghệ Trung Quốc. Chương trình “Made in China 2025” đặt ra các mục tiêu nâng tỷ lệ các linh kiện và vật liệu cốt lõi được sản xuất ở trong nước lên 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025, một mức tăng được thúc đẩy nhờ các khoản trợ cấp, gây thiệt hại cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Sẽ giới thiệu các chính sách cạnh tranh công bằng

Các nguồn tin cho biết Bắc Kinh cũng lên kế hoạch thông báo các chính sách nhằm giới thiệu sự canh tranh công bằng hơn giữa các công ty nhà nước, công ty tư nhân và công ty nước ngoài dựa trên khái niệm “trung lập cạnh tranh” (competitive neutrality). Trong những năm trước đây, Trung Quốc gia tăng vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, nâng đỡ khu vực kinh tế nhà nước và o ép các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy nguyên tắc “trung lập cạnh tranh” và xem nó như là một phần trong quá trình tái đàm phán Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ. Theo khái niệm này, các chính phủ bị cấm ưu ái các công ty nhà nước, gây bất lợi cho các công ty tư nhân.

Khái niệm này được các chính quyền Mỹ trước đây ủng hộ và trở thành một phần của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà nay đã đổi lại thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút lui khỏi hiệp định này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới