Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc tập trận gần Đài Loan, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe doạ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nguy cơ bị gián đoạn một lần nữa trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở 6 khu vực xung quanh Đài Loan để đáp trả chuyến thăm hòn đảo này của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi.

Các cuộc tập trận có sự tham gia của lực lượng bộ binh, hải quân, không quân với quy mô chưa có tiền lệ và kéo dài đến ngày 7-8 trên thực tế như một cuộc phong tỏa Đài Loan, lãnh thổ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Hoạt động tập trận của Trung Quốc có thể hàng ngàn chuyến bay và tàu chở hàng phải chuyển hướng để tránh các khu vực nguy hiểm.

Trực thăng quân sự Trung Quốc bay qua đảo Bình Đàm thuộc tỉnh Phúc Kiến, một trong những điểm gần Đài Loan nhất, trước khi bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật hôm 4-8. Ảnh: AFP

Gần như là một cuộc phong tỏa bằng hải quân

AFP đưa tin các cuộc tập trận của Trung Quốc được phát động vào hôm 4-8 và diễn ra dọc theo một số tuyến hàng hải bận rộn nhất của thế giới, được sử dụng để vận chuyển các lô hàng bán dẫn và thiết bị điện tử quan trọng từ các trung tâm nhà máy ở khu vực Đông Á đến với các thị trường toàn cầu. Các tuyến hàng hải đi qua đây cũng được xem là huyết mạch đối với dòng chảy khí đốt hóa lỏng (LNG).

Gần một nửa số tàu container trên thế giới đã đi qua eo biển Đài Loan, khu vực biển ngăn cách hòn đảo này với lục địa Trung Quốc  trong bảy tháng đầu năm nay, theo dữ liệu của Bloomberg.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 3-8 cho biết các cuộc tập trận nhằm chứng tỏ rằng quân đội Trung Quốc “có khả năng phong tỏa toàn bộ đảo Đài Loan”.

China Times, một trang tin thân Bắc Kinh của Đài Loan, cho biết cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc không khác gì một cuộc phong tỏa hải quân kéo dài 3 ngày đối với Đài Loan và sẽ làm gián đoạn nguồn cung LNG cho Đài Loan.

James Char, một học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nhận định: “Do phần lớn đội tàu container trên thế giới đi qua eo biển Đài Loan, chắc chắn sẽ có sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu khi các tàu buộc phải chuyển hướng”.

Ngay cả một sự gián đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã căng thẳng do tác động đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, cũng có thể gây tổn thất lớn cho thương mại thế giới.

Nick Marro, nhà phân tích thương mại toàn cầu của hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit, viết trong một báo cáo: “Các cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc xảy ra ở khu vực đường biển cực kỳ nhộn nhịp. Việc các tuyến vận chuyển ở đây bị phong tỏa, dù chỉ là tạm thời, sẽ gây ra những hậu quả không chỉ đối với Đài Loan mà còn các dòng chảy thương mại kết nối với Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Tình hình bất ổn đã khiến Chỉ số vận tải và hàng hải trên thị trường chứng khoán, theo dõi giá cổ phiếu các công ty hàng không và vận tải biển, giảm 1,05% vào sáng 4-8. Chỉ số này đã giảm 4,6% kể từ đầu tuần.

Hoạt động hàng hải và hàng không gần Đài Loan bị ảnh hưởng

Hôm 4-8. Cục Hàng hải và cảng Đài Loan cảnh báo các tàu ở các khu vực phía bắc, đông và nam Đài Loan tránh những địa điểm mà Trung Quốc đang tiến hành tập trận.

Theo dữ liệu của Bloomberg, một số tàu hàng tiếp tục di chuyển qua eo biển Đài Loan vào hôm 4-8 nhưng chỉ còn rất ít tàu vẫn còn nằm trong các khu vực tập trận của Trung Quốc.

Tính đến trưa nay, chỉ còn khoảng 15 tàu hoạt động trong các khu vực tập trận so với 45 tàu vào trưa hôm trước. Không có tàu nào hiện diện gần bờ biển lục địa Trung Quốc ở eo biển Đài Loan.

Một số tàu chuyển hướng xuống phía đông đảo Đài Loan và điều này làm hành trình của họ bị trễ khoảng 3 ngày, theo ước tính của các công ty môi giới vận tải biển. Thời gian trễ đó không phải là quá bất thường với tình hình bất ổn của vận tải biển hiện nay và tác động dài hạn chỉ ở mức nhỏ nếu căng thẳng Trung Quốc và Đài Loan hạ nhiệt vào tuần sau.

Ít nhất một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở phía nam Đài Loan đã đổi hướng để tránh các cuộc tập trận. Một số tàu hàng khác đang giảm tốc độ để tránh các cuộc tập trận và,điều này sẽ dẫn đến các chuyến hàng giao đến Đài Loan và các nước lân cận bị chậm trễ.

Một số tàu container chở nông sản từ Đông Nam Á đến Trung Quốc đã hoãn bốc hàng vào tuần tới để tránh rủi ro. Trong khi đó, một số tàu container khác không thể dời lại lịch trình và vẫn đang chờ thông báo của các công ty vận tải biện, theo một nhà kinh doanh hàng hóa ở Thượng Hải.

Tập đoàn Hóa dầu Formosa của Đài Loan cho biết không có sự chậm trễ hay hoãn chuyến hàng nào đến hoặc rời cảng Mạch Liêu của Đài Loan. Tập đoàn xăng dầu và khí đốt CPC của Đài Loan, sở hữu nhà máy lọc dầu ở thành phố cảng Cao Hùng, gần một trong những khu vực tập trận của Trung Quốc , cho biết hoạt động cảng của họ vẫn không bị ảnh hưởng. Một số công ty vận tải biển vẫn chờ xem tác động của các cuộc tập trận trước khi chuyển hướng các tàu container của họ.

Bonnie Huang, người phát ngôn của Maersk China, chi nhánh của hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk tại Trung Quốc, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi chưa thấy bất kỳ tác động nào và chúng tôi chưa có kế hoạch chuyển hướng các tàu”.

Các cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh Đài Loan cũng ảnh hưởng đến các chuyến bay đi qua khu vực này. Trong hai ngày qua, hơn 400 chuyến bay đã bị hủy tại các sân bay lớn ở Phúc Kiến, tỉnh của Trung Quốc nằm gần Đài Loan nhất, báo hiệu rằng không phận này có thể được quân đội sử dụng.

Trong khi đó, Đài Loan cho biết các cuộc tập trận của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn 18 đường bay quốc tế đi qua vùng thông báo bay (FIR) của lãnh thổ này. Trung Quốc cũng đã khuyến cáo các hãng hàng không ở châu Á tránh các khu vực nguy hiểm xung quanh Đài Loan trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận.

Sáu khu vực tập trận (các ô màu đỏ) của Trung Quốc xung quanh Đài Loan. Ảnh: Al Jazeera.

Căng thẳng sẽ leo thang đến mức nào?

Trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan vào giữa thập niên 1990, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận trong nhiều tháng, bao gồm cả phóng tên lửa vào vùng biển ngoài khơi Đài Loan và diễn tập các cuộc tấn công đổ bộ nhằm vào đảo Đài Loan.

Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall Đức (German Marshall Fund) có trụ sở tại Washington, Mỹ, cho biết: “Trung Quốc chắc chắn muốn thể hiện quyết tâm theo những cách vượt xa những gì họ đã làm vào năm 1996”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định do đang đối mặt với những khó khăn kinh tế trong nước, Trung Quốc sẽ không mạo hiểm để xảy ra gián đoạn lớn trong chuỗi cung ứng và sẽ tự giới hạn các hành động gây hấn.

Học giả James Char nói: “Việc đóng cửa hoạt động giao thương qua eo biển Đài Loan trong thời gian dài cũng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc”.

Natasha Kassam, Giám đốc Chương trình chính sách đối ngoại ở Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Úc cho biết: “Chẳng có ích lợi gì cho Bắc Kinh để gây gián đoạn hoạt động thương mại và đi lại dân sự khu vực”. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định Trung Quốc sẽ xem xét tiến hành các biện pháp leo thang phản ứng đối với chuyến thăm Đài Loan của Pelosi, bao gồm phô trương sức mạnh quân sự, tấn công mạng và trừng phạt kinh tế đối với Đài Loan.

Thomas Shugart, một chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới,  cho rằng với những tiến bộ quân sự của mình, Trung Quốc có khả năng thực thi một cuộc phong tỏa hàng không và hàng hải đối với Đài Loan.

Liệu Trung Quốc có chọn thực hiện một cuộc phong tỏa như vậy hay không… phần lớn phụ thuộc vào mức độ rủi ro kinh tế và chính trị mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng đối mặt, vị chuyên gia này phân tích.

Theo AFP, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới