Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc tăng tốc nuôi heo trong các tòa nhà cao tầng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các trang trại heo cao tầng mọc lên trên khắp Trung Quốc như là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm nâng cao tính cạnh tranh về hiệu quả sản xuất nông nghiệp và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trang trại heo cao 26 tầng ở Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. NY Times

Những tòa nhà cao tầng dành để… nuôi heo

Cuối tháng 9 năm ngoái, 3.700 chú heo nái đầu tiên được chuyển đến một tòa nhà cao 26 tầng, nằm sừng sững ở một ngôi làng nông thôn ở thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Hàng chục heo nái mỗi lượt được đưa vào các thang máy công nghiệp để di chuyển lên các tầng cao hơn, nơi chúng sẽ được chăm sóc cho đến khi thụ tinh và trưởng thành.

Được xây dựng bởi Công ty Hubei Zhongxin Kaiwei Modern Animal Husbandry (UZKMAH), trang trại heo cao tầng ở Ngạc Châu giống như một biểu tượng cho tham vọng hiện đại hóa sản xuất thịt heo của Trung Quốc.

“Trình độ chăn nuôi heo lợn hiện tại của Trung Quốc vẫn chậm hơn các nước tiên tiến nhất hàng chục năm. Điều này cung cấp cho chúng tôi cơ hội cải thiện để bắt kịp”, Zhuge Wenda, Chủ tịch UZKMAH nói.

Trang trại cao tầng của UZKMAH hoạt động thực sự giống như một nhà máy hiện đại với những dây chuyền sản xuất chính xác chẳng kém nhà máy lắp ráp xuất iPhone của Foxconn.

Bên trong tòa nhà này, các kỹ thuật viên mặc đồng phục, làm việc trong một trung tâm điều hành giám sát đàn heo nái bằng camera có độ phân giải cao. Mỗi tầng của tòa nhà vận hành giống như một một hệ thống chuồng trại khép kín dành cho các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của heo, bao gồm khu vực dành cho heo mang thai, khu vực dành cho heo con, khu vực cho heo con bú và không gian để vỗ béo heo con.

Để vào tòa nhà, khách phải tắm rửa, khử trùng và sau đó lau khô người trước khi mặc bộ đồ bảo hộ toàn thân nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Thức ăn được vận chuyển trên một băng chuyền lên tầng trên cùng rồi được đưa vào các bể khổng lồ, nơi có thể cung cấp hơn 450 tấn thức ăn mỗi ngày, sau đó đưa xuống các tầng bên dưới thông qua các máng ăn công nghệ cao. Hệ thống này tự động phân phối thức ăn dựa trên nhu cầu của từng giai đoạn trưởng thành, cân nặng và sức khỏe của heo.

Ngay cả phân heo cũng được kiểm tra các chỉ số, thu thập và tái sử dụng. Khí mê-tan thu được từ phân heo khô sẽ được sử dụng để sản xuất điện.

Tòa nhà cao tầng này được ca ngợi là trang trại nuôi heo độc lập lớn nhất thế giới. Một tòa nhà cao tầng nuôi heo thứ hai của UZKMAH cũng sắp khai trương tại đây. Khi cả hai trang trại heo cao tầng đạt công suất tối đa vào cuối năm nay, dự kiến sẽ có 1,2 triệu con heo được sản xuất mỗi năm. Vốn đầu tư cho hai tòa nhà này khoảng 4 tỉ nhân dân tệ (590 triệu đô la Mỹ).

Tại tỉnh Quảng Đông, rất nhiều trang trại nuôi heo cao tầng cũng đã được xây dựng.

Tăng năng suất để đáp nhu cầu thịt trong nước

Trong nhiều thập niên, nhiều gia đình ở nông thôn Trung Quốc nuôi heo ở mảnh đất sau vườn nhà. Heo được coi là vật nuôi có giá trị kinh tế, không chỉ cung cấp thịt mà còn là phân hữu cơ. Heo cũng có ý nghĩa văn hóa như một biểu tượng của sự thịnh vượng vì trong lịch sử xa xưa, thịt heo chỉ được phục vụ vào những dịp đặc biệt.

Ngày nay, không nước nào tiêu thụ thịt heo nhiều hơn Trung Quốc. Nước này tiêu thụ một nửa lượng heo của thế giới. Giá thịt heo được giám sát chặt chẽ như một thước đo lạm phát và được quản lý cẩn thận thông qua kho dự trữ thịt chiến lược của nhà nước, có thể được trích xuất để bán ra thị trường khi nguồn cung cạn kiệt.

Tuy nhiên, thịt heo ở Trung Quốc thường có giá cao hơn so với giá thịt của những nước có ngành chăn nuôi heo hoạt động quy củ như một ngành công nghiệp. Vì vậy, trong vài năm gần đây, hàng chục trang trại heo công nghiệp khổng lồ mọc lên khắp Trung Quốc như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hẹp khoảng cách đó bằng cách tăng tính hiệu quả.

Sáu thập niên sau khi nạn đói giết chết hàng chục triệu người, Trung Quốc vẫn đi sau hầu hết các nước phát triển về sản xuất lương thực hiệu quả. Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất, bao gồm hơn một nửa lượng đậu nành của thế giới, chủ yếu để làm thức ăn chăn nuôi.

Nước này chỉ có khoảng 10 % diện tích đất canh tác của hành tinh để nuôi khoảng 20% dân số toàn cầu. Chi phí sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc cao hơn nhưng năng suất bắp, lúa mì và đậu nành lại thấp hơn so với các nền kinh tế lớn khác.

Những yếu kém đó trở nên rõ ràng hơn trong vài năm qua khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, tình trạng gián đoạn nguồn cung liên quan đến đại dịch Covid-19 và chiến tranh ở Ukraine làm dấy lên rủi ro an ninh lương thực tiềm ẩn ở Trung Quốc.

Năm 2019, Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành quy định yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ hỗ trợ ngành chăn nuôi heo, bao gồm hỗ trợ tài chính cho các trang trại quy mô lớn.

Cùng năm đó, Bắc Kinh cho biết sẽ phê duyệt mô hình chăn nuôi heo trong nhà cao tầng, cho phép nuôi heo theo chiều dọc, giúp nuôi được nhiều hơn trên những khu đất nhỏ hơn để cải thiện tính hiệu quả. Tính đến đầu năm 2022, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông có hơn 170 trang trại nuôi heo cao tầng, trong đó có một tòa nhà cao 17 tầng.

“Đây là một cột mốc quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc vì tôi nghĩ rằng trang trại cao tầng sẽ tác động đến thị trường thịt heo của thế giới”, Yu Ping, Giám đốc điều hành của Yu’s Design Institute, một công ty thiết kế trang trại nuôi heo nói.

Đàn heo ở trang trại cao 26 tầng được giám sát qua các màn hình trong một phòng điều hành. Ảnh: NY Times

Rủi ro về kiểm soát dịch bệnh

Sự chuyển hướng sang các trang trại lớn tăng tốc vào năm 2018 khi dịch tả heo châu Phi tàn phá ngành công nghiệp nuôi heo của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Brett Stuart, người sáng lập Global AgriTrends, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết các tòa nhà nuôi heo và các trang trại khổng lồ khác làm trầm trọng thêm rủi ro lớn nhất mà ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc. Đó là dịch bệnh.

Việc nuôi quá nhiều heo cùng nhau trong một cơ sở duy nhất khiến việc ngăn ngừa lây nhiễm bệnh trở nên khó khăn hơn. Ông lưu ý các nhà sản xuất thịt heo lớn của Mỹ đã mở rộng diện tích trang trại để giảm rủi ro về an toàn sinh học.

“Nếu người chăn heo Mỹ nhìn vào những bức hình về trang trại heo cao tầng ở Trung Quốc, họ chỉ biết gãi đầu và nói: ‘Chúng tôi sẽ không bao giờ dám làm điều đó. Nó quá mạo hiểm”, ông nói.

Tuy nhiên, khi giá thịt heo tăng gấp ba lần trong một năm, cùng với sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với các trang trại heo quy mô lớn thì phần thưởng dường như lớn hơn rủi ro. Cơn bùng nổ xây dựng trang trại heo quy mô lớn lớn xảy ra sau đó, dẫn đến một thị trường tràn ngập nguồn cung.

Hậu quả là hiện nay, giá thịt heo giảm khoảng 60% so với mức cao nhất năm 2019. Ngành công nghiệp thịt heo của Trung Quốc đã chứng kiến sự biến động chẳng kém đồng tiền ảo Bitcoin, với các chu kỳ bùng nổ hoặc sụp đổ, mang lại lợi nhuận hoặc thua lỗ khổng lồ tùy thuộc vào dao động giá cả

Tháng trước, Jiangxi Zhengbang Technology, một nhà sản xuất thịt heo có trụ sở ở Quảng Tây, cho biết bị Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến hủy niêm yết cổ phiếu vì lo ngại công ty sẽ mất khả năng thanh toán.

Công ty này báo cáo lỗ ròng 7,6 tỉ nhân dân tệ (1,1 tỉ đô la Mỹ) trong 9 tháng đầu năm 2022. Nhiều công ty chăn nuôi heo lớn khác cũng đối mặt thua lỗ lớn do mở rộng đầu tư giữa lúc giá thịt heo bắt đầu rơi vào chu kỳ giảm từ năm 2021.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới