Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc: Tăng lương, doanh nghiệp đi hay ở?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc: Tăng lương, doanh nghiệp đi hay ở?

Hạ Ninh

Đình công tại nhà máy Honda ở Phật Sơn, Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Các cuộc đình công dẫn đến xô xát tại nhiều nhà máy ở phía đông Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải cơ cấu lại hoạt động.

Lương tăng

Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong và ngoài nước Trung Quốc phải chuẩn bị đối mặt với làn sóng tăng lương trong những năm tới sau khi những tranh cãi về lương xảy ra.

Ông Cai Fang, giám đốc Học viện dân số và lao động tại Đại học Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết lương của 150 triệu lao động nhập cư đã tăng 19% trong năm 2008, 16% trong năm 2009 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Sau một loạt các vụ đình công đòi tăng lương tại nhà máy Honda, Foxconn (Hon Hai), KOK Machinary International hay thậm chí tại chuỗi cửa hàng KFC, các chủ thuê lao động đều thương lượng tăng lương cho người lao động từ 5% – 65%. Song song đó, gần 20 tỉnh thành tại Trung Quốc cũng tuyên bố tăng lương tối thiểu, nơi cao nhất gần 30%.

Nhiều quan chức Trung Quốc ủng hộ việc tăng lương cho người lao động vì điều này giúp cải thiện đời sống của người dân và giảm khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo. Đồng thời, chính phủ còn yêu cầu các công ty cải tiến công nghệ và quản lý. Ông Wang Min, giám đốc cơ quan phụ trách về nhân lực và an ninh xã hội của Thâm Quyến, nhấn mạnh những công ty không đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố sẽ phải rời khỏi thành phố này.

Sau khi công nhân tại một nhà máy của Honda được tăng lương từ 24% – 33% sau đình công, công nhân tại nhà máy Foshan Fengfu Autoparts cũng đình công đòi tăng lương. Dù chưa có bằng chứng cho thấy công nhân các nhà máy có sự phối hợp trong đình công nhưng việc các công nhân của hãng Honda được tăng lương sau đình công đã khơi mào cho những hành động tương tự của công nhân tại nhiều nơi khác.

Đi hay ở?

Giá lao động tăng khiến các nhà sản xuất điện tử phải cân nhắc việc chuyển nhà máy sang các nước láng giềng của Trung Quốc, nơi giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những bất đồng về lương và việc các công ty phải tăng lương cho công nhân sẽ không khiến Trung Quốc mất đi chức năng “công xưởng sản xuất của thế giới”.

Ông Li Xiaogang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, nói: “Về lý thuyết, lương tăng sẽ khiến các công ty chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang nước có giá nhân công rẻ hơn nhưng khả năng này không cao vì Trung Quốc có lợi thế về cơ sở hạ tầng, chính trị ổn định và thị trường tiêu thụ khổng lồ, kỹ năng nhân công tốt hơn các nước láng giềng”.

Ông James Lei, giám đốc nghiên cứu điện tử tiêu dùng của Công ty Instat, nói các công ty có thể sẽ dời nhà máy sang những vùng khác như Tứ Xuyên, Trùng Khánh hơn là sang các nước khác. Các công ty có thể dùng cách này gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc nhằm tìm cách giải quyết phù hợp.

Nhiều công ty đầu tư với mục đích xuất khẩu như hàng may mặc giá rẻ hoặc hàng hóa công nghệ thấp chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Ông Danny Lau, Giám đốc Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hongkong, cho biết 2.000 – 3.000 trong số 50.000 nhà máy của Hongkong tại Pearl River Delta có khả năng phải đóng cửa.

Nhiều nhà phân tích đồng ý làn sóng đình công chưa đe dọa lập tức đến các công ty, ngay cả trong những ngành sản xuất đòi hỏi nhiều lao động vì chi phí tiền lương chỉ chiếm phần nhỏ. Tại nhà máy Foxconn, chi phí lương (bao gồm cả lương hưu) chỉ chiếm 7% tổng chi phí sản xuất.

Nhiều tập đoàn sản xuất vẫn dư khả năng đối phó với tình huống tăng lương. Giai đoạn 2004-2008, tập đoàn Nomura (Nhật Bản) ước tính năng suất lao động tại các nhà máy của họ ở Trung Quốc tăng trung bình 21%/năm, trong khi lương công nhân chỉ tăng 13%.

Với những công ty như Foxconn, các nhà phân tích cho rằng, chi phí để tăng lương có thể được đổ lên vai người tiêu dùng hoặc công ty bán lẻ. Với các tập đoàn lớn, sức ép tăng lương có thể khống chế được, nhất là khi họ có nhu cầu sáp nhập các đơn vị sản xuất tại những nền kinh tế quy mô lớn.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới