Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc tăng cường chính sách bảo hộ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc tăng cường chính sách bảo hộ

Huỳnh Hoa

Đường sắt Trung Quốc sẽ được đầu tư lớn nhưng công ty nước ngoài không được tham gia. Ảnh WSJ

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu cảnh báo xu hướng bảo hộ mậu dịch đang tăng lên tại Trung Quốc.

Họ nói rằng chương trình kích cầu khổng lồ cộng với hàng loạt quy định mới đang tạo ra sự phân biệt đối xử chống lại doanh nghiệp nước ngoài.

Hôm thứ hai, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) là cơ quan mới nhất lên tiếng cảnh báo và cho rằng bảo hộ mậu dịch là mối quan tâm lớn nhất của họ trong năm nay. Sách Trắng năm 2009 của AmCham nói rằng vấn đề xảy ra trên diện rộng, từ việc các lãnh đạo vùng miền tìm cách lôi kéo tiền kích cầu về địa phương mình cho đến những chính sách quốc gia ưu ái cho các công ty Trung Quốc.

Mối quan tâm này xảy ra giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh những nỗ lực buộc các thị trường nước ngoài tiếp tục mở cửa. Tại thủ đô Washington hôm thứ hai, các quan chức chính phủ Mỹ – Trung đã chứng kiến việc ký kết hàng loạt hợp đồng giữa doanh nghiệp hai nước. Những lễ ký kết này đa số chỉ mang tính tượng trưng, chủ yếu chúng cho thấy rằng Trung Quốc – luôn có thặng dư khổng lồ trong thương mại với Mỹ – đang mua các sản phẩm nước ngoài.

Quan chức Trung Quốc cũng phản bác mạnh mẽ những lời chỉ trích từ nước ngoài, luôn than vãn rằng đất nước họ là nạn nhân của chủ nghĩa bảo hộ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường nêu lên các trường hợp hàng hóa Trung Quốc bị các nước phương Tây kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì bán phá giá, hay trường hợp Quốc hội Mỹ đưa điều khoản “Mua hàng Mỹ” vào gói kích cầu 787 tỉ đô la của chính phủ Mỹ. Điều khoản này, quy định các hợp đồng của chính phủ phải ưu tiên cho các nhà cung cấp Mỹ, đã gây căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại, và sự hạn chế đó cuối cùng đã bị bãi bỏ.

Giờ đây các công ty nước ngoài nói rằng chủ nghĩa bảo hộ “Mua hàng Trung Quốc” đang trỗi dậy mà một trong những hướng quan tâm chủ yếu là chương trình kích cầu 585 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc. Vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc đã không tham gia Hiệp định về mua sắm của chính phủ của WTO; hiệp định này ngăn cấm sự phân biệt đối xử đối với công ty nước ngoài dự thầu các dự án của chính phủ.

“Lẽ ra đây là thời điểm lý tưởng để Trung Quốc chứng tỏ rằng họ cam kết trở thành một thành viên trưởng thành của kinh tế thế giới và tuân thủ cam kết đó”, báo cáo của AmCham nhận xét.

“Điều đó [chủ nghĩa bảo hộ] phản ánh một thực tế rằng các nhóm doanh nghiệp đang giữ thế thượng phong và lèo lái chính sách của chính phủ Trung Quốc… Những công ty này muốn tạo ra tình trạng độc quyền, hoặc gần như độc quyền, càng ít cạnh tranh càng tốt”.

Joerg Wuttke,

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Trung Quốc.

Một phần của vấn đề là tiền kích cầu của Trung Quốc được đổ vào những ngành công nghiệp rõ ràng là phân biệt đối xử chống lại các công ty nước ngoài. Hệ thống đường sắt quốc doanh của Trung Quốc chẳng hạn, năm nay sẽ được phân bố khoảng 2 tỉ đô la Mỹ và trong một cuộc phỏng vấn gần đây các quan chức của ngành này nói rằng một số dự án lớn – như đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải – không được phép sử dụng công nghệ nước ngoài. Lý do là Trung Quốc muốn xây dựng các công ty trong nước trở thành “những nhà vô địch quốc gia”, các quan chức này cho biết.

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Trung Quốc, nhận xét: “Điều đó phản ánh một thực tế rằng các nhóm doanh nghiệp đang giữ thế thượng phong và lèo lái chính sách của chính phủ Trung Quốc… Những công ty này muốn tạo ra tình trạng độc quyền, hoặc gần như độc quyền, càng ít cạnh tranh càng tốt”.

Các hạn chế này vượt quá những quy định nội bộ. Tuần trước Trung Quốc thông qua một luật mới về bưu chính, cấm các công ty nước ngoài trong lĩnh vực chuyển phát nhanh hoạt động ở Trung Quốc, giáng một cú đấm mạnh vào các tập đoàn như FedEx Corp. của Mỹ và DHL Worldwide Express của Đức. Trung Quốc cũng duy trì những đạo luật công khai ngăn cản nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực then chốt như xe hơi, hóa chất và công nghệ thông tin.

Nhiều công ty nước ngoài – thường ít khi than phiền công khai vì ngại làm xấu mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc – cũng đã than phiền thông qua các hiệp hội thương mại về cách thức Trung Quốc xử lý một bộ tiêu chuẩn mới về viễn thông. Trung Quốc đã trì hoãn nhiều năm việc cấp giấy phép dịch vụ viễn thông thế hệ thứ 3 – gọi là 3G – cho đến nay thì các công ty viễn thông Trung Quốc đã mạnh lên và vượt lên trước các công ty nước ngoài để giành hầu hết giấy phép.

Tuy vậy, các nhà phân tích nói rằng, một vài biện pháp bảo hộ chủ nghĩa là căn bệnh cố hữu trong cơ cấu chính trị đã phân cấp của Trung Quốc và chúng cũng ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều tỉnh ở Trung Quốc – có tỉnh có đến 100 triệu dân – hoạt động như những quốc gia riêng rẽ với những luật lệ cấm mua hàng hóa ngoài tỉnh. Nhiều tỉnh còn lập ra danh mục những sản phẩm phải được mua ngay bên trong tỉnh đó.

(Theo Wall Street Journal)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới