Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc siết quản lý ngành công nghiệp live streaming

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc siết quản lý ngành công nghiệp live streaming

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Bắt buộc người dùng đăng ký bằng tên thật, tăng cường kiểm duyệt nội dung, cấm trẻ vị thành viên tặng quà ảo (có thể đổi sang tiền mặt) và hạn chế mức chi tiêu mua quà ảo của người dùng trên các nền tảng phát sóng trực tiếp (live streaming) là những quy định mà Trung Quốc vừa công bố để chấn chỉnh tình trạng bát nháo trong ngành công nghiệp đang tăng trưởng bùng nổ này.

Người ảnh hưởng phải thông báo kế hoạch phát sóng

Nền tảng "live streaming" cho phép rất nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm thương mại điện tử, game trực tuyến và các hoạt động giải trí đạt sức tăng trưởng bùng nổ ngay trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc. Nhưng ngành công nghiêp này cũng vấp phải làn sóng chỉ trích ngày càng gia tăng về các vấn đề thao túng dữ liệu lượt xem, bán hàng giả và nội dung khiêu dâm.

Trung Quốc siết quản lý ngành công nghiệp live streaming
Hoạt động bán hàng qua live streaming ở Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: CGTN

Để chấn chỉnh tình trạng này, hôm 23-11, Cục Quản lý Truyền thanh, và Truyền hình quốc gia Trung Quốc (NRTA) ban hành các quy định mới yêu cầu các nền tảng ‘live streaming’ phải bắt buộc người dùng, bao gồm những người bán hàng, những người ảnh hưởng (influencer) phải đăng ký bằng tên thật.

Họ cũng phải thiết lập hệ thống xác minh tên thật và cơ chế nhận dạng bằng khuôn mặt để bảo đảm người dùng sử dụng tên thật. Các quy định mới cấm người dùng dưới 18 tuổi tặng quà ảo cho host (người nổi tiếng, người ảnh hưởng chủ trì các buổi phát sóng trực tiếp). Ngoài ra, người dùng cũng bị hạn chế mức chi tiêu mua quà ảo trong mỗi ngày và mỗi tháng.

Các nền tảng ‘live streaming’ phải báo cáo cho cơ quan quản lý mỗi lúc người nổi tiếng, người ảnh hưởng hay người nước ngoài lên kế hoạch phát sóng trực tiếp đồng thời phải thông báo trước 14 ngày đối với kế hoạch phát sóng sự kiện thương mại điện tử quy mô lớn. Họ cũng phải thuê thêm nhân viên kiểm duyệt nội dung để loại bỏ các nội dung phù hợp như khiêu dâm và phải nộp báo cáo hoạt động hàng quí cho các cơ quan quản lý. NRTA sẽ thiết lập một danh sách đen của những người chủ trì các buổi phát sóng trực tiếp thường xuyên vi phạm các quy định để cấm họ hoạt động trên bất cứ nền tảng ‘live streaming’ nào.

NRTA nhấn mạnh: “Các nền tảng phát sóng trực tiếp phải ưu tiên thúc đẩy các lợi ích xã hội và lan tỏa năng lượng tích cực”.

Theo iResearch, năm ngoái, thị trường quà ảo của Trung Quốc có trị giá 180 tỉ nhân dân tệ (27 tỉ đô la Mỹ) trong khi đó, tổng giá trị hàng hóa được đặt mua thông qua các nền tảng live streaming đạt mức 451 tỉ nhân dân tệ (69 tỉ đô la). Trong 12 tháng trước tháng 10, chỉ riêng Alibaba nhận được các đơn hàng trị giá 350 tỉ nhân dân tệ thông qua các buổi phát sóng trực tiếp để bán hàng trên nền tảng Taobao Live.

Các nền tảng kiếm tiền từ quà tặng sẽ bị ảnh hưởng

Các nhà phân tích cho biết Công ty mạng xã hội Joyy ở Quảng Đông, vừa đồng ý bán dịch vụ ‘live streaming’ có tên gọi YY Live cho Tập đoàn internet Baidu với giá 3,6 tỉ đô la, có thể bị tác động nặng nề nhất bởi các quy định mới. Nền tảng YY Live cho phép người dùng mua sắm các món quà ảo để tặng cho những người ảnh hưởng, người nổi tiếng, có thể là nhạc sĩ, ca sĩ nghiệp dư, nhà bình luận… khi họ lên sóng trình diễn, trò chuyện trực tiếp.

Một người ảnh hưởng phát sóng trực tiếp trên nền tảng YY Live của Công ty mạng xã hội Joyy. Ảnh: New Yorker

Tuần trước, hãng điều tra tài chính Muddy Waters Research (Mỹ) công bố bản báo cáo cho biết phần lớn người dùng tặng quà ảo trên nền tảng YY Live là các bot tự động do nền tảng này tạo ra. Báo cáo cũng tiết lộ những người trình diễn, được cho là kiếm thu nhập cao từ nền tảng YY Live, thực ra chỉ kiếm được một phần nhỏ trong tổng thu nhập được báo cáo của họ.

Ke Yan, nhà phân tích ở Công ty DZT Research ở Singapore, nói: “Những người dùng giàu có chi hàng triệu đô la để mua quà ảo. Nếu họ bị hạn chế chi tiêu mua quà ảo ở mức chỉ vài đô la mỗi tháng, tất cả các nền tảng kinh doanh dựa vào quà ảo sẽ biến mất”.

Nhà phân tích Ke Yan dự báo chính phủ Trung Quốc sẽ thảo luận với các nền tảng ‘live streaming’ trước lúc đặt ra mức giới hạn chi tiêu mua quà ảo.

Các quy định mới được ra khi Công ty Beijing Kuaishou Technology, chủ sở hữu nền tảng Kuaishou, ứng dụng video ngắn lớn thứ hai Trung Quốc, đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông với mức định giá 50 tỉ đô la Mỹ.

Nắm trong tay 302 triệu người dùng hàng ngày ở nền tảng Kuaishou, Beijing Kuaishou Technology kiếm phần lớn doanh thu quà ảo mà người dùng mua tặng cho chủ nhân của các chương trình phát sóng trực tiếp như là cách để thưởng và bày tỏ sự ủng hộ đối với họ. Trong sáu tháng đầu năm 2020, Beijing Kuaishou Technology kiếm được 17,3 tỉ nhân dân tệ (2,64 tỉ đô) từ mảng kinh doanh phát sóng trực tiếp, chiếm 68,5% tổng doanh thu của công ty này.

Trong bản cáo cách IPO nộp cho Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, Beijing Kuaishou Technology cảnh báo: “Các quy định quản lý đang siết chặt của chính phủ đối với video ngắn, ‘live streaming’ và thương mại điện tử có thể hạn chế khả năng duy trì hoặc gia tăng nền tảng người dùng của chúng tôi hoặc lượt truy cập vào nền tảng của chúng tôi. Điều này sẽ tác động tiêu cực và rõ rệt đến hoạt động kinh doanh và kết quả tài chính của chúng tôi”.

Chấn chỉnh dịch vụ bán hàng qua ‘live streaming’

Theo quy định mới của NRTA, những chủ shop trực tuyến không đăng ký bằng tên thật sẽ bị cấm bán hàng qua ‘live streaming’. Những người ảnh hưởng hàng đầu và kênh phát sóng trực tiếp để bán hàng của họ sẽ là mục tiêu chính của các cuộc thanh tra.

Hãng tư vấn Coresight Research dự báo thị trường bán hàng qua ‘live streaming’ ở Trung Quốc sẽ đạt giá trị 125 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020, cao gần gấp đôi so với năm 2019.

Dữ liệu của Alibaba cho thấy vào dịp mua sắm giảm giá ngày lễ Độc thân 11-11 vừa qua, 300 triệu người đã xem các buổi phát sóng trực tiếp để bán hàng, góp phần giúp tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) trên các nền tảng của Alibaba tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Tuy nhiên, sau cơn mua sắm điên cuồng này, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc (CCA) nhận thấy những vấn đề liên quan đến hoạt động bán hàng qua ‘live streaming’.

Trong số 334.083 đơn khiếu nại mà CCA nhận được, có nhiều đơn khiếu nại liên quan đến những người nổi tiếng và người ảnh hưởng. Theo CCA, Live Jiaqi, người được đặt biệt danh là ‘vua son môi’ nhờ từng bán được 15.000 thỏi son môi chỉ trong 5 phút trong một buổi phát sóng trực tiếp, bị nhiều khách hàng phàn nàn vì không cho họ trả sản phẩm.

Wang Han, một người dẫn chương trình ở Đài truyền hình Hồ Nam, bị tố cáo tạo doanh số giả. Wang Han đã được trả mức phí 100.000 nhân dân tệ để bán hàng cho Công ty sản xuất hàng gia dụng Shunde trong một buổi phát sóng trực tiếp. Số liệu cho thấy anh đã bán được 1.323 món hàng nhưng rốt cục, có đến 1.012 món hàng bị trả lại. Điều này có nghĩa là tỷ lệ hoàn trả hàng lên đến 76,4%. Nhiều người nghi ngờ Wang Han cố tình tạo ra các giao dịch giả trong quá trình ‘live streaming’ để thu hút khách đặt mua hàng, dẫn đến tỷ lệ hoàn trả lớn như vậy.

Dữ liệu theo thời gian thực từ một buổi phát sóng trực tiếp trong dịp mua sắm giảm giá ngày lễ Độc thân 11-11 cho thấy có 3,1 triệu người theo dõi nhưng sau đó, truyền thông Trung Quốc chỉ ra rằng chỉ có 11.000 người xem thực sự.

Theo Nikkei Asian Review, CGTN, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới